Báo cáo tài chính nhà nước: Làm sao để tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”?
Đối nội - Ngày đăng : 12:00, 25/11/2016
(BKTO) - Đặc san Kiểm toán tháng 10/2016 đã có bài viết giới thiệu những nội dung chủ yếu của Dự thảo Nghị định về báo cáo tài chính nhà nước. Trong số này, chúng tôi xin tiếp tục đề tài với bài phản ánh những ý kiến đóng góp cho Dự thảo, như việc công khai thông tin, thời điểm thực hiện, và đặc biệt là vấn đề kiểm toán đối với báo cáo tài chính nhà nước.
Công khai thông tin chủ yếu hay thông tin không bí mật?
Theo Dự thảo Nghị định, báo cáo tài chính nhà nước sẽ công khai các thông tin chủ yếu về tình hình tài sản nhà nước; nợ công và các khoản phải trả khác của nhà nước; nguồn vốn của nhà nước; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước.
Theo ông Phạm Sỹ Danh, Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), việc công khai, minh bạch báo cáo tài chính nhà nước vừa phục vụ công tác quản lý, quản trị của Chính phủ, vừa giúp người dân biết và giám sát hoạt động tài chính công. Vì vậy, yếu tố công khai trong báo cáo tài chính nhà nước cần được quan tâm một cách đầy đủ, nếu không, nó sẽ không đáp ứng được các mục tiêu của việc lập báo cáo tài chính nhà nước.
Sau khi Bộ Tài chính công bố nội dung Dự thảo trên mạng internet để lấy ý kiến, nhiều nhà kinh tế, nhà khoa học cho rằng báo cáo tài chính nhà nước sẽ công khai chi tiết từng khoản chi tiêu của Chính phủ như: tiếp khách, mua xe, vé máy bay... để dân giám sát. Như vậy, kỳ vọng của người dân về thông tin sẽ công khai trong báo cáo tài chính nhà nước là rất lớn và Chính phủ cần đáp ứng nhu cầu này ở mức cao nhất.
Theo Dự thảo Nghị định, báo cáo tài chính nhà nước phản ánh đầy đủ tình hình tài chính nhà nước nhưng lại chỉ công khai những thông tin chủ yếu, tức là một phần thông tin. Điều này sẽ khiến dư luận hiểu rằng, Nhà nước vẫn còn những thông tin khác chưa minh bạch, không muốn công khai với dân về tài chính công. Ông Danh cho rằng, trừ các khoản chi đặc biệt (theo quy định là thông tin mật), còn những thông tin khác có cần thiết coi là thông tin chủ yếu hay không, thông tin nào là chủ yếu, nếu công khai một phần thông tin thì giải quyết vấn đề gì và người dân giám sát như thế nào. Cơ quan soạn thảo Nghị định cần làm rõ mục đích, yêu cầu phải công khai báo cáo tài chính nhà nước và nên cân nhắc việc công khai thông tin chủ yếu hay công khai những vấn đề không bí mật.
Bà Trần Mai Phương, Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: trong những năm gần đây, việc công khai thông tin theo Luật Ngân sách nhà nước đã có nhiều đổi mới, tuy nhiên, khi công khai, nhiều người dân vẫn không hiểu các chỉ tiêu trong danh mục. Đây là những điều cơ quan quản lý cần lưu ý khi công khai báo cáo tài chính nhà nước. Vì thế, Bộ Tài chính nên quy định cụ thể, rõ ràng nội dung công khai báo cáo tài chính nhà nước (trừ thông tin mật), bảng biểu công khai như thế nào để tất cả người dân hiểu được thì việc công khai mới có ý nghĩa. Hiện tại, Dự thảo Nghị định quy định rất chung chung việc công khai thông tin tình hình tài sản nhà nước, nợ công và các khoản phải trả khác của Nhà nước,… chỉ những người có chuyên môn về tài chính mới hiểu được những thông tin này.
Đồng quan điểm nêu trên, bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia cao cấp của ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam so sánh một cách hình ảnh rằng, báo cáo tài chính nhà nước là bức tranh tổng quát lần đầu tiên được công khai giống như một mũi tên trúng 2 đích, vừa phục vụ việc điều hành, vừa phục vụ việc giám sát của người dân. Vì vậy, ngoài mẫu biểu chi tiết, đầy đủ để phục vụ việc điều hành, cơ quan quản lý nên quy định hệ thống mẫu biểu đơn giản hơn (giống như ngân sách cho công dân) hay còn gọi là báo cáo tài chính cho công dân với các chỉ tiêu cơ bản để người dân hiểu được.
Báo cáo tài chính nhà nước cần được kiểm toánngay từ lần đầu tiên
Trong thời gian đầu lập báo cáo tài chính nhà nước, cơ quan lập báo cáo vừa hoàn thiện quy trình vừa thực hiện. Chính vì vậy, một số ý kiến, đặc biệt là các ý kiến từ cơ quan soạn thảo đã cho rằng, hiện tại chưa nên đặt ra yêu cầu kiểm toán đối với báo cáo này. Tuy nhiên, ở góc độ KTNN, ông Lê Huy Trọng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế khẳng định quan điểm: báo cáo tài chính nhà nước là một bộ phận của báo cáo tài chính nên tất yếu phải thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật KTNN. Theo ông Trọng, trước đây, KTNN có thực hiện loại hình kiểm toán báo cáo tài chính, tuy nhiên, trong thực tế, nhiều đơn vị lại chưa có báo cáo tài chính. Vì vậy, các quyết định kiểm toán khi đó thường ghi bằng cụm từ: kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước của đơn vị. Đến nay, Điều 32, Luật KTNN sửa đổi không quy định kiểm toán báo cáo tài chính nữa, thay vào đó là quy định kiểm toán tài chính. Chuẩn mực KTNN cũng quy định rõ bằng cụm từ này. Như vậy, KTNN không chỉ kiểm toán báo cáo tài chính mà còn kiểm toán cả thông tin tài chính.
Ông Phạm Công Tham, Phó Chủ tịch thường trực Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) nêu vấn đề, theo Dự thảo, Bộ Tài chính vừa hướng dẫn, vừa thực hiện, vừa kiểm tra việc lập báo cáo tài chính nhà nước. Vậy cơ quan nào sẽ giám sát việc này? Để tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, ông Tham cho rằng cần phải kiểm toán báo cáo tài chính nhà nước bởi KTNN chính là cơ quan giúp tăng độ tin cậy của thông tin. Hơn nữa, nếu đưa quy định KTNN kiểm toán báo cáo tài chính nhà nước cũng rất hợp lý, khi mà báo cáo tài chính nhà nước là một loại hình của báo cáo tài chính.
Bà Trần Thúy Hà, chuyên gia của WB thì cho rằng, hiện tại, mặc dù Luật Kế toán chưa quy định việc kiểm toán báo cáo tài chính nhà nước và thực tế cũng khó thực hiện kiểm toán ngay từ thời điểm mới triển khai thực hiện vì đảm bảo tính thời sự. Tuy nhiên, khi công khai báo cáo tài chính nhà nước, bất kỳ tổ chức quốc tế nào cũng đặt câu hỏi báo cáo này đã được kiểm toán hay chưa và được kiểm toán bởi cơ quan nào. Theo bà Hà, thời gian đầu có thể chưa kiểm toán nhưng cơ quan soạn thảo cần quy định lộ trình cụ thể để thực hiện việc này nhằm đảm bảo tính chính xác của thông tin.
Liên quan đến vấn đề thẩm định báo cáo này, ông Phạm Sỹ Danh chia sẻ, trong giai đoạn đầu lập báo cáo tài chính nhà nước, các quốc gia có nền tài chính công, hành chính công phát triển như Anh, Úc, Niudilân… thường thành lập một ủy ban hay hội đồng, tổ chức, thẩm định báo cáo tài chính, trình Bộ trưởng để đảm bảo được chất lượng và thời gian báo cáo. Đối với Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Hà, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước cũng cho biết, Bộ Tài chính sẽ có bộ phận thẩm định báo cáo của KBNN để đảm bảo độ khách quan, tin cậy của thông tin đưa ra.
Sẽ còn nhiều thách thức để có một báo cáo đáng tin cậy
Dự kiến, Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 và báo cáo tài chính nhà nước đầu tiên được lập theo số liệu tài chính năm 2018. Về vấn đề này, bà Vũ Hoàng Quyên cho biết, tuy WB rất ủng hộ chủ trương lập báo cáo tài chính nhà nước của Việt Nam nhưng cơ quan này vô cùng quan ngại vì lộ trình tham vọng mà Việt Nam đặt ra. Ở các nước phát triển, kể từ khi Luật có hiệu lực đến khi ban hành báo cáo tài chính nhà nước đầu tiên đều phải mất hơn 10 năm, do thách thức về kỹ thuật, về chế độ kế toán, về hệ thống thông tin…
Ông Phạm Sỹ Danh phân tích thêm, để có báo cáo tài chính nhà nước đầy đủ và hoàn chỉnh phải có lộ trình vì nó liên quan đến chủ trương, nội dung, nguồn lực, công nghệ thông tin và các vấn đề kỹ thuật như chế độ kế toán. Hiện nay, ở Việt Nam, hệ thống kế toán trong khu vực kế toán công chưa thống nhất, chưa nói đến hệ thống kế toán doanh nghiệp, kế toán hành chính sự nghiệp, kế toán NSNN, kế toán đơn vị sự nghiệp có thu… Muốn có hệ thống báo cáo tài chính nhà nước được các tổ chức quốc tế thừa nhận, Việt Nam cần có chuẩn mực kế toán công. Đây là thách thức rất lớn về mặt kỹ thuật cho Việt Nam khi lập báo cáo tài chính nhà nước.
Ông Danh đề nghị ban soạn thảo quy định cụ thể việc kiểm tra lập báo cáo tài chính nhà nước để tránh tình trạng Bộ Tài chính “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Theo lo ngại của ông Danh, nếu Bộ Tài chính vừa thực hiện vừa kiểm tra việc lập báo cáo này thì sẽ khó có đủ thời gian và nguồn lực.
Ông Danh cũng đề xuất ban soạn thảo bổ sung một điều về chế tài xử lý vi phạm (vi phạm về thời gian, nội dung, chỉ tiêu, số liệu…) vào Dự thảo Nghị định để gắn với trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong việc lập báo cáo tài chính nhà nước.
Đại diện Bộ Y tế, Giao thông - Vận tải, Sở Tài chính Hà Nội đều kiến nghị ban soạn thảo nên quy định cụ thể thế nào là thông tin chủ yếu; quy trình cung cấp thông tin từ cơ sở, cung cấp những thông tin gì, mẫu biểu, thời gian, trách nhiệm của các sở tài chính trong việc lập báo cáo tài chính nhà nước...
Đại diện WB khuyến nghị thêm, nếu Việt Nam truyền thông không rõ ràng, người dân sẽ quá kỳ vọng vào báo cáo tài chính nhà nước. Đồng thời, theo WB, tại thời điểm này, Việt Nam chưa nên lập báo cáo tài chính nhà nước đến cấp huyện, mặc dù về lâu dài sẽ phải thực hiện việc này. Bên cạnh đó, trong giai đoạn đầu, Việt Nam cần tập trung thực hiện tốt Báo cáo tình hình tài chính nhà nước, Báo cáo kết quả hoạt động tài chính nhà nước và Thuyết minh báo cáo tài chính nhà nước. Riêng Báo cáo lưu chuyển tiền tệ thì sẽ thực hiện được ở thời điểm sau đó. Tương tự, các chỉ tiêu về tài sản công cũng từng bước đưa vào báo cáo theo hình thức thống kê, chưa đưa theo phương pháp kế toán như tính khấu hao, chi phí… Những tài sản vô hình, vốn nhà nước tại doanh nghiệp,... sẽ bổ sung vào báo cáo ở giai đoạn sau.
Đại diện WB cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần phải mất nhiều thời gian để có một bản báo cáo đáng tin cậy phục vụ việc điều hành, giám sát và được cộng đồng quốc tế công nhận.
Ông Vũ Đức Chính, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính đề nghị, khi lập báo cáo, cơ quan soạn thảo cần có bình luận, đánh giá về ý nghĩa, tác động của thông tin đối với nền kinh tế, thay vì chỉ nêu chi tiết các chỉ tiêu, con số đơn thuần trong Thuyết minh báo cáo tài chính nhà nước.
MINH ANH
Theo Đặc san Kiểm toán số 53 ra tháng 11/2016
Theo Đặc san Kiểm toán số 53 ra tháng 11/2016