Tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng
Chính trị - Ngày đăng : 16:05, 08/11/2022
Nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt
Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2022, công tác PCTN thường xuyên được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Các Bộ, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan có chức năng PCTN đã tổ chức thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực đã khẳng định “công tác PCTN, tiêu cực đã trở thành xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cụ thể, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình có chuyển biến tích cực. Các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra tại 14.425 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, đã phát hiện, chấn chỉnh, xử lý đối với 111 cơ quan, tổ chức, đơn vị có vi phạm.
Các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành 9.955 văn bản về quy định định mức, tiêu chuẩn, chế độ; huỷ bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 2.665 văn bản; rà soát, kiểm tra 4.217 văn bản; kiến nghị xử lý 61 văn bản; tiến hành 3.927 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, đã phát hiện 283 vụ việc, đã chấn chỉnh và xử lý 386 người có vi phạm (tăng 2,6% so với năm 2021).
Năm 2022, có 19 người bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.
Về việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, theo Tổng Thanh tra Chính phủ, các cơ quan điều tra đã thụ lý 687 vụ án, 1.439 bị can (tăng 105 vụ, 177 bị can so năm 2021); đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố 336 vụ/765 bị can.
Năm 2022, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 36.293,5 tỷ đồng, gồm tăng thu ngân sách nhà nước 3.263 tỷ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước 17.767,3 tỷ đồng; kiến nghị khác 14.464,7 tỷ đồng; giảm lỗ 798,5 tỷ đồng. KTNN đã chuyển 08 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền.
Dự báo, trong những năm tới, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp; tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, Chính phủ cho biết, trong năm 2023 sẽ tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN theo tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung thanh tra các lĩnh vực nguy cơ và nhiều dư luận về tham nhũng…
Cần dự báo đúng tình hình tham nhũng để có giải pháp đột phá, hiệu quả
Từ góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với những đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng năm 2022.
Cơ quan thẩm tra đánh giá, năm 2022, công tác thanh tra, kiểm toán được triển khai tương đối toàn diện; chú trọng đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm toán. Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng nghìn héc ta đất; xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm; kịp thời chuyển những vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện cho cơ quan điều tra. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp tiếp tục được duy trì và đạt được một số kết quả quan trọng.
Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, trong năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán…, xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; một số hành vi tham nhũng phổ biến trong lĩnh vực y tế vẫn tiếp tục tiếp diễn như: thông đồng, nâng khống giá trị thiết bị, vật tư y tế trong đấu thầu; lợi dụng chủ trương xã hội hóa tại các cơ sở y tế công để trục lợi…
Cùng với đó, tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan… ; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục.
Tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN tiếp tục có những diễn biến phức tạp
Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả./.