Không để lãng phí làm mất đi cơ hội phát triển đất nước
Kinh tế - Ngày đăng : 16:13, 03/11/2022
Lượng hóa cụ thể tình trạng lãng phí
Với việc lựa chọn giám sát tập trung vào 5 nội dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm theo quy định của Luật THTK, CLP, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc, giám sát trực tiếp với Chính phủ, 15 Bộ, ngành, cơ quan trung ương, 15 địa phương. Đây được đánh giá là cuộc giám sát có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đã huy động một lực lượng lớn tham gia. Các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố đã tổ chức giám sát trực tiếp tại địa phương. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các Bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp vừa có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP của cơ quan, đơn vị mình, đồng thời tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách.
Nhiều đại biểu Quốc hội có chung đánh giá, việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề này để thực hiện giám sát tối cao là “rất đúng và trúng” trong thời điểm hiện nay, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, đánh giá cao. Kết quả giám sát đã cho thấy việc thực hiện chính sách pháp luật về THTK, CLP còn nhiều hạn chế, vướng mắc, việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm. Với những con số biết nói, kết quả giám sát đã đánh giá, định lượng được tình trạng lãng phí trong từng lĩnh vực.
Đó là những lãng phí rất lớn đang xảy ra trong lĩnh vực sử dụng ngân sách nhà nước với nợ đọng, thất thu thuế lớn, hàng nghìn dự án chậm tiến độ, hàng nghìn dự án có thất thoát, lãng phí; việc thực hiện thoái vốn nhà nước rất chậm gây lãng phí. Ngoài ra, còn là lãng phí trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, quy hoạch treo kéo dài, nhiều khu “đất vàng” bị bỏ hoang hóa… Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thông (Đoàn Bình Thuận) nhận xét, có thể thấy “nhìn đâu cũng thấy lãng phí và thất thoát”. Nếu những tồn tại, hạn chế trên được khắc phục thì công cuộc xây dựng đất nước của ta còn nhiều thành tựu hơn nữa.
Còn đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang) cho rằng, kết quả giám sát lần này đã giải quyết được rất nhiều vấn đề một cách hiệu quả, thiết thực. Ngoài việc xác định cụ thể những tồn tại, hạn chế trong ban hành chính sách pháp luật, định mức, tiêu chuẩn chế độ, Báo cáo giám sát còn “bắt tận tay, day tận trán” và lượng hóa định mức cụ thể giá trị, khối lượng, địa chỉ những hạn chế, tồn tại. Đây là điều rất quan trọng bởi “nếu cứ nêu chung chung thì nhiều nội dung vấn đề đã được đánh giá, kết luận nhưng nhiều người cũng sẽ không nghĩ trong đó có bóng dáng của cơ quan, đơn vị, tổ chức của mình”.
Nhờ vậy, kết quả của cuộc giám sát đã có tác động tích cực làm chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP. Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP, ban hành kế hoạch, giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế theo kiến nghị của Đoàn giám sát.
Hoàn thiện thể chế pháp luật, nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Từ việc phân tích, “mổ xẻ” những vấn đề được Đoàn giám sát chỉ ra, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải “đi đến cùng” kết quả giám sát, làm rõ trách nhiệm và tìm ra hướng khắc phục những hạn chế, bất cập gây lãng phí nguồn lực đất nước, như ý kiến của đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa): Vấn đề quan trọng đặt ra tiếp theo là ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại, tổn thất, lãng phí đó; giải pháp xử lý các tồn tại đó như thế nào?
Đồng tình với kiến nghị của Đoàn giám sát, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu có liên quan và thực hiện các giải pháp khắc phục đối với các tồn tại, hạn chế được Đoàn giám sát chỉ ra; đồng thời xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí và báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện.
Chỉ ra thực tế việc thực hiện các kết luận, thanh tra, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhiều nơi còn chậm, chưa theo đến cùng việc tổ chức thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm toán, gây thất thoát trong việc thu hồi tiền, tài sản, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) kiến nghị Quốc hội cần giám sát lại các kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm toán chưa được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, chậm so với yêu cầu, để có chế tài xử lý nghiêm minh, tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân.
Đề xuất các giải pháp căn cơ để đẩy mạnh THTK, CLP trên tất cả các phương diện, nhiều đại biểu có chung quan điểm đó là, cần khẩn trương hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, định mức tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đồng thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, có chế tài mạnh đối với các hành vi gây lãng phí để tạo chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới. Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) nhấn mạnh, những sơ hở, mâu thuẫn chồng chéo trong pháp luật đang tạo ra chuỗi các “điểm nghẽn”, là lực cản lớn cho sự phát triển của đất nước. Việc chậm hoàn thành thể chế 1 ngày là đánh mất và lãng phí nhiều cơ hội cho sự phát triển của đất nước.
Vì vậy, đại biểu cho rằng, giải pháp hàng đầu là hoàn thiện thể chế đối với các lĩnh vực đã được chỉ rõ tại báo cáo giám sát, cần phân công trách nhiệm, tiến độ xem xét và báo cáo giải quyết những mâu thuẫn đó trên từng lĩnh vực, có những danh mục và phụ lục phân công cho cơ quan tổ chức thực hiện, cơ quan giám sát, thời hạn giải quyết, thời hạn báo cáo Quốc hội…
Đặc biệt, nhiều ý kiến nhấn mạnh, vấn đề cốt lõi để THTK, CLP hiệu quả, thiết thực, thường xuyên, không rơi vào hình thức, phong trào là Đảng và Nhà nước phải xây dựng cho được trong nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội ý thức tiết kiệm./.