Đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu theo từng giai đoạn của cuộc kiểm toán
Kết quả kiểm toán - Ngày đăng : 09:51, 01/04/2022
Giai đoạn chuẩn bị kiểm toán
Giai đoạn khởi đầu rất quan trọng, vì vậy, kiểm toán viên (KTV) cần thu thập được các thông tin về chỉ tiêu liên quan đến thu, chi ngân sách; các quy định về phân cấp quản lý NSNN; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho từng cấp ngân sách của địa phương; tỷ lệ phần trăm phân chia giữa ngân sách các cấp của địa phương đối với khoản thu NSNN; thông tin về hệ thống kiểm soát nội bộ theo 5 thành tố, 17 chỉ tiêu. Đối với đơn vị đã được kiểm toán năm trước, KTV có thể thu thập thông tin thông qua xem xét hồ sơ từ các cuộc kiểm toán trước và chỉ thu thập bổ sung các thông tin thay đổi đáng kể từ phía đơn vị được kiểm toán so với cuộc kiểm toán trước.
Để có cơ sở thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán, KTV phải xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ báo cáo quyết toán và cấp độ cơ sở dẫn liệu dựa vào thông tin thu thập được và xét đoán chuyên môn của KTV. Tiếp đó, KTV xác định mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo NSĐP; xác định mức trọng yếu thực hiện dựa trên mức trọng yếu tổng thể báo cáo NSĐP và tỷ lệ % tương ứng trong chính sách xác định trọng yếu kiểm toán của KTNN (khoảng từ 50 - 75% so với mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo NSĐP); xác định ngưỡng sai sót không đáng kể dựa trên mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo NSĐP và tỷ lệ % tương ứng trong chính sách xác định trọng yếu kiểm toán của KTNN (từ 0 - 3% mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo NSĐP nhưng không vượt quá 500 triệu đồng).
Thông qua thông tin thu thập được, KTV đánh giá rủi ro thực hiện phân tích thông tin để rút ra những vấn đề, nội dung, khoản mục trọng yếu cần tập trung hoặc trọng yếu của Ngành. Khi xác định trọng yếu kiểm toán đối với báo cáo quyết toán NSĐP, KTV cần lưu ý các nội dung được đánh giá là rủi ro có sai sót trọng yếu ở mức cao qua thông tin khảo sát thu thập; các khoản mục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thu, chi ngân sách; các nội dung, vấn đề nhạy cảm thường xảy ra sai sót...
Giai đoạn thực hiện kiểm toán
Ở giai đoạn này, KTV thực hiện các thủ tục đã được xác định tại kế hoạch kiểm toán để xử lý rủi ro kiểm toán. Khi có các tình huống phát sinh hoặc có thêm thông tin mới trong quá trình kiểm toán làm thay đổi đánh giá về rủi ro có sai sót trọng yếu, KTV có thể thực hiện những thay đổi đối với nội dung, lịch trình, thời gian và phạm vi các thủ tục kiểm toán. Nếu rủi ro có sai sót trọng yếu tăng lên, KTV phải mở rộng phạm vi các thủ tục kiểm toán, nghĩa là tăng số lượng thủ tục kiểm toán, tăng quy mô mẫu hoặc tăng số lần quan sát các kiểm soát. Trường hợp xử lý rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận, KTV phải tăng quy mô mẫu hoặc thực hiện các thủ tục phân tích cơ bản ở mức độ chi tiết hơn, thực hiện thủ tục xác nhận từ bên ngoài, thuê chuyên gia, phỏng vấn, sử dụng sự hỗ trợ của phần mềm máy tính…
Đối với quá trình thực hiện các thủ tục kiểm toán và thu thập bằng chứng kiểm toán, KTV cần lưu ý những khoản mục, nội dung trọng yếu sau: Quy trình tổng hợp lập báo cáo NSĐP; việc tổng hợp quyết toán các khoản chi theo nội dung kinh tế, lĩnh vực; việc tổng hợp theo nội dung, mục lục ngân sách, chương loại chưa đảm bảo chính xác và khớp đúng. Đặc biệt, KTV phải đối chiếu các khoản chi từ nguồn dự phòng với các chính sách, chế độ tài chính áp dụng cho các nội dung, lĩnh vực chi tương ứng; kiểm toán thẩm quyền sử dụng nguồn kinh phí dự phòng thông qua các văn bản phê duyệt sử dụng nguồn kinh phí này; kiểm toán việc báo cáo với Thường trực HĐND và HĐND theo Điều 10 Luật NSNN… để đánh giá việc quản lý, điều hành, sử dụng nguồn kinh phí dự phòng của tỉnh. Sai sót có thể xảy ra là mức bố trí dự phòng không đảm bảo từ 2 - 4% tổng chi ngân sách mỗi cấp, cấp huyện không bố trí dự phòng cho cấp xã mà để lại cấp huyện để điều hành chung, chi từ nguồn dự phòng cho những nhiệm vụ không phải cấp bách và không thật sự cần thiết, đã được dự toán ngay từ đầu năm, sử dụng dự phòng sai thẩm quyền, sai chế độ tài chính, không đủ thủ tục.
Trước khi đưa ra kết luận kiểm toán, căn cứ vào các thủ tục kiểm toán đã thực hiện và bằng chứng kiểm toán thu thập được, KTV phải xem xét sự phù hợp của việc đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu và thực hiện các công việc tiếp theo. Nếu chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến một cơ sở dẫn liệu trọng yếu của báo cáo quyết toán, KTV phải thu thập thêm bằng chứng kiểm toán. Nếu không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp, KTV phải đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ hoặc từ chối đưa ra ý kiến về báo cáo quyết toán.
Hình thành ý kiến và lập báo cáo kiểm toán
Ở giai đoạn cuối cùng, KTV phải đưa ra ý kiến kiểm toán về báo cáo quyết toán NSĐP, xét trên các khía cạnh trọng yếu, có được lập và trình bày phù hợp với quy định hay không. Việc đưa ra các dạng ý kiến kiểm toán phụ thuộc vào từng cuộc kiểm toán và theo hướng dẫn tại Điều 18 Quyết định số 04/2019/QĐ-KTNN.
Khi lập báo cáo kiểm toán, KTV tuân thủ quy định về mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán và Chuẩn mực KTNN; phản ánh đầy đủ, chính xác, trung thực và khách quan kết quả, kết luận và kiến nghị kiểm toán; đưa ra ý kiến đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán; đảm bảo tính logic giữa kết quả và kiến nghị kiểm toán.