Áp lực lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 11:00, 04/08/2016
(BKTO) - Đại án kinh tế Phạm Công Danh cùng đồng phạm làm thất thoát số tiền lên tới 9 nghìn tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) đã và đang thu hút sự chú ý, quan tâm của dư luận. Đại án này cùng với những đại án được xét xử trước đây như những minh chứng cho thấy hoạt động ngân hàng vẫn còn nhiều mặt trái, cần được khắc phục để góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.
Đại án của VNCB phản ánh tình trạng lợi ích nhóm và sở hữu chéo là vấn đề nhức nhối trong hoạt động ngân hàng hiện nay.Ảnh:TS
Theo thông tin xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gần đây, hiện cơ quan điều tra đang giữ 21 sổ chứng nhận sở hữu cổ phần tại VNCB và các giấy tờ ủy quyền ký sẵn liên quan đến 84% cổ phần VNCB của Phạm Công Danh. Đây là trường hợp một cá nhân và người liên quan sở hữu số cổ phần quá lớn trong một ngân hàng, chỉ sau mỗi Nhà nước sở hữu vốn ở Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), dù các giấy tờ đó không còn giá trị thực tế vì VNCB đã bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại với giá 0 đồng.
Tình trạng một cá nhân có thể dễ dàng thâu tóm cả một ngân hàng thông qua hàng loạt công ty sân sau như trên cũng đã từng xảy ra đối với các vụ án Nguyễn Đức Kiên tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Hà Văn Thắm tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank). Các cá nhân này đã vi phạm nghiêm trọng quy định về sở hữu cổ phần theo Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) 2010. Điều này còn cho thấy lợi ích nhóm và sở hữu chéo là vấn đề nhức nhối trong hoạt động ngân hàng giai đoạn qua. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng, đây chính là lý do khiến quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn tồn tại những hạn chế.
Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều đại án còn phản ánh tình trạng lách luật, vi phạm các quy trình, thủ tục nghiệp vụ trong các hoạt động cấp tín dụng, thẩm định cho vay, đầu tư tài chính, thanh toán, chuyển tiền... Vụ án siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như là một minh chứng. Nhìn lại năm 2011, có thể thấy, trước thực tế nhiều ngân hàng gặp khó khăn trong huy động vốn, không ít ngân hàng thừa tiền đã lựa chọn việc gửi vốn vào ngân hàng bạn, tranh thủ chương trình khuyến mãi, lãi suất thưởng để thu lợi nhuận. Lợi dụng bối cảnh này, Huỳnh Thị Huyền Như đã sử dụng các chiêu thức lừa đảo chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng từ nhiều công ty, ngân hàng và cá nhân.
Đáng lưu ý, phía sau những đại án ngân hàng bị phanh phui, công tác thanh tra, giám sát của NHNN cũng như hệ thống quản trị, kiểm soát, kiểm toán nội bộ của một số TCTD đã lộ diện nhiều yếu kém, hạn chế, dẫn đến sơ hở, bất cập trong quản lý, điều hành hoạt động ngân hàng. Đơn cử là trường hợp của VNCB, theo kết luận thanh tra của NHNN ngày 10/7/2012, vốn chủ sở hữu của ngân hàng bị âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.061 tỷ đồng. Nhưng theo Báo cáo tài chính của VNCB năm 2012 đã kiểm toán, kết quả kinh doanh lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng.
Ngoài ra, những đại án trên cộng với áp lực là 1 trong 3 trụ cột quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế khiến ngành Ngân hàng phải đối mặt với nhiều vấn đề khác như: cho vay sân sau, trình độ quản trị, một bộ phận cán bộ có biểu hiện suy thoái về đạo đức nghề nghiệp và vi phạm các quy định của pháp luật.
Áp lực trong giai đoạn mới
Nhìn lại hoạt động ngân hàng giai đoạn 2011-2015 vừa qua, TS. Cao Sĩ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN đã từng bày tỏ trăn trở khi có quá nhiều vụ án và cán bộ ngân hàng phạm pháp. “Đây là hạn chế cần được ngành Ngân hàng khắc phục trong giai đoạn tới”- TS. Cao Sĩ Kiêm nhấn mạnh.
Xử lý nghiêm những đại án, những cán bộ phạm pháp chính là một trong những giải pháp góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Phân tích vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, Giám đốc nghiên cứu và phát triển (Viện Kinh tế và Quản lý TP. HCM) Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, câu chuyện về đạo đức của cán bộ ngân hàng cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc và có giải pháp phù hợp. “Nên chăng bổ sung thêm tiêu chí và cách thức thẩm định đạo đức người đứng đầu khi thành lập một DN, tránh tình trạng để cán bộ ngân hàng vi phạm pháp luật nặng nề, gây hậu quả nghiêm trọng”- ông Nguyễn Hoàng Dũng đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, để lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, theo TS. Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 là phải kiên quyết xử lý sở hữu chéo, xóa bỏ lợi ích nhóm. Đồng thời, ngành Ngân hàng phải nâng cao quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế.
Hướng tới mục tiêu lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN xây dựng Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 với yêu cầu cao hơn về xử lý dứt điểm các yếu kém và đáp ứng các điều kiện mới trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế. Theo đó, một trong số các giải pháp cần được triển khai thực hiện là giám sát đồng bộ và thống nhất toàn bộ khối ngân hàng; thực hiện thanh tra giám sát trên cơ sở rủi ro; cơ bản áp dụng đầy đủ các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về an toàn hoạt động ngân hàng.
NGỌC MAI