Gian nan bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh Lào Cai
Kết quả kiểm toán - Ngày đăng : 14:35, 10/11/2022
Đó là những kiến nghị nổi bật được Kiểm toán nhà nước (KTNN) đưa ra khi thực hiện kiểm toán chuyên đề hoạt động quản lý môi trường tại các Ban quản lý KKT, KCN giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Chưa làm rõ trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường
Thực tế kiểm toán cho thấy, Quy chế phối hợp trên sau hơn 3 năm triển khai thực hiện (tính đến thời điểm kiểm toán, tháng 5/2021) đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa phù hợp với quy định hiện hành, còn hạn chế so với thực tiễn.
Đơn cử, việc giao lập kế hoạch ứng phó sự cố môi trường tại các khu, cụm công nghiệp của UBND tỉnh Lào Cai chưa quy định đầy đủ, rõ ràng, cụ thể về đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện. Trong Quy chế chỉ giao cho Ban quản lý KKT có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn việc lập và thực hiện kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường tại các khu, cụm công nghiệp. UBND cấp huyện có trách nhiệm lập và thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn quản lý. Tuy nhiên, các cơ sở trong KCN trên địa bàn có thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý KKT thì trong Quy chế cũng không nêu rõ ràng.
KTNN ghi nhận, UBND tỉnh Lào Cai đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) chủ trì thực hiện lập kế hoạch ứng phó sự cố môi trường và đã ban hành Quyết định số 726/QĐ-UBND ngày 24/3/2020 về Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường. Đồng thời giao Ban Quản lý KKT chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát thường xuyên, toàn diện việc thực hiện các nội dung về bảo vệ môi trường của các chủ đầu tư hạ tầng KCN và các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, điều bất cập là UBND tỉnh chưa quy định rõ trách nhiệm của Ban Quản lý KKT trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các dự án thuộc thẩm quyền quản lý. Trong khi đó, UBND tỉnh lại giao cho UBND huyện với vai trò phối hợp trong quản lý môi trường tại các KCN nhưng phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về ô nhiễm môi trường tại địa bàn.
Cùng với bất cập này, UBND tỉnh đã chậm trễ trong việc ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường, như vậy không đáp ứng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 108 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Cho đến năm 2020, UBND tỉnh mới tổ chức lập Kế hoạch tổng thể phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường KCN Tằng Loỏng.
Vì thế, vấn đề nữa nổi lên qua kết quả kiểm toán là những sai sót, bất cập trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện Đề án bảo vệ môi trường KCN Tằng Loỏng. Điều này dẫn đến những kiến nghị, khiếu nại của người dân trong KCN trước tình trạng việc tổ chức di chuyển các hộ dân sinh sống nằm sát KCN không diễn ra theo đúng kế hoạch tiến độ, trong khi vấn đề ô nhiễm môi trường tại KCN Tằng Loỏng chưa được giải quyết.
Cụ thể, KTNN chỉ rõ, KCN Tằng Loỏng được phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường tại Quyết định số 1975/QĐ-BTNMT ngày 30/7/2019, như vậy là chậm 7 năm. Nguyên nhân là do ngày 25/12/2018, Ban Quản lý KKT mới hoàn chỉnh và trình Bộ TNMT phê duyệt (chậm 6 năm), sau đó gần 7 tháng, Bộ TNMT mới phê duyệt (chậm 6 tháng so với quy định tại điểm a khoản a Điều 7 Thông tư số 26/2015/TT-BTNMT).
UBND tỉnh Lào Cai cần có các biện pháp kịp thời để giải quyết kiến nghị, khiếu nại của người dân trong KCN Tằng Loỏng và chỉ đạo các đơn vị chức năng giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại đây.
Bảo vệ môi trường đứng trước nhiều thách thức
Không chỉ tại KCN Tằng Loỏng, KTNN cũng nêu rõ, Khu thương mại công nghiệp Kim Thành cũng được phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường theo Quyết định số 1241/QĐ-UBND ngày 26/4/2018, chậm 6 năm. Nguyên nhân do ngày 07/02/2018, Ban Quản lý KKT mới hoàn chỉnh và trình UBND tỉnh phê duyệt (chậm 6 năm), sau đó hơn 2 tháng, UBND tỉnh mới phê duyệt (chậm 38 ngày so với quy định của Bộ TNMT).
Cùng với tình trạng các đơn vị thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng không thực hiện thì phải lập Đề án bảo vệ môi trường, song tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt đề án còn chậm so với quy định, KTNN cũng chỉ ra rằng công tác thẩm định, cấp phép của Sở TNMT và Ban Quản lý KKT cũng để xảy ra nhiều bất cập. Đáng chú ý như: Khu thương mại công nghiệp Kim Thành, KCN Đông Phố Mới triển khai đầu tư, xây dựng, điều chỉnh quy hoạch khi chưa đánh giá tác động môi trường. Còn tại KCN Tằng Loỏng, việc điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng KCN chưa đảm bảo điều kiện về việc hoàn thiện toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống công trình bảo vệ môi trường theo quy định.
Một vấn đề bất cập lớn nữa được KTNN kết luận là Ban Quản lý KKT chưa thực hiện hết chức trách nhiệm vụ được giao, để xảy ra sự cố môi trường tại bãi thải GYPS của Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem dẫn đến nhiều kiến nghị tập thể của các hộ dân đang sinh sống trong KCN Tằng Loỏng. Nội dung kiến nghị là do các nhà máy sản xuất gây tiếng ồn, không khí bị ô nhiễm, xả thải gây ô nhiễm và đề nghị được di chuyển ra khỏi KCN để đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài. Mặc dù UBND tỉnh đã có Văn bản số 4074/QĐ-UBND ngày 03/12/2019 yêu cầu thực hiện giải phóng mặt bằng xong trước quý IV/2020, cụ thể có 109 hộ nằm trong kế hoạch di chuyển năm 2019-2020, tuy nhiên, đến thời điểm kiểm toán, việc di chuyển hộ dân vẫn chưa được thực hiện theo kế hoạch. Theo báo cáo của đơn vị, vẫn còn 71/106 hộ dân chưa được di chuyển.
KTNN nhận định, bãi thải GYPS có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường nếu không được giải quyết kịp thời. Tại Quyết định số 1881/QĐ-UBND ngày 22/6/2020 của UBND tỉnh Lào Cai quy định các bãi tập kết chất thải có chiều cao tối đa 30m nhưng hiện trạng bãi thải (đến thời điểm kiểm toán) đã lên tới 45m, vượt quy định 15m. Hơn nữa, Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định các bãi chứa chất thải tạm thời chỉ được chứa với thời gian 2 năm sản xuất. Nhưng theo báo cáo của đơn vị, bãi chứa GYPS thời điểm đó đã đạt trữ lượng vượt quá thời gian lưu chứa. Tuy nhiên, việc vận hành bãi GYPS đổ đến cao trình 45m, lưu giữ 5 năm sản xuất là phù hợp với Báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt. Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem đã có các văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành. Tuy nhiên, theo báo cáo của đơn vị, vẫn còn các vướng mắc về bãi thải GYPS và nếu nhà máy dừng hoạt động có thể dẫn tới nguy cơ tràn hoặc vỡ đê bao bãi chứa GYPS như sự cố tương tự xảy ra năm 2018./.
KTNN còn chỉ rõ một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh đã hoạt động khi chưa có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, trách nhiệm chính thuộc về chủ dự án không thực hiện nghiêm các quy định.