“Bức tranh mới” trong đấu thầu thuốc?

Xã hội - Ngày đăng : 08:45, 07/07/2016

(BKTO)- Bộ Y tế vừa ban hành liên tiếp 3 Thông tư hướng dẫn việcthực hiện công tác đấu thầu thuốc theo Luật Đấu thầu. Mới đây, Thủ tướng Chínhphủ cũng đã giao cho Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam song hành đấu thầu thuốc tậptrung quốc gia. Những động thái trên được kỳ vọng sẽ mở ra “bức tranh mới, viễncảnh mới” trong công tác đấu thầu, cung ứng, quản lý và sử dụng thuốc, khắc phụcnhững bất cập, tồn tại bấy lâu nay.


Bất cập trong đấu thầu thuốc

Số liệu của BHXH Việt Nam cho thấy, hiện nay chi phí cho tiền thuốc đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí y tế nói chung và chi phí khám, chữa bệnh (KCB) nói riêng. Chi phí thuốc cũng chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi phí KCB Bảo hiểm y tế (BHYT). Năm 2009-2012, tỷ trọng tiền thuốc chiếm khoảng trên 60%, đến năm 2015 là 48,7% tổng chi phí KCB BHYT. Do vậy, việc quản lý, cung ứng, sử dụng, thanh toán chi phí thuốc có vai trò hết sức quan trọng nhằm đảm bảo người dân được sử dụng thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý và an toàn, phù hợp với cơ cấu bệnh tật, phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ BHYT.


Việc quản lý, cung ứng, thanh toán chi phí thuốc có vai trò quan trọng nhằm đảm bảo người dânđược sử dụng thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý và an toàn.Ảnh: TK
Tuy nhiên, nhiều năm qua, công tác đấu thầu, cung ứng thuốc chữa bệnh vẫn là vấn đề khiến dư luận bức xúc với tình trạng giá thuốc “trên trời” rồi những lùm xùm xung quanh chuyện thổi giá, loạn giá, thiếu minh bạch trong đấu thầu… Kết quả kiểm toán việc sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước của Bộ Y tế năm 2013 đã chỉ ra thực tế: Công tác lập, trình phê duyệt kế hoạch đấu thầu thuốc còn chậm, chưa sát nhu cầu thực tế sử dụng tại đơn vị dẫn đến tình trạng có thuốc nhập thiếu so với kế hoạch, có thuốc nhập thừa để tồn kho thậm chí có loại thuốc nhập nhưng không sử dụng, gây lãng phí.

Bên cạnh đó, việc phê duyệt giá thuốc theo kế hoạch chưa sát với giá thuốc thị trường; lựa chọn đơn vị trúng thầu không phải là nhà thầu có giá thấp nhất. Một số mặt hàng thuốc nhập khẩu mua qua một số nhà thầu khác nhau làm tăng giá thuốc so với giá ban đầu. Đặc biệt, kết quả kiểm toán phản ánh thực trạng cùng trên một địa bàn hoạt động nhưng mỗi đơn vị có giá thuốc trúng thầu khác nhau… Từ kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị Bộ Y tế chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác lập và phê duyệt kế hoạch đấu thầu, đảm bảo kịp thời, xác định số lượng phù hợp, chấm dứt việc phê duyệt giá trúng thầu cao hơn giá kế hoạch…

Để bảo đảm hiệu quả sử dụng Quỹ BHYT và quyền lợi của người bệnh, cơ quan BHXH cũng đã tham gia tích cực vào quá trình đấu thầu thuốc. Qua đó đã góp phần loại bỏ, khắc phục nhiều bất hợp lý trong kế hoạch đấu thầu của các cơ sở y tế như: thuốc có hàm lượng không thông dụng có giá cao bất hợp lý; giá thuốc chênh lệch bất hợp lý giữa các nhóm thuốc, giữa các loại hàm lượng; đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu; điều chỉnh một số bất hợp lý đối với các thuốc có chi phí lớn…
Mặc dù vậy, theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, hiện nay vẫn còn tồn tại những bất cập, nhất là về giá thuốc, danh mục thuốc. Công tác đấu thầu mua sắm thuốc vẫn còn có quá nhiều hội đồng đấu thầu thuốc dẫn đến một loại thuốc có nhiều giá, giá thuốc khác biệt giữa các địa phương. Một số nơi có tình trạng độc quyền, nhà phân phối tự định giá, áp đặt giá; giá thuốc kế hoạch không hợp lý…

Tiến tới đấu thầu tập trung quốc gia

Theo ông Nguyễn Tá Tỉnh - Trưởng Ban Dược và Vật tư y tế (BHXH Việt Nam), công tác đấu thầu thuốc hiện nay được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13; Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Để triển khai thực hiện công tác đấu thầu thuốc, vừa qua Bộ Y tế đã ban hành liên tiếp 3 Thông tư hướng dẫn gồm: Thông tư số 09/2016/TT-BYT ban hành Danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc đấu thầu tập trung; Thông tư số 10/2016/TT-BYT ban hành Danh mục thuốc sản suất trong nước đáp ứng về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp và Thông tư số 11/2016/TT-BYT, quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, có hiệu lực từ 01/7.

Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đánh giá, sự ra đời của 3 Thông tư trên đã đáp ứng sự mong mỏi của cơ quan BHXH và các cơ sở y tế. “Tôi tin rằng khi triển khai 3 Thông tư này chắc chắn sẽ có một bức tranh mới, một viễn cảnh mới, chất lượng mới cho vấn đề cung ứng, quản lý, sử dụng thuốc” - ông Sơn cho biết.
Nhiều chuyên gia cũng kỳ vọng, việc đấu thầu thuốc theo cơ chế mới này sẽ tăng cường kiểm soát được giá thuốc, chất lượng thuốc trúng thầu cũng như làm minh bạch hóa công tác đấu thầu. Đặc biệt, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế và BHXH Việt Nam song hành đấu thầu thuốc tập trung quốc gia nhằm lựa chọn những sản phẩm thuốc hợp lý, chất lượng và giá cả thấp nhất có thể, đồng thời đảm bảo hiệu quả điều trị. BHXH Việt Nam đang chỉ đạo các Ban chức năng trong 6 tháng cuối năm tích cực hoàn thành quy trình đấu thầu thuốc để áp dụng thực hiện từ năm 2017.

ĐĂNG KHOA