Chuyển đổi kỹ thuật số và ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp
Kiểm toán - Kế toán - Ngày đăng : 06:39, 13/11/2022
Xu hướng chuyển đổi kỹ thuật số và ưu đãi thuế cho các tổ chức công nghệ cao
Đây là chủ đề của Hội thảo do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Deloitte phối hợp tổ chức nhằm chia sẻ những xu hướng chuyển đổi số và các ưu đãi thuế mà doanh nghiệp công nghệ có thể tận dụng.
Theo các chuyên gia, công nghệ cao và chất bán dẫn đã thu hút sự chú ý của thế giới do gián đoạn chuỗi cung ứng và xung đột địa chính trị sâu sắc.
Thêm vào đó, sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành này trong thời kỳ đại dịch, kết hợp với những thách thức về thiếu lao động đã thúc đẩy các công ty công nghệ số hóa mạnh mẽ hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và cạnh tranh.
Ngoài ra, sự bùng nổ của các ứng dụng công nghệ cao, AI, blockchain… đang thúc đẩy sự mở rộng lớn về công suất cho chất bán dẫn và các sản phẩm công nghệ.
Các chính phủ cũng đang muốn mở rộng lĩnh vực này nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế và an ninh quốc gia. Vì vậy, xu hướng cạnh tranh bằng các biện pháp khuyến khích, thu hút công ty công nghệ đầu tư thể hiện khá rõ nét trong thời gian qua.
Tương lai ngành bất động sản - xây dựng tại Việt Nam
Vừa qua, tại Hà Nội, KPMG Việt Nam và Cộng đồng phát triển bất động sản bền vững RealCom đã tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi và đổi mới sáng tạo”.
Sự kiện thu hút sự tham gia của các chuyên gia trong ngành bất động sản - xây dựng, cũng như nhiều doanh nghiệp trong khu vực.
Tại Hội thảo, KPMG đã mang đến những cập nhật mới nhất trong ngành bất động sản - xây dựng thông qua hai ấn phẩm mới ra mắt là: Báo cáo Khảo sát bất động sản và xây dựng: Chuyển đổi để hiệu quả và Đổi mới sáng tạo trong bất động sản 2022 (REIO).
Qua những ấn phẩm này, KPMG ghi nhận những thách thức và cơ hội mà các doanh nghiệp bất động sản - xây dựng đang phải đối mặt, đồng thời đưa ra góc nhìn về chuyển đổi và đổi mới sáng tạo sẽ định hình ngành bất động sản - xây dựng tại Việt Nam trong 3-5 năm tới.
Thích ứng chiến lược trong thế giới bất định - ICECH 2022
Đây là chủ đề của Hội thảo quốc tế thường niên do Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) phối hợp cùng 10 trường đại học, tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức.
Hội thảo đã thu hút hơn 200 khách tham dự bao gồm các nhà nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên tham dự trực tiếp và trực tuyến đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS,TS. Sử Đình Thành - Hiệu trưởng UEH - cho biết: Sự bất ổn của thế giới và môi trường kinh doanh đòi hỏi các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh để có thể thích ứng và tồn tại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm, tham gia đối với cộng đồng và các bên liên quan đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, xây dựng cơ sở hạ tầng chống chịu rủi ro, thúc đẩy tăng trưởng xanh, đổi mới công nghệ, chuyển đổi kỹ thuật số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Đại diện các trường và đơn vị đồng tổ chức, PGS,TS. Nguyễn Danh Nguyên - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - cũng nhấn mạnh: Để tồn tại và vượt qua những giai đoạn khó khăn trong môi trường thay đổi liên tục, các tổ chức cần đề ra cho mình những chiến lược và biện pháp đối phó phù hợp.
Tại phiên Khai mạc, Hội thảo đã nghe 3 diễn giả đến từ các trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới trình bày tham luận về: Tương lai của nghiên cứu về trách nhiệm xã hội và thực tế sau Covid-19; Bối cảnh đa dạng cho các thương hiệu cao cấp; Nhu cầu về chuyên môn kế toán.
Hội thảo tiếp tục với các phiên thảo luận riêng về các chủ đề: Hệ thống thông tin quản lý và kinh doanh điện tử; Quản lý chuỗi cung ứng bền vững; Tài chính doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp và bảo hiểm; Tiền kỹ thuật số và tiền điện tử; Kế toán và kiểm toán kỹ thuật số…
IIA chính thức ra mắt tại Việt Nam
Vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh, Viện Kiểm toán viên nội bộ quốc tế (IIA) đã tổ chức Lễ ra mắt Phân viện Kiểm toán viên nội bộ quốc tế tại Việt Nam (IIA Việt Nam).
Ông Hoàng Hùng - Chủ tịch IIA Việt Nam - cho rằng, sự ra đời của một tổ chức nghề nghiệp quốc tế đánh dấu một bước ngoặt trong sự phát triển của ngành nghề kiểm toán nội bộ nói riêng và quản trị công ty nói chung tại Việt Nam.
Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của thị trường vốn vượt bậc đòi hỏi cải tổ trong quản lý tài chính theo thông lệ tốt nhất về quản trị công ty và giám sát độc lập về kiểm toán và rủi ro, từ đó tạo tiền đề phát triển hoạt động kiểm toán nội bộ tại Việt Nam.
Ông Athony Pugliese - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của IIA - cho biết, Việt Nam gia nhập mạng lưới toàn cầu của IIA nhằm đảm bảo các kiểm toán viên nội bộ được tiếp cận đầy đủ các chuẩn mực quốc tế của IIA và tiếp cận các hướng dẫn chuyên môn, công cụ, nguồn lực, chương trình đào tạo đạt chuẩn thế giới. Điều này thúc đẩy kiểm toán viên nội bộ đạt được các chứng chỉ kiểm toán quốc tế như CIA, IPA.
Bên cạnh đó, IIA Việt Nam cam kết sẽ phối hợp hỗ trợ chuyên môn cho các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan quản lý thị trường trong việc xây dựng quy định và hướng dẫn về kiểm toán nội bộ, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, quản trị công ty, quản trị chi tiêu công phù hợp các điều kiện trong nước; thiết lập và tham gia giám sát các tiêu chuẩn chuyên môn cũng như chất lượng cho kiểm toán nội bộ của Việt Nam./.