Xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2022

Kinh tế - Ngày đăng : 19:00, 16/11/2022

(BKTO) - Ngày 15/11, Vietnam Report đã công bố Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2022.
a.jpg
Nguồn: Vietnam Report
b.jpg
Nguồn: Vietnam Report

Theo Vietnam Report, trải qua 16 năm, Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) đã và đang tôn vinh 2.500 doanh nghiệp hàng đầu, trong đó có 259 doanh nghiệp duy trì có tên trong bảng xếp hạng trong cả 16 lần công bố.

Tuy có những bước thăng trầm trước biến động kinh tế - xã hội, nhưng các doanh nghiệp VNR500 vẫn không ngừng nỗ lực trong việc cung cấp những sản phẩm dịch vụ có giá trị cho xã hội, tạo dựng hình ảnh trong mắt công chúng, nhà đầu tư, từ đó từng bước đưa thương hiệu Việt vươn tầm khu vực và quốc tế.

Trong 3 năm vừa qua, tỷ trọng doanh thu của 3 lĩnh vực kinh tế trong bảng xếp hạng VNR500 đã phản ánh vai trò quan trọng của ngành công nghiệp - xây dựng là động lực phát triển của nền kinh tế hay sự cải thiện đáng kể về doanh số của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản.

Thống kê từ bảng xếp hạng VNR500 năm 2022 cho thấy hầu hết các ngành đều có sự sụt giảm về doanh thu so với bảng xếp hạng năm ngoái. Điểm sáng lớn nhất đến từ hoạt động bán lẻ với tổng mức tăng trưởng doanh thu lên tới 120%.

Bên cạnh đó, bảng xếp hạng cũng ghi nhận sự phục hồi của hoạt động vận tải - logistics trong bối cảnh kinh tế mở cửa trở lại và sự vươn lên của các ngành khoáng sản, xăng dầu và thép nhờ được hưởng lợi từ giá dầu, giá thép tăng cao trong giai đoạn vừa qua.

Xét các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp trong bảng xếp hạng VNR500 năm nay, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) giảm mạnh so với năm ngoái, từ mức 16,4% xuống còn 11,2%.

Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên doanh thu (ROS) ghi nhận mức tăng xét trên tổng thể toàn bảng xếp hạng nhưng lại có sự phân hóa đáng kể nếu xét theo từng khu vực kinh tế.

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ghi nhận hiệu quả sử dụng tài sản tốt hơn hẳn so với hai khu vực còn lại, đạt 8,4%. Các doanh nghiệp FDI cũng bước đầu có được kết quả tích cực từ các khâu kiểm soát chi phí, từ đó gia tăng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu từ mức 8,1% lên 8,5%.

Khu vực kinh tế tư nhân ghi nhận sự cải thiện đáng kể với mức tăng vượt cả trước đại dịch, cụ thể ROA từ 4,3% lên 5,4%, ROS từ 5,2% lên 6,5%; ROE tuy chưa quay trở lại mức trước đại dịch nhưng là khu vực có tỷ suất hiệu quả cao nhất, đạt 15,2%.

Khu vực kinh tế nhà nước buộc phải hy sinh lợi ích kinh doanh nhằm hỗ trợ người dân và cộng đồng vượt qua khó khăn từ đại dịch thông qua các hoạt động an sinh xã hội, do đó hầu hết cả chỉ tiêu đều suy giảm, nhất là chỉ số ROE ở mức âm 8%.

QUỲNH ANH