Phấn đấu tăng trưởng bình quân của vùng Đông Nam bộ đạt 8-8,5%/năm
Kinh tế - Ngày đăng : 19:38, 09/11/2022
Đó là những chỉ tiêu cụ thể được đề cập trong Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang xây dựng, gửi lấy ý kiến các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương vùng Đông Nam bộ.
Chỉ tiêu phấn đấu cụ thể nữa của vùng là tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 41,7% trong GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 45,3% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 33%); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,3%. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30-35%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70-75% và 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Cũng trong giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng năng suất lao động của vùng đạt khoảng 7%, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng khoảng 56%.
Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40-45%; tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức dưới 4%. Trong vùng đạt tỷ lệ 32 giường bệnh và 11 bác sĩ/10.000 dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 95%.
Cùng với đó, tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 19,6%; tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 100%, nông thôn là 95%.
Đáng chú ý, 100% khu công nghiệp, khu chế xuất hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 95% tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý; 98% chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định.
Để vùng Đông Nam bộ phát triển nhanh, bền vững tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng khu vực, Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ nêu rõ, cần đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm; đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao.
Tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp trong vùng theo chiều sâu, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển mạnh một số ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, hóa dầu…
Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao trong vùng, như điện tử viễn thông, công nghiệp sản xuất rô-bốt, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, công nghiệp sản xuất phần mềm, sản phẩm số, công nghiệp an toàn thông tin, hóa phẩm, dược phẩm, chế phẩm sinh học, công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp môi trường và các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Dự thảo cũng xác định giải pháp tăng cường kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất trong vùng để hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp; tập trung thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị hiện đại và các khu công nghiệp công nghệ cao.
Chú trọng phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường trong vùng; chuyển dịch nhanh những lĩnh vực công nghiệp, sản xuất sử dụng nhiều tài nguyên, ít hàm lượng giá trị gia tăng sang sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, có hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Dự thảo Chương trình hành động cũng nêu rõ những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm phát triển vùng trở thành trung tâm dịch vụ của khu vực Đông Nam Á về tài chính, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế.
Nền nông nghiệp được đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, bền vững, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường; sản uất theo chuỗi từ khâu nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm…
Đồng thời phát triển mạnh kinh tế biển, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ và các ngành dịch vụ ngành dầu khí và du lịch biển.