Liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo: Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Xã hội - Ngày đăng : 20:09, 10/11/2022

(BKTO) - Liên kết chặt chẽ hơn giữa trường đại học và doanh nghiệp (DN) là biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Giải pháp này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ thuật, tay nghề cao gia tăng.
day-nghe.jpg
Sự liên kết chặt chẽ giữa trường đại học và DN trong đào tạo, tuyển dụng cần được chú trọng. Ảnh:dangcongsan.vn

Nhu cầu tuyển lao động có kỹ thuật gia tăng

Ghi nhận tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội mới đây cho thấy, nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng các vị trí quản lý, trưởng phòng với mức thu nhập từ 10 triệu đồng/tháng trở lên khá lớn. Cùng với đó, 1.251 chỉ tiêu tuyển dụng (chiếm tỷ lệ lớn nhất 45,3%) với mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng cho các vị trí việc làm ổn định như: Kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, lao động phổ thông có tay nghề…

Tại TP. Hồ Chí Minh, theo nhận định, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh (FALMI), thị trường lao động từ nay đến cuối năm 2022 sẽ sôi động, nhu cầu tuyển dụng tập trung ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ (chiếm 66%); công nghiệp, xây dựng (chiếm 33%). Nhu cầu nhân lực ở 9 ngành dịch vụ chiếm 56% và 4 ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố chiếm 19%.

Bên cạnh đó, nhiều DN tuyển dụng lao động bán thời gian để phục vụ đợt cao điểm Tết, chiếm 15%. Khảo sát của FALMI cho thấy, nhu cầu tuyển dụng dịp cuối năm chủ yếu là lao động đã qua đào tạo, chiếm đến 84%.

Đánh giá về thị trường lao động hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường lao động Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế, trong đó, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động.

Trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động mặc dù được cải thiện trong thời gian qua song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và các nước trên thế giới. Đây tiếp tục là điểm nghẽn, gây khó khăn cho phát triển việc làm chất lượng và gia tăng năng suất lao động. 

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, hầu hết chỉ tiêu về nhân lực của Việt Nam đều thấp, nếu so sánh với các nước ASEAN, gần như tất cả các chỉ số của Việt Nam chỉ vượt hơn được Campuchia. Do vậy, nguồn nhân lực Việt Nam được coi là “vừa thừa - vừa thiếu”, thừa về số lượng nhân công giá rẻ, nhưng lại thiếu lực lượng tay nghề chuyên môn cao.

Tiếp đến, cơ cấu lao động chưa hợp lý, cả về trình độ và về phân bố theo khu vực. Cơ cấu trình độ còn tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” do lao động qua đào tạo đại học và sau đại học chiếm tỷ lệ lớn nhất và gia tăng nhanh chóng, trong khi nền kinh tế thiếu trầm trọng đội ngũ lao động chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao đẳng và trung cấp.

Cần sự chủ động từ doanh nghiệp

Trên thực tế, Việt Nam hiện thiếu đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, chuyên gia và quản lý DN giỏi, lao động lành nghề cho các ngành kinh tế mũi nhọn, các vùng kinh tế động lực, trọng điểm. Đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ còn thiếu và yếu.

Những hạn chế này đã cản trở sự đóng góp của nguồn nhân lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Đặc biệt, trình độ lao động thấp thì sẽ rất khó dịch chuyển sang các ngành nghề, công đoạn có giá trị gia tăng cao để tăng năng suất lao động và bắt kịp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Bộ LĐTBXH đang đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi). Trong đó, Bộ đề xuất nhóm giải pháp phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, về cơ chế, chính sách khuyến khích tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, Bộ đề xuất bổ sung quy định về chế độ ưu tiên trong tuyển dụng, trả lương và sắp xếp việc làm đối với những người lao động đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; chính sách tôn vinh người lao động có trình độ kỹ năng nghề cao xuất sắc…

Đề cập đến chất lượng nguồn nhân lực, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO Việt Nam Global Ngô Minh Tuấn cho rằng, cách đây 10 năm, số lượng DN tại Việt Nam chỉ từ 100.000 - 200.000 thì hiện nay, con số này đã tăng gấp nhiều lần, vào khoảng 500.000 - 600.000 DN, chưa kể con số vài trăm nghìn các hộ kinh doanh cá thể. Do đó, nhu cầu tuyển dụng nhân sự tăng cao rõ rệt.

Trong tổng số khoảng 100 triệu dân của Việt Nam, chỉ có khoảng 20% trong tổng số lao động “thoát ly” có thể đảm nhiệm các chức vụ quản lý, tương đương với khoảng 6 triệu người. Đáng chú ý, khả năng tự đào tạo, tự xây dựng nhân lực chất lượng cao của các DN Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, vai trò của các DN trong việc đào tạo nguồn nhân lực rất lớn.

Nhìn nhận hiện tượng “lệch pha” cung - cầu lao động hiện nay, Phó Giám đốc FALMI Đỗ Thanh Vân cho rằng, DN phải có chiến lược tuyển dụng nhân sự, phải gắn kết với hệ thống giáo dục nghề nghiệp để tuyển dụng lao động đúng đối tượng. Bên cạnh đó, những DN mang tính ổn định lâu dài phải có chiến lược lao động dài hạn.

Thực tế cũng cho thấy, liên kết chặt chẽ hơn giữa trường đại học và DN chính là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, qua đó chỉ rõ trách nhiệm của các trường cũng như DN để quá trình liên kết này ngày càng đi vào thực chất và có hiệu quả.

Tuy nhiên, sự liên kết chặt chẽ giữa trường đại học và DN cần được thực hiện theo các cơ chế linh hoạt và mềm dẻo, mang lại lợi ích thiết thực, giá trị lâu dài cho các bên tham gia./.

THÀNH ĐỨC