Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thận trọng khi thực hiện tự chủ trong giáo dục, y tế

Chính trị - Ngày đăng : 16:30, 05/11/2022

(BKTO) - Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc thực hiện tự chủ chủ yếu rơi vào lĩnh vực giáo dục và y tế, những lĩnh vực an sinh trụ cột ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Vì vậy, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập trong 2 lĩnh vực này cần rất thận trọng, tránh làm theo phong trào.
5fad90750b6ecd30947f.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: VPQH

Sáng 5/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tham gia báo cáo làm rõ vấn đề tự chủ tài chính ở các đơn vị sự nghiệp công lập được đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, liên quan đến việc thực hiện tự chủ tài chính của các đơn vị sự ngiệp công lập, Chính phủ ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định 16/2015/NĐ-CP, trong đó xác định tự chủ một phần hoặc toàn diện.

Việc xây dựng đơn vị sự nghiệp tự chủ nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị Nhà nước giao, hình thành danh mục tự chủ để từ đó xác định được nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác phục vụ cho đơn vị tự chủ và chủ động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

Danh mục tự chủ được xây dựng trên nguyên tắc đối với dịch vụ thiết yếu thì Nhà nước đảm bảo kinh phí, dịch vụ cơ bản thì Nhà nước hỗ trợ kinh phí, dịch vụ đặc thù theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu để tạo điều kiện cho các đơn vị ngoài công lập tham gia.

Cùng với việc thực hiện tự chủ đối với sự nghiệp công lập sẽ hoàn thiện chính sách liên quan, như chính sách đất đai, đấu thầu - Bộ trưởng cho biết.

Vừa qua, một số đơn vị sự nghiệp công lập trước đây có thí điểm tự chủ thì giao tự chủ toàn phần, tuy nhiên, việc huy động xã hội hoá gặp khó khăn nên các bệnh viện như Bạch Mai, K, Việt Đức xin thôi không thực hiện tự chủ toàn phần.

“Những đơn vị này xin tự chủ một phần chi thường xuyên, còn chi đầu tư thì ngân sách nhà nước đảm bảo, chúng tôi thấy hợp lý vì làm sao phục vụ người dân tốt nhất, đơn vị phát triển nhất. Khi có nguồn thu ổn định, phát triển thì tiến tới tự chủ toàn bộ phần chi đầu tư” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng chỉ rõ, tự chủ tài chính chủ yếu rơi vào giáo dục - đào tạo, y tế và khoa học - công nghệ. Đây là hai trụ cột an sinh và “người dân được nhờ ở hai lĩnh vực này”. Nếu phục vụ không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, sức khoẻ nhân dân, cũng như việc học tập của con em.

Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập trong 2 lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế cần rất thận trọng, tránh làm theo phong trào.

Theo đó, khi đặt tự chủ là nhằm tăng tính chủ động, sáng tạo, tự quyết của đơn vị, nếu đơn vị đảm bảo tự chủ tài chính 100% có nghĩa là được thực hiện trả lương theo kết quả lao động.

Nếu đảm bảo chi thường xuyên thì trả lương theo quy định, số tiền còn lại được đưa vào quỹ thu nhập cơ quan, đơn vị để tái đầu tư. Còn đơn vị Nhà nước đảm bảo 100% kinh phí thì đang khuyến khích khoán chi đến các bộ phận.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc đảm bảo chất lượng phục vụ người dân, nhất là với người nghèo, thu nhập thấp. Ví dụ nếu vào Bệnh viện Bạch Mai chụp X-quang chỉ phải trả 45 nghìn đồng, trong khi ra ngoài công lập phải trả 500 nghìn đồng, vượt quá khả năng của người nghèo.

Chính vì vậy, đơn vị nào chưa đảm bảo được tự chủ tài chính thì ngân sách nhà nước phải đảm bảo để đổi mới trang thiết bị, đổi mới công nghệ và giữ người giỏi trong hệ thống để phục vụ người dân.

Nhắc đến quan điểm cho rằng nguồn nhân lực phục vụ công cũng như tư, miễn là đóng góp, cống hiến cho xã hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, theo nhận thức của cá nhân ông và tìm hiểu thì các nước trong khu vực như Singapore trả lương cho công chức cao hơn nhiều so với khối khối doanh nghiệp bên ngoài để giữ người giỏi trong bộ máy, để kiến tạo chính sách, hoạch định chiến lược, quản lý nhà nước tốt nhất, thúc đẩy và làm nền tảng cho phát triển.

Ông cha nói “một người lo bằng kho người làm” nên cần giữ lực lượng tinh hoa, tinh tú trong bộ máy Nhà nước, nhất là với giáo dục và y tế để phục vụ nhân dân tốt hơn” - ông Hồ Đức Phớc nói.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề thu hút và giữ chân người tài trong bộ máy nhà nước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hiện nay, thực hiện Kết luận 86-KL/TW của Bộ Chính trị, từ năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 140/2017/NĐ-CP để triển khai việc thu hút, trọng dụng nhân tài và đã thu hút được 258 sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ.

Nhiều địa phương đã căn cứ chủ trương của Đảng, thông qua HĐND xây dựng chính sách phù hợp để thu hút, trọng dụng nhân tài. Đến nay, các địa phương đã thu hút được gần 3.000 sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ làm việc trong khu vực công.

“Nhưng rõ ràng con số này còn quá ít ỏi”, Bộ trưởng Phạm Thị Thành Trà nhìn nhận và cho biết, hiện Bộ đang xây dựng đề án chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài. Theo đề án này, sẽ có cơ chế, chính sách thu hút hấp dẫn hơn.

Cùng với thu hút trọng dụng nhân tài, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nội vụ cũng đang tập trung xây dựng nghị định khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đ. KHOA