Sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và câu chuyện khoán xe công đối với một số chức danh
Góc nhìn - Ngày đăng : 12:00, 25/10/2016
(BKTO) - Trao đổi với ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính về việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và những vấn đề đang được dư luận quan tâm trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản công.
Trên cương vị những người xây dựng chính sách, xin ông cho biết tại sao Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước lại được sửa đổi vào thời điểm này?
Tài sản nhà nước tại Việt Nam có phạm vi, quy mô rất lớn; là cơ sở vật chất để thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công và là nguồn lực quan trọng, bền vững có thể khai thác để phát triển kinh tế - xã hội. Theo nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế, thông thường ở các quốc gia, giá trị tài sản công của mỗi quốc gia bằng 4 lần GDP của quốc gia đó. Ở Việt Nam, tổng giá trị tài sản công còn có thể lớn hơn. Bởi vậy, việc xây dựng, ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) hiện nay là cần thiết:
Một là, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành; bảo đảm việc đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công hiệu quả, tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; đáp ứng yêu cầu mới về khai thác nguồn lực từ tài sản công.
Hai là, thể chế hóa Điều 53 Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả các loại tài sản công đều được quản lý chặt chẽ, hiệu quả bằng pháp luật; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các Luật có liên quan như: Luật về tổ chức bộ máy nhà nước, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kiểm toán nhà nước.
Khi xây dựng Luật (sửa đổi), chúng tôi thống nhất quan điểm:
Thứ nhất, tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, huy động, khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn lực từ tài sản công để phát triển kinh tế- xã hội.
Thứ hai, xây dựng những nguyên tắc chung nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng bao quát đầy đủ phạm vi, đối tượng, nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công; kế thừa những nội dung, quy định hiện hành còn phù hợp, đã được thực hiện ổn định, có hiệu quả trong thực tế; sửa đổi những quy định không còn phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý trong tình hình mới; phân định tài sản công phục vụ công tác quản lý, cung cấp dịch vụ công, tài sản công phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, tài sản công phục vụ sản xuất, kinh doanh; đổi mới phương thức quản lý, sử dụng tài sản công phù hợp với từng loại tài sản theo hướng nắm chắc, hạch toán, thống kê đầy đủ tài sản công về giá trị và hiện vật, coi tài sản công là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu ngân sách nhà nước.
Thứ ba, tạo lập cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm tài sản công; khai thác tài sản công hợp lý, hiệu quả gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội để cùng Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác tài sản công, tạo lập nguồn lực tài chính đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu ngân sách nhà nước; từng bước chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài sản công, phát triển dịch vụ về tài sản công theo cơ chế thị trường trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu toàn dân về tài sản.
Về tên gọi của Dự án luật: Để phù hợp với Điều 53 Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015, Chính phủ đã trình Quốc hội cho đổi tên của Dự án luật là “Luật Quản lý, sử dụng tài sản công”.
Có thể nói, Luật (sửa đổi) đưa ra những quy định mang tính đột phá so với trước đây. Sự thay đổi này không chỉ nhằm quản lý chặt chẽ, có hiệu quả các nguồn lực công mà còn tính tới khai thác các nguồn lực này phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, các nội dung Luật (sửa đổi) có nhiều điểm mới nằm ở nhiều chương, điều.
Chẳng hạn, bằng 9 điều quy định cụ thể tại Chương II, Luật sửa đổi quy định nội dung quản lý nhà nước đối với tài sản công; nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ, cơ quan trung ương, Kiểm toán Nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp đối với tài sản công; cơ quan quản lý tài sản công. Theo đó, Quốc hội ban hành luật, thực hiện chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng về tài sản công. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài sản công.
Quá trình rà soát, đánh giá Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2008 đã cho thấy, vấn đề tổ chức triển khai có lúc, có nơi chưa nghiêm túc, thiếu chế tài xử lý vi phạm, nhất là việc chấp hành các quy định tiêu chuẩn định mức. Để khắc phục tình trạng này, Luật (sửa đổi) đã đưa ra những quy định chặt chẽ hơn. Nếu cá nhân có hành vi vi phạm tài sản công, gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế. Sau đó, tùy theo mức độ vi phạm, cá nhân bị xử lý kỷ luật theo các quy định của pháp luật hiện hành. Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra vi phạm cũng phải có trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm liên đới. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để đưa văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể hơn về xử lý vi phạm…
Thưa ông, là đơn vị xây dựng Luật, Bộ Tài chính có hình dung trước những phản ứng của cơ quan lập pháp khi Luật được trình ra Quốc hội?
Tôi tin, đại biểu Quốc hội và các cơ quan báo chí hiểu rất rõ sự cần thiết của việc quản lý chặt chẽ tài sản công. Theo tờ trình Chính phủ, tài sản công của chúng ta khoảng gần 50 tỷ USD, chưa kể nhóm tài sản hạ tầng là các công trình cấp nước sạch. Theo báo cáo, hiện nay đã có danh mục 39.962 tuyến đường với tổng nguyên giá tạm xác định là 1.831.000 tỷ đồng. Bộ Tài chính nói chung và Cục quản lý công sản nói riêng cũng đã quản lý tốt số lượng xe, người sử dụng, số lượng trụ sở, đất đai, năm xây dựng, giá trị nguyên giá, giá trị hao mòn… nhưng muốn làm được đầy đủ thì phải đợi Luật ban hành.
Luật (sửa đổi) được trình Quốc hội trong 2 kỳ: Kỳ họp tháng 10/2016 Quốc hội sẽ cho ý kiến và kỳ họp tháng 05/2017 Quốc hội sẽ thông qua. Dự kiến ngày 01/01/2018, Luật (sửa đổi) sẽ có hiệu lực. Sau khi Luật (sửa đổi) có hiệu lực, Chính phủ sẽ ban hành gần 10 nghị định hướng dẫn triển khai và cố gắng thực hiện để không có độ trễ.
Ông vừa đề cập đến việc quản lý đất đai với ý nghĩa là quản lý một tài sản công. Vậy, khi đất đai được cổ phần hóa thì nó sẽ được tính như thế nào? Việc liên danh, liên kết hình thành tài sản có được coi là tài sản công?
Quy định của pháp luật hiện hành không tính lợi thế đất đai khi doanh nghiệp cổ phần hóa. Chỉ doanh nghiệp nào chọn hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất thì đất đai đó được tính vào tài sản công. Điều này liên quan nhiều đến Luật Doanh nghiệp. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ Tài nguyên và môi trường cùng Bộ Tài chính nghiên cứu tính toán làm sao để khi cổ phần hóa doanh nghiệp thì phải tính một giá trị lợi thế cũng như bản quyền của đơn vị ấy. Chẳng hạn Bệnh viện Việt Đức khi liên danh, ngoài quỹ đất đang có thì còn thương hiệu của bệnh viện, cho nên chúng ta phải tính toán đưa vào nhằm xác định phần vốn của Nhà nước tại bệnh viện. Quan điểm của chúng tôi là cần xác định và tính toán rõ để mang lại nguồn lợi cho Nhà nước.
Về liên danh, liên kết thì có hai hình thức. Nếu liên danh, liên kết hình thành pháp nhân mới thì rõ ràng tài sản đó là của doanh nghiệp, không thể coi là tài sản của Nhà nước. Nhưng, nếu liên danh, liên kết chỉ khai thác, sử dụng trong một thời gian thì nó vẫn là tài sản của Nhà nước và được quản lý theo quy định của Luật này. Bởi vậy, trường học, bệnh viện không thể sử dụng vào việc khác mà chỉ được kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp liên danh, liên kết để phát triển dịch vụ tốt hơn trên cơ sở tài sản Nhà nước hiện có.
Liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ có đề cập đến việc khoán xe công đối với một số chức danh theo quy định. Vậy, ông có thể cho biết, chúng ta đã có những bước chuẩn bị như thế nào?
Hiện nay, sau khi các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc rà soát số lượng xe công theo Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 04/08/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng về việc sắp xếp xe công, đồng thời cũng gửi văn bản đến từng bộ, ngành, địa phương về kết quả rà soát. Theo kết quả này, cả nước có khoảng 37.000 xe công, chưa kể xe của lực lượng quốc phòng, công an. Theo ước tính của Bộ Tài chính, số lượng xe thừa là mấy nghìn xe và sẽ được xử lý theo đúng yêu cầu tiêu chuẩn của Thủ tướng Chính phủ. Ở những địa phương quản lý hàng trăm đơn vị, có đơn vị thừa xe, có đơn vị lại thiếu xe, cho nên vấn đề này sẽ được sắp xếp ở nội bộ trước. Đối với xe thừa, nếu quá cũ thì địa phương tự thanh lý và nộp vào ngân sách nhà nước. Đối với xe vẫn sử dụng được thì điều về Bộ Tài chính để Bộ điều chỉnh cho những nơi thiếu, tránh tình trạng bên thừa bên thiếu gây lãng phí.
Hiện chúng ta đang có 901 xe chức danh. Tất cả các chức danh có hệ số phụ cấp 0,7 thì được sử dụng xe công, hệ số 1,25 thì được bố trí đưa đón bằng xe chức danh. Chúng tôi đang tính tới việc cấp sở, quận, huyện được trang bị 2 xe, các cấp thấp hơn được trang bị xe nhưng với kinh phí khoán. Đây là một trong những hướng mà chúng tôi đang nghiên cứu bởi số lượng xe chức danh không nhiều.
Thưa ông, trong trường hợp có bộ, ngành hoặc địa phương nào đó muốn tăng thêm xe công thì sẽ như thế nào?
Tôi cho rằng, vấn đề này không thể vượt quá quy định. Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ, mỗi một đơn vị nếu muốn cơ chế đặc thù thì phải được Thủ tướng chấp thuận. Nhưng, theo quan điểm của Cục quản lý công sản thì định mức như hiện nay cơ bản là phù hợp, đáp ứng yêu cầu hoạt động của đơn vị. Qua quá trình thực hiện, chúng tôi thấy có một vài điểm chưa phù hợp thì tới đây Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng để điều chỉnh.
Được biết, Bộ Tài chính cũng là đơn vị tiên phong trong việc khoán xe công. Vậy thưa ông, tới đây, chúng ta sẽ có giải pháp gì để các bộ, ngành, địa phương khác cùng thực hiện hình thức này?
Trên cơ sở chính sách đưa ra, các bộ, ngành, địa phương sẽ căn cứ vào đó để thực hiện. Bộ Tài chính cũng chỉ là một trong nhiều bộ, ngành và việc khoán xe công là trong nội bộ ngành tài chính. Thực ra, khoán xe công là quy định có từ trước, nhưng xưa nay chúng ta đang thực hiện theo hình thức khoán tự nguyện. Văn phòng Bộ đang có kế hoạch sắp xếp lại đội ngũ, từng bước giảm bớt số lượng đội ngũ chức danh. Vì đây là bước đi đầu tiên nên chúng tôi rất thận trọng khi thực hiện. Sau thời gian đánh giá lại, Bộ sẽ tiến tới những lộ trình tiếp theo. Chúng tôi hy vọng, từ bước đầu mang tính nội ngành, việc khoán xe công sẽ lan rộng cả nước, khi ấy chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều tài sản Nhà nước.
Hiện nay, muốn thực hiện khoán xe công, chúng ta phải sửa quy định pháp luật liên quan, cụ thể là Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg. Sau thời gian thực hiện, nếu một vài bộ, ngành triển khai khoán tự nguyện tốt thì sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đối với một số lĩnh vực, địa bàn, chúng ta có thể bắt buộc thì hoàn toàn có thể khoán như khoán chức danh với một loại kinh phí nào đó. Tuy nhiên, việc này phải gắn với hạ tầng công cộng và phải tính tới vấn đề an ninh, an toàn đối với các chức danh lãnh đạo. Khi khoán, chúng ta chỉ tính tới một cấp. Các nước khác cũng vậy, những chức danh dưới Bộ trưởng thì phải đánh giá, báo cáo chứ không khoán cho tất cả các chức danh.
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
XUÂN HỒNG (thực hiện)
Theo Đặc san Kiểm toán số 52 ra tháng 10/2016