Vì sao Kiểm toán môi trường là chủ đề của Đại hội ASOSAI 14?

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 16:15, 10/04/2018

(BKTO) - Vì sao “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” được lựa chọn làm chủ đề của Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI 14) và Hội nghị chuyên đề lần thứ 7? Đây là nội dung mà báo chí quan tâm nhiều nhất tại cuộc họp báo thông tin về Đại hội ASOSAI 14 và ra mắt bộ nhận diện Đại hội do KTNN tổ chức vừa qua.


Chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” của Đại hội ASOSAI 14 được thông qua tại cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 51 diễn ra ở Indonesia vào tháng 02/2017. Đây là chủ đề mang ý nghĩa thiết thực và nhận được sự đồng thuận của 46 Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) là thành viên ASOSAI.

Chủ đề trên phù hợp với mục tiêu chiến lược của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao quốc tế (INTOSAI) giai đoạn 2017-2022. Đại hội INTOSAI lần thứ 22 năm 2016 đã xác định chủ đề chính là “Các mục tiêu phát triển bền vững - Làm thế nào để INTOSAI đóng góp vào Chương trình nghị sự phát triển của Liên Hợp quốc đến năm 2030”.

KTNN tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện Hướng dẫn và phương pháp kiểm toán môi trường. Ảnh: Đ.SƠN

Mặt khác, theo thông lệ về chuẩn bị tổ chức Đại hội ASOSAI, việc lựa chọn, xác định chủ đề của Đại hội ASOSAI 14 cần bám sát những vấn đề ưu tiên cũng như các thách thức mang tầm khu vực và thế giới mà các thành viên ASOSAI quan tâm. Theo đó, hiện nay, vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các SAI thành viên ASOSAI chính là các rủi ro, thách thức về môi trường.

Mối quan tâm của các SAI là hoàn toàn có cơ sở. Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á năm 2017, tại châu Á, số vụ tử vong có nguyên nhân bắt nguồn từ ô nhiễm không khí được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 và khi nhiệt độ tăng, lượng mưa hằng năm dự kiến sẽ tăng lên trên toàn khu vực, tăng khả năng bị ngập lụt, kèm theo nhiều cơn bão và lốc xoáy. Còn trong Báo cáo Góc nhìn kinh tế toàn cầu số tháng 10/2017, Quỹ Tiền tệ thế giới cũng nhận định: “Biến đổi khí hậu là một yếu tố ngoại vi tiêu cực mang tính toàn cầu, có khả năng xảy ra các thiên tai thảm khốc khi nhiệt độ tăng lên với nhiều hình thức biểu hiện rộng khắp trên thế giới, tạo ra tác động tiêu cực tới những người ít có khả năng ứng phó nhất”. Rủi ro và thách thức về môi trường đang ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội cũng như mục tiêu xây dựng quốc gia thịnh vượng của mỗi nước. Điều này đòi hỏi Chính phủ các nước phải có biện pháp cấp bách và kịp thời để giải quyết.

Trong bối cảnh đó, kiểm toán môi trường được nhận định sẽ là một biện pháp giúp Chính phủ mỗi nước phân tích, đánh giá hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề về môi trường dựa trên các mặt: mức độ sẵn sàng của các cơ quan thuộc Chính phủ, kết quả thực hiện các chính sách và công tác điều hành của Chính phủ. Đồng thời, với chức năng và nhiệm vụ của mình, các SAI sẽ góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. Đó chính là một phần lý do để Đại hội ASOSAI 14 và Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 ưu tiên chủ đề: “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”.

Tại cuộc họp báo thông tin về Đại hội ASOSAI 14 và ra mắt bộ nhận diện Đại hội mới đây, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cũng đã khẳng định: Chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” là một trong những nội dung nghị sự quan trọng thể hiện sự cam kết, nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI trong công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc nói chung và giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu nói riêng. Với chủ đề này, các SAI thành viên sẽ đóng góp tham luận về những thách thức, kinh nghiệm và giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chức năng kiểm toán môi trường. Kết quả của Đại hội sẽ góp phần hoàn thiện các tài liệu hướng dẫn, quy trình, chuẩn mực kiểm toán, đáp ứng được mục tiêu phát triển bền vững tại các quốc gia thành viên.

Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh thêm: Vấn đề phát triển bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhiều lần, với tinh thần không đánh đổi môi trường lấy dự án đầu tư. Các dự án đầu tư phải được thực hiện trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh tế nhưng không làm ảnh hưởng đến môi trường. Hơn nữa, hiện nay, KTNN Việt Nam đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Hướng dẫn và phương pháp kiểm toán môi trường.

Đây là 1 trong 3 lĩnh vực kiểm toán còn khá mới mẻ đối với KTNN Việt Nam. Trên thực tế, việc triển khai các cuộc kiểm toán môi trường còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, chủ đề của Đại hội ASOSAI 14 và Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 trong khuôn khổ của Đại hội sẽ giúp KTNN học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực về kiểm toán môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực của môi trường đối với đời sống xã hội, góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

THÀNH ĐỨC
Theo Báo Kiểm toán số 14 ra ngày 05-4-2018