Việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại Trường Đại học Kinh tế TP. HCM: Cần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản và hoạt động đầu tư
Kết quả kiểm toán - Ngày đăng : 09:27, 19/03/2022
Quản lý, sử dụng tài sản còn một số bất cập
Theo KTNN, đến thời điểm kiểm toán, tổng số xe ô tô Trường đang sử dụng là 8 chiếc, trong đó có 2 chiếc tiếp nhận lại từ Chương trình đào tạo liên kết với Đại học Fullbright vào quý III/2018 và 6 chiếc là xe phục vụ công tác chung, xe chuyên dùng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có văn bản chấp thuận. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cho thấy, đơn vị đang sử dụng 6 xe chuyên dùng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn và thừa 1 xe ô tô dùng chung. Điểm tích cực được ghi nhận là đơn vị đã báo cáo Bộ chủ quản để thực hiện sắp xếp lại.
Đối với cơ sở nhà đất, hiện đơn vị đang sử dụng 11 cơ sở với tổng diện tích 138.783m2, trong đó có 2 cơ sở đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 9 cơ sở đã có quyết định giao quản lý, sử dụng đất của cấp có thẩm quyền. Trường đã sử dụng một phần diện tích cho Ngân hàng Phương Đông (OCB) thuê làm chi nhánh, phòng giao dịch. Trong đó, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM ký Hợp đồng hợp tác số 1001/2017/HĐ-OCB ngày 10/01/2017 để Ngân hàng cung cấp các dịch vụ không thu phí (thu hộ học phí sinh viên, chi trả học bổng, chi hộ lương và các khoản thu nhập cho cán bộ), phát hành thẻ tín dụng, hỗ trợ tư vấn tài chính…
Năm 2019, Ngân hàng trả cho Trường tiền sử dụng mặt bằng 672,7 triệu đồng tại các địa điểm thuê ở Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Chí Thanh. Còn tại cơ sở ở Trần Hưng Đạo, Trường ký Thỏa thuận hợp tác OCB-ĐHKT-135ATHĐ với Ngân hàng OCB về việc sử dụng một phần diện tích Ký túc xá thực hiện hoạt động kinh doanh, tác nghiệp của OCB, nhưng bù lại đây cũng là nơi OCB tạo điều kiện để sinh viên của Trường thực tập, kiến tập, thực hành, gia tăng cơ hội nghề nghiệp (tại cơ sở này đang có 13 cán bộ từng là sinh viên của Trường làm việc)… Việc này cũng phù hợp với Chiến lược của Trường trong việc gắn kết đào tạo với DN và ứng dụng thực tế. Thỏa thuận hợp tác này cũng có trong Đề án cho thuê tài sản của Trường trình Bộ GD&ĐT, nhưng đến ngày 14/10/2019, Bộ GD&ĐT mới phê duyệt Đề án tại Quyết định số 3755/QĐ-BGDĐT.
Tuy nhiên, KTNN kiến nghị Trường cần thực hiện nghiêm quy định cho thuê tài sản, mặt bằng tuân thủ theo Luật Quản lý tài sản công, tức là phải thông qua hình thức đấu giá về cho thuê tài sản, mặt bằng, cũng như hợp đồng hợp tác với Ngân hàng về sử dụng mặt bằng hoặc thuê địa điểm.
Đối với các tài sản máy móc, thiết bị, đơn vị đã thực hiện xây dựng quy định về quản lý, sử dụng tài sản và theo dõi trên sổ tài sản. Tại thời điểm kiểm toán, đơn vị đang tiến hành kiểm kê tài sản. Các tài sản mua trong năm được theo dõi và trích khấu hao, các tài sản thanh lý được hạch toán giảm theo quy định. Tuy nhiên, Hội đồng xác định giá khởi điểm khi thanh lý tài sản chưa đảm bảo cơ cấu thành viên (không có đại diện bộ phận chuyên môn về giá hoặc tài chính của cơ quan quản lý cấp trên là Bộ GD&ĐT). Trong năm 2019, Trường đã thực hiện thanh lý tài sản theo hình thức niêm yết giá và thanh lý thành công một số tài sản với giá trị 80,9 triệu đồng, còn với tài sản chưa thanh lý được, đơn vị vẫn thực hiện lưu kho. Trong quản lý tài sản máy móc, thiết bị, đơn vị chưa thực hiện báo cáo kê khai biến động tài sản công theo quy định; phương án cho, tặng tài sản của Trường cho tổ chức, đoàn thể cũng chưa phù hợp với quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công.
Thực hiện các khoản đầu tư chưa đúng quy định
Cũng liên quan đến Ngân hàng OCB, năm 2006, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM đầu tư tài chính thực hiện mua 100.000 cổ phiếu của OCB với giá mua thực tế 5,2 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2019, Trường đang sở hữu 1.156.334 cổ phiếu (trong đó mua 467.769 cổ phiếu, được thưởng 688.565 cổ phiếu; năm 2019 đơn vị ghi nhận 192.722 cổ phiếu thưởng năm 2018, tương đương 20% cổ phiếu) với giá trị lũy kế đến cuối năm 2019 là 15,763 tỷ đồng. Trong đó, giá mua cổ phiếu thực tế là 8,877 tỷ đồng và giá trị cổ phiếu thưởng là 6,885 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Trường đã góp vốn vào Công ty Cổ phần Du lịch APEX Việt Nam bằng thương hiệu tương đương số tiền 6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ nắm giữ 30% vốn điều lệ của Công ty (vốn điều lệ 9 tỷ đồng). Việc góp vốn xuất phát từ Trung tâm Dịch vụ Đầu tư và Ứng dụng Khoa học kinh tế được thành lập ngày 22/5/1989, đến tháng 12/1992 được đổi tên thành Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Kinh tế (CESAIS). Năm 2011, CESAIS liên kết thành lập cổ đông của Công ty Cổ phần Du lịch APEX Việt Nam. Nhưng đến năm 2015, CESAIS giải thể và Trường Đại học Kinh tế TP. HCM trở thành cổ đông của Công ty từ đó đến nay. Qua kiểm toán, KTNN ghi nhận, Công ty Cổ phần Du lịch APEX Việt Nam còn phải trả cổ tức cho Trường tính đến cuối năm 2019 là 5,625 tỷ đồng.
Trong các khoản đầu tư, Trường cũng đã tham gia góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Sài Gòn Kinh tế. Cụ thể, tại Quyết định số 840/QĐ-ĐHKT-TCHC ngày 25/6/2008, Trường sử dụng Quỹ cơ quan tham gia góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Sài Gòn Kinh tế. Trường là cổ đông sáng lập và góp 90% vốn điều lệ của Công ty (vốn điều lệ 6 tỷ đồng). Như vậy, Trường đã góp vốn 5,4 tỷ đồng để mua 540.000 cổ phần phổ thông của Công ty, nhưng từ năm 2011 đến thời điểm kiểm toán, Công ty không có phát sinh hoạt động tài chính và Trường cũng chưa có phương án thu hồi vốn góp. Những việc làm trên, theo đánh giá của KTNN, tại thời điểm Trường Đại học Kinh tế TP. HCM thực hiện mua cổ phần của Ngân hàng và góp vốn thành lập DN là chưa đúng với quy định tại Điều 13 Luật DN.
Kiến nghị này không phải là mới, bởi khi đánh giá về việc thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2019 và các năm trước, KTNN cũng nêu rõ, một số kiến nghị về chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của Trường chưa thực hiện đầy đủ như việc rà soát, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các trung tâm, viện, công ty thuộc, trực thuộc; chưa xử lý dứt điểm việc góp vốn thành lập công ty cổ phần nhưng kinh doanh không hiệu quả…
Vì thế, tổng hợp kết quả kiểm toán, KTNN đề nghị Trường tiếp tục thực hiện các kiến nghị nêu trên nhằm tái cơ cấu lại theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII và Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Các hoạt động đầu tư ra bên ngoài như mua cổ phiếu tại Ngân hàng OCB và góp vốn thành lập Công ty cần thực hiện tuân thủ theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, cần xử lý dứt điểm số vốn góp 5,4 tỷ đồng từ nguồn Quỹ cơ quan để thành lập Công ty Cổ phần Sài Gòn Kinh tế.