Bộ Tài chính đã thực hiện nghiêm túc hầu hết các kiến nghị của KTNN
Đối nội - Ngày đăng : 15:00, 25/01/2017
(BKTO) - Phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Năm 2016, nền kinh tế trong và ngoài nước vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến và thấp hơn so với năm trước (tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 dự kiến chỉ ở mức 3,1%, thấp hơn năm 2015 (3,2%); tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ đạt 6,21%, thấp hơn năm 2015 (6,68%) và thấp hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra cho năm 2016 (6,7%). Tuy vậy, đến thời điểm này, tôi cho rằng ngành tài chính đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được Quốc hội và Chính phủ giao.
Thứ nhất, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật NSNN 2015, Luật Phí và lệ phí trình các cấp có thẩm quyền để thực hiện từ ngày 01/01/2017.
Thứ hai, việc thực hiện dự toán NSNN đảm bảo đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chính trị, chi trả nợ, đồng thời khắc phục hậu quả lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai và xử lý sự cố về môi trường biển ở một số tỉnh miền Trung. Công tác huy động vốn năm nay vượt kế hoạch đề ra với kỳ hạn vay tương đối dài và chi phí vay có xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn.
Thứ ba, công tác quản lý giá được tăng cường, đảm bảo không gây biến động lớn về giá, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển sản xuất và thu hút đầu tư.
Thứ tư, việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp tiếp tục được thực hiện theo kế hoạch. Đến đầu tháng 12/2016, đã có 56 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị thực tế là 34.017 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 24.390 tỷ đồng. Ước tính đến hết tháng 12/2016, các đơn vị đã thực hiện thoái vốn được 3.646 tỷ đồng, thu về 6.840 tỷ đồng.
Thứ năm, về thị trường tài chính, TTCK đã hoàn thành tốt vai trò huy động nguồn vốn trung và dài hạn phục vụ mục tiêu phát triển nền kinh tế. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu và dư nợ thị trường trái phiếu đạt 63% GDP, đến nay tổng vốn huy động qua TTCK đạt trên 2 triệu tỷ đồng, đóng góp bình quân 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Sự phát triển của TTCK cũng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy cổ phần hóa DNNN. Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đạt kết quả tích cực, tăng tổng doanh thu bảo hiểm gốc đạt 22,7%.
Đặc biệt trong năm 2016, dấu ấn mang tính đột phá của ngành tài chính đối với công tác quản lý tài chính công đó là trình Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn bền vững; trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch 5 năm lần đầu tiên. Các Nghị quyết này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh cân đối NSNN gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải cơ cấu lại NSNN và nợ công một cách căn bản và toàn diện, đồng thời tạo bước chuyển biến tích cực cho NSNN trong thời kỳ mới, giữ vững an ninh, an toàn tài chính.
Đối với Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua, Bộ Tài chính sẽ cụ thể hóa hành động như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Ngày 09/11/2016, Quốc hội thông qua Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2010, Nghị quyết trên đóng góp một vài trò hết sức quan trọng trong việc hoạch định các chính sách, kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016-2020.
Kế hoạch tài chính 5 năm xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể về tài chính - NSNN, các định hướng lớn về tài chính, NSNN, số thu và cơ cấu thu nội địa, thu dầu thô, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu, số chi và cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi trả nợ, chi thường xuyên, định hướng về bội chi ngân sách, giới hạn nợ nước ngoài của quốc gia, nợ công, nợ chính phủ và các giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch; đồng thời cũng đề ra các định hướng, giải pháp chủ yếu về thu, chi, bội chi NSNN, các nguyên tắc cân đối, gắn với mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế cùng với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đây là cơ sở quan trọng để lập kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm và dự toán NSNN hằng năm từ nay đến năm 2020.
Căn cứ vào mục tiêu của Quốc hội về Kế hoạch tài chính - NSNN 5 năm 2016-2020, thời gian tới đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành chỉ đạo về việc triển khai thực hiện kế hoạch này. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính cũng sẽ có chương trình hành động để triển khai Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung vào các nhóm giải pháp, chính sách sau đây:
Một là, đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế tài chính, đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế. Trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế về quản lý thu, chi NSNN, quản lý ngân quỹ; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong khu vực hành chính và sự nghiệp công; tăng cường quản lý giám sát nợ công, nợ nước ngoài quốc gia; phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại các loại hình thị trường tài chính, dịch vụ tài chính; đẩy mạnh tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN.
Hai là, tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tập trung vào việc tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về chính sách thuế, hải quan, chế độ kế toán, kiểm toán, thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính. Rà soát, bổ sung và thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Ba là, tổng kết, đánh giá hệ thống pháp luật về quản lý giá để kịp thời điều chỉnh, bổ sung khắc phục những hạn chế, yếu kém, quy định chưa phù hợp. Tiếp tục thực hiện nhất quán nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường, đẩy mạnh thực hiện lộ trình giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các hàng hóa quan trọng, thiết yếu; sớm thực hiện đầy đủ cơ chế giá thị trường đối với dịch vụ công, điện, đất đai và tài nguyên quan trọng; đồng thời có các giải pháp hỗ trợ hợp lý đối với các đối tượng chính sách.
Bốn là, phối hợp hiệu quả các chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng GDP tối thiểu đạt kế hoạch đề ra; thúc đẩy và tăng cường tính minh bạch đối với các thông tin liên quan đến tài chính ngân sách theo quy định; thực hiện có hiệu quả các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia, giảm dần bội chi NSNN.
Để thực hiện thành công Kế hoạch, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện các chính sách thu NSNN, đổi mới quản lý chi tiêu ngân sách, kiểm soát chặt chẽ nợ công và tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính…
Xin Bộ trưởng cho biết Bộ Tài chính đã có giải pháp gì để thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về việc thu hồi các khoản kinh phí do thực hiện sai chế độ, chính sách và các khoản tăng thu đối với Báo cáo quyết toán NSNN năm 2014?
Triển khai Nghị quyết số 21/2016/QH 14 ngày 29/7/2016 của Quốc hội về quyết toán NSNN năm 2014, Bộ Tài chính đã có Công văn số 13508/BTC-KBNN ngày 27/9/2016 đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương:
Tăng cường quản lý tài chính - ngân sách theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm sử dụng NSNN, tiền và tài sản nhà nước tiết kiệm, hiệu quả.
Phối hợp với Bộ Nội vụ đôn đốc, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, điều hành NSNN.
Giao cho cơ quan thuế, hải quan, cơ quan tài chính các cấp tập trung xử lý các kết luận, kiến nghị của KTNN, bao gồm xử lý các sai phạm về tài chính - ngân sách và sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách quản lý như thuế tiêu thụ đặc biệt, phụ cấp ưu đãi theo nghề, quản lý phí sử dụng đường bộ... Đến tháng 12/2016 các đơn vị đã thực hiện 62,6% kiến nghị xử lý tài chính (các bộ, cơ quan trung ương là 97,9%, các địa phương là 60,2%) và hoàn thành sửa đổi, bổ sung 07/18 văn bản theo kiến nghị KTNN.
Hiện nay, Bộ Tài chính và KTNN đang phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN năm 2015. Xin Bộ trưởng cho biết kết quả cũng như tác động từ hoạt động này?
KTNN và Bộ Tài chính là hai cơ quan độc lập, có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nhưng cùng thực hiện một mục tiêu nhằm quản lý và không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý tài chính nhà nước. Thời gian qua, KTNN và Bộ Tài chính đã phối hợp công tác trên nhiều phương diện, từ công tác lập kế hoạch kiểm toán đến công tác lập dự toán NSNN, phân bổ NSTW, quyết toán NSNN và rà soát kết quả kiểm toán, xử lý các kiến nghị của KTNN.
Về công tác lập kế hoạch kiểm toán, Bộ Tài chính tham gia về khía cạnh các đơn vị được kiểm toán, đảm bảo kế hoạch kiểm toán hướng tới các vấn đề mà dư luận quan tâm, gây nhiều bức xúc trước công luận, các nội dung liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... hoặc kiểm toán các tỉnh, thành phố có số thu, chi NSNN chiếm tỷ trọng lớn (thực hiện kiểm toán hàng năm); các dự án, công trình đầu tư xây dựng cơ bản nhóm A, các chương trình mục tiêu quốc gia... Việc tham gia này cũng nhằm đảm bảo tính toàn diện của kế hoạch kiểm toán và tránh trùng lặp với các đơn vị được thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính.
Về công tác quyết toán NSNN, sự phối hợp của KTNN và Bộ Tài chính thể hiện trên 2 khía cạnh: phối hợp trong quá trình kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN; phối hợp trong công tác lập và hoàn thiện báo cáo quyết toán NSNN hàng năm trình Chính phủ, Quốc hội.
Trong quá trình kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với KTNN ngay từ khâu khảo sát, thu thập thông tin đến khâu lập và gửi báo cáo kiểm toán. Sự phối hợp thông qua việc cung cấp các tài liệu, báo cáo, giải trình có liên quan đến quyết toán NSNN; đối chiếu, xác nhận số liệu quyết toán NSNN để làm cơ sở cho KTNN lập báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN gửi đến các cơ quan của Quốc hội. Đồng thời, KTNN cũng xem xét, xác nhận tính trung thực, đầy đủ, hợp pháp của báo cáo quyết toán NSNN hàng năm giúp Bộ Tài chính hoàn thiện báo cáo quyết toán NSNN trình Chính phủ, Quốc hội.
Về xử lý các kiến nghị của KTNN: Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/2008/CT-TTg ngày 20/11/2008 về thực hiện nghiêm các chính sách tài khoá và thực hiện các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra; đồng thời ban hành các văn bản đôn đốc các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra về Bộ Tài chính. Cùng với Bộ Tài chính, hàng năm KTNN tiến hành công tác phúc tra tại các cơ quan, đơn vị, địa phương được kiểm toán năm trước để kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị của KTNN - đây cũng là sự phối hợp với Bộ Tài chính trong việc xử lý kiến nghị của KTNN. Thực tế các năm qua, hầu hết các kiến nghị của KTNN đã được thực hiện nghiêm túc.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
THU HƯỜNG (thực hiện)
Theo Đặc san Kiểm toán số 55 ra tháng 01/2017