Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công

Chính trị - Ngày đăng : 12:34, 10/11/2022

(BKTO) - Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm đến công tác dân vận.
2-(1).jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện với nhân dân xã Ái Quốc, Hưng Yên năm 1958. Ảnh: TTXVN

Hồ Chủ tịch rất chú ý khẳng định vai trò to lớn của công tác dân vận. Trong một bài báo viết vào tháng 10/1950, Người cho rằng: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Theo Hồ Chủ tịch, dân vận nghĩa là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một ai, cùng góp thành lực lượng toàn dân với mục đích thực hành những công việc nên làm, những công việc mà Chính phủ và Đoàn thể đã giao. Trong tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc” ra đời tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Đảng không làm được việc gì nếu không có nhân dân giúp sức.

Hồ Chủ tịch cũng sớm chỉ ra những khuyết điểm của công tác dân vận và cán bộ làm công tác dân vận. Người chỉ rõ: “Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại”.

Đặc biệt, Hồ Chủ tịch chỉ rõ cách thức tiến hành công tác dân vận. Trong bài viết Dân vận đăng trên báo Sự thật ngày 15/10/1949, Hồ Chủ tịch đã dạy: “Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là có lợi cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”. Theo Người: “Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”. Người còn yêu cầu: “Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”.

Năm 1949, gửi Thư cho Hội nghị Cán bộ dân vận, Hồ Chủ tịch, viết: “Nhiệm vụ của cán bộ dân vận là: Giải thích rõ ràng, rất rõ ràng chính sách của Đoàn thể và Chính phủ cho mọi người đều hiểu thấu, để cho mọi người dân hăng hái ủng hộ triệt để và thi hành triệt để chính sách ấy”. Người chỉ cụ thể: Những người phụ trách dân vận phải thật thà bắt tay vào việc, phải có óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm, không được chỉ ngồi viết mệnh lệnh, ngồi nói suông.

Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ chiến lược, là nguyên tắc quan trọng trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong các thời kỳ kháng chiến cũng như hòa bình, nhất là trong thời kỳ đổi mới vừa qua, Đảng rất chú trọng ban hành các chủ trương, nghị quyết, giải pháp tiến hành công tác dân vận. Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI - Đại hội của đổi mới, ngày 27/3/1990, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HNTW về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, trong đó khẳng định: Công tác dân vận có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Đến nhiệm kỳ khóa XI, ngày 03/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, xác định phải tiếp tục đổi mới công tác dân vận, coi đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược và đồng thời yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo công tác dân vận cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Mới đây, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Công tác dân vận được chú trọng và tiếp tục đổi mới; quan điểm “dân là gốc”, là chủ thể của công cuộc đổi mới được nhận thức và thực hiện ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn; mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân được củng cố, tăng cường”.

Đồng thời, Đảng cũng chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng thực hiện tốt công tác dân vận với sự tham gia tích cực của toàn dân. Sự vào cuộc quyết liệt, toàn diện của Đảng, Nhà nước, cùng cộng đồng và toàn dân đã huy động được sức mạnh tổng hợp to lớn của cả dân tộc trong công tác dân vận. Đảng, Nhà nước cũng luôn chủ động tạo nhiều thuận lợi để công tác dân vận được thực hiện chu đáo nhất. Tháng 10/1999, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ra đời tác phẩm nổi tiếng “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị khóa VIII đã quyết định lấy ngày 15/10 là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và Ngày dân vận của cả nước. Trong quá trình thực hiện công tác dân vận trên thực tế, nhiều mô hình, cách làm hay được triển khai rất phong phú, sinh động. Chỉ tính từ năm 2009 đến năm 2020, trên phạm vi toàn quốc đã xuất hiện hơn 90 vạn điển hình, mô hình “Dân vận khéo” với hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Những mô hình, điển hình trên đã và đang tiếp tục được triển khai nhân rộng, kết hợp chặt chẽ với các phong trào thi đua yêu nước và cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hứa hẹn những kết quả ngày càng sâu rộng, tốt đẹp hơn.

Ngày 30/7/1921, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 23 - QĐ/TW Về việc ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Quy chế này đã chỉ rõ phương thức thực hiện công tác dân vận với nhiều nội dung cụ thể, như: “Quán triệt, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng các hình thức thiết thực, sáng tạo, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy ý chí, quyết tâm và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” để từ đó: “Tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Quy chế xác định cần thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Đồng thời chú trọng triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Quy chế cũng đặt ra yêu cầu đối với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải luôn nêu cao ý thức trách nhiệm thực hiện tốt công tác dân vận theo quy định của Đảng và Nhà nước và phải gương mẫu thực thi công vụ, giữ vững mối quan hệ mật thiết với nhân dân, nêu cao tinh thần vì nhân dân phục vụ…

Đó là những động lực to lớn, cơ sở quan trọng, giải pháp tích cực để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục phấn đấu thực hiện thành công hơn nữa công tác dân vận theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” nhằm đạt mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

CÔNG MINH