Hoàn thiện pháp luật về căn cứ, cơ sở xác định giá
Chính trị - Ngày đăng : 17:00, 12/11/2022
“Siết” điều kiện hành nghề thẩm định giá
Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) cho rằng, thời gian gần đây, sau hàng loạt các sai phạm có liên quan đến hoạt động thẩm định giá, dẫn đến thị trường thẩm định giá đã và đang phát triển nóng về số lượng nhưng chưa đảm bảo chất lượng.
“Có không ít doanh nghiệp thẩm định giá cũng như thẩm định viên về giá thiếu kinh nghiệm hoặc vi phạm đạo đức nghề nghiệp vì lợi ích trước mắt mà gian dối, câu kết với khách hàng, làm sai lệch hồ sơ để thổi giá cao hoặc hạ thấp giá trị một cách bất thường. Vì vậy, tôi ủng hộ việc siết chặt các điều kiện hành nghề thẩm định giá theo Dự thảo Luật” - đại biểu nêu quan điểm.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động thẩm định giá, tránh để xảy ra những vụ việc đáng tiếc như thời gian vừa qua, cần quy định cụ thể là doanh nghiệp thẩm định giá chịu trách nhiệm trước pháp luật về thẩm định giá trong giải quyết tranh chấp, về kết quả thẩm định giá với khách hàng thẩm định giá.
Nhấn mạnh kết quả thẩm định giá là một trong những cơ sở quan trọng để người có thẩm quyền xem xét, quyết định giá, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương) đề nghị cần bổ sung một số nguyên tắc mang tính bắt buộc khi xây dựng kết quả thẩm định giá và cần phải quy định cụ thể việc công khai kết quả thẩm định giá để đảm bảo tính minh bạch.
Theo đại biểu, Dự thảo Luật quy định kết quả thẩm định giá phải được cập nhật lên cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, trừ trường hợp tài sản thuộc danh mục tài sản bí mật nhà nước; tuy nhiên, Dự thảo chưa nêu rõ thời điểm phải cập nhật tối thiểu và tối đa sau khi có kết quả. “Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, đề nghị xem xét việc sửa đổi, bổ sung quy định về người đứng đầu Hội đồng thẩm định giá, người có trách nhiệm ký kết quả thẩm định giá và việc xử lý trong trường hợp vì nhiều nguyên nhân kết quả thẩm định giá chưa được cập nhật kịp thời lên cơ sở dữ liệu quốc gia” - đại biểu nêu quan điểm.
Lấp “khoảng trống” về căn cứ thẩm định giá
Dưới góc nhìn khác, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) chỉ rõ, thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện đều liên quan đến việc xác định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua hoặc khi bán tài sản công.
“Hiện nay, các tổ chức tư vấn định giá rất e ngại, thậm chí là không dám nhận nhiệm vụ định giá các tài sản cho khu vực công khi mua hoặc khi bán bởi họ lo ngại việc định giá có thể rất vô tư nhưng sau một thời gian kiểm tra, giám sát trở lại thì giá thị trường thay đổi rồi thì họ lại mắc vào vòng lao lý” - đại biểu nêu thực tế
Mặt khác, theo đại biểu, nhiều cơ quan, nhiều đơn vị công hiện nay không mua sắm được các tài sản, vật tư, hàng hóa; điển hình như bệnh viện không mua được thuốc chữa bệnh và vật tư y tế. Nhiều tài sản công của Nhà nước không thể chuyển giao cho khu vực tư, như các dự án bất động sản không thể xác định giá đất để các nhà đầu tư có quỹ đất đầu tư, phát triển các dự án bất động sản bởi các cơ quan quản lý e ngại không biết xác định giá thế nào là phù hợp.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nguyên nhân căn bản của tình trạng trên là do hiện nay chưa có quy định một cách chặt chẽ, cụ thể về những căn cứ, phương pháp để xác định giá hàng hóa.
Do đó, theo đại biểu, yêu cầu đầu tiên của việc hoàn thiện Luật lần này là phải “lấp khoảng trống” về các căn cứ pháp luật để làm cơ sở cho việc xác định giá có căn cứ, có cơ sở, bao gồm những phương pháp đánh giá, căn cứ định giá, những nguyên tắc định giá...
“Dự thảo Luật cần phải có một chương riêng về phương pháp, căn cứ, nguyên tắc định giá để những người làm chức năng tư vấn định giá không thể tùy tiện đưa các căn cứ định giá theo ý của mình. Đồng thời, khi đã sử dụng các công cụ đó thì dù thời gian trôi đi, khi cơ quan kiểm tra, điều tra vào thì vẫn có cơ sở để bảo vệ họ” - đại biểu Hoàng Văn Cường nói.