Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn
Kinh tế - Ngày đăng : 09:41, 09/11/2022
Hội nghị do Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm mục đích đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới theo nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới và Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 23/8/2022 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Từ khi có Luật HTX năm 2012, số lượng HTX thành lập mới tăng nhanh qua các năm. Nếu như giai đoạn 2001-2011 trung bình chỉ có 1.164 HTX thành lập mới mỗi năm thì đến giai đoạn 2012 - 2021 trung bình có 2.617 HTX thành lập mới mỗi năm (tăng gấp 2,24 lần). Tính chung trong giai đoạn 2001-2021, số lượng HTX thành lập mới là 37.810.
Liên minh HTX Việt Nam
Tuy nhiên, phát triển kinh tế tập thể nói chung, theo mô hình HTX nói riêng đang phải đối diện với nhiều thách thức. Đơn cử, sự phục hồi và phát triển của HTX ở các địa phương chưa đồng đều; một số HTX bị thua lỗ, giảm sản lượng và quy mô; nhiều HTX chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, chưa chú trọng liên kết chuỗi giá trị, chưa huy động được nguồn lực để đầu tư ứng dụng công nghệ cao; tỷ lệ lớn sản phẩm tiêu thụ chưa có truy xuất nguồn gốc, chưa đạt chất lượng.
Nhiều HTX sản xuất nhỏ lẻ, chưa gắn với nhu cầu của thị trường; thiếu nhân lực quản trị và lao động đã qua đào tạo; thiếu vốn sản xuất, kinh doanh do khó tiếp cận vay vốn của các tổ chức tín dụng; gặp vướng mắc về quy hoạch vùng sản xuất; khó khăn do chi phí đầu vào tăng....
Tỷ lệ HTX tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế, do nhiều tỉnh bội chi ngân sách, không còn quỹ đất, hạn chế nguồn lực để hỗ trợ, điều kiện và thủ tục hỗ trợ phức tạp; một số chính sách hỗ trợ chưa quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ (HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, thu gom rác thải môi trường, thương mại và tiêu dùng). Quá trình chuyển đổi số của các HTX diễn ra chậm, làm cản trở sự phát triển, hội nhập của HTX…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng hoạt động của mô hình HTX, từ đó đề xuất các giải pháp để phát triển mô hình kinh tế này, nhất là sau những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19./.