Kiểm toán Tổng công ty Điện lực miền Trung: Cần chấn chỉnh công tác mua sắm, quản lý vật tư, thiết bị
Kết quả kiểm toán - Ngày đăng : 12:14, 15/04/2022
Tồn kho vật tư, thiết bị lớn làm giảm hiệu quả sử dụng vốn
Theo báo cáo của EVNCPC, tại thời điểm 31/12/2019, lượng vật tư, thiết bị mua sắm từ năm 2017-2018 tồn kho tại Ban Quản lý Dự án lưới điện miền Trung và Ban Quản lý Dự án lưới điện nông thôn là 175,23 tỷ đồng, chiếm 61,5% tổng lượng tồn kho. Công ty mẹ còn 24 máy biến dòng điện 1 pha 24kV theo Hợp đồng mua sắm tháng 5/2015 nhập kho năm 2017, nhưng đến tháng 11/2020 vẫn chưa có kế hoạch sử dụng với giá trị 1,032 tỷ đồng. KTNN đánh giá, việc không sử dụng kịp thời các vật tư, thiết bị đã làm giảm hiệu quả sử dụng vốn của DN. Theo giải trình của EVNCPC, nguyên nhân là do các vật tư, thiết bị tồn kho này được mua sắm tập trung theo kế hoạch của các dự án đầu tư được phê duyệt, tuy nhiên, các dự án này gồm nhiều dự án thành phần và thời gian thực hiện bị kéo dài do công tác giải phóng mặt bằng chậm nên dẫn đến việc lắp đặt chưa được kịp thời. Đối với 24 máy biến dòng thuộc dự án sử dụng vốn nước ngoài, việc mua sắm được thực hiện ngay khi triển khai dự án nhưng trong quá trình thực hiện, dự án được điều chỉnh quy mô nên còn dư.
Liên quan đến việc lập kế hoạch mua sắm năm 2019, KTNN nêu rõ, kế hoạch mua sắm vật tư, thiết bị còn chưa sát thực tế nên trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần trong năm. Có hạng mục giao kế hoạch thực hiện trong năm 2019 nhưng thực tế thực hiện và giải ngân năm 2020. Cũng do việc lập kế hoạch chưa sát với thực tế tại Công ty Điện lực Đắk Nông dẫn đến EVNCPC phải giao cho đơn vị thực hiện mua sắm một số vật tư, thiết bị thuộc danh mục mua sắm quản lý tập trung tại Tổng công ty. Bên cạnh đó, một số đơn vị xác định nhu cầu vật tư để lập kế hoạch mua sắm chưa tuân thủ quy định của EVNCPC như: Chưa cân đối với lượng tồn kho, chưa liên hệ với các đơn vị chức năng trong Tổng công ty để tận dụng triệt để tồn kho của các dự án đã hoàn thành, chưa cân đối với số lượng công tơ thu hồi sử dụng lại. KTNN cũng phát hiện việc phân chia các gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa tuân thủ quy định của Tổng công ty, cụ thể tại Công ty Điện lực Quảng Trị, các gói thầu cùng mua sắm một loại vật tư thiết bị, địa điểm giao hàng không có sự phân biệt về mặt địa lý, thời gian giao hàng không có sự khác biệt, thực hiện lựa chọn nhà thầu tại cùng một thời điểm. Đơn vị cũng chưa báo cáo việc sử dụng vật tư, thiết bị theo kế hoạch cung ứng phục vụ cho việc sửa chữa lớn hằng năm theo quy định.
Đáng chú ý, cùng với những hạn chế, sai sót trong quản lý vật tư, thiết bị, kế hoạch mua sắm, qua kiểm toán, KTNN còn chỉ ra nhiều bất cập trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán gói thầu. Một số đơn vị lập dự toán chưa đảm bảo sát với giá thị trường, chưa tham khảo giá hợp đồng tương tự, hoặc chưa căn cứ vào báo giá của nhà sản xuất hoặc đại lý trực tiếp của nhà sản xuất đối với các thiết bị nhập ngoại, hoặc chưa lấy báo giá của nhiều nhà sản xuất… dẫn đến nhiều gói thầu có tỷ lệ giảm thầu lớn khoảng 40 - 50% giá dự toán. Việc Tổng công ty ban hành thông báo giá vật tư, thiết bị theo từng quý làm cơ sở cho các đơn vị tham khảo lập dự toán còn bất cập, chưa phù hợp vì thông báo giá của nhà cung cấp chỉ có hiệu lực trong thời hạn ngắn (thường là 30 ngày). Cùng với đó, theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 35 Luật Đấu thầu năm 2013, giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết, nhưng thực tế tại Công ty mẹ, nhiều gói thầu từ lúc lập dự toán đến thời điểm lựa chọn nhà thầu cách rất xa (từ 3 - 4 tháng) nhưng đơn vị không cập nhật lại để đảm bảo giá gói thầu sát với giá thị trường tại thời điểm đấu thầu.
Yêu cầu chấn chỉnh công tác lựa chọn nhà thầu
KTNN cũng phát hiện, trong hồ sơ mời thầu, một số đơn vị đã không yêu cầu nhà thầu chứng minh năng lực cung ứng, không yêu cầu nhà thầu cung cấp đầy đủ tài liệu chứng minh việc thực hiện hợp đồng tương tự làm cơ sở xét thầu; đưa ra tiêu chí đánh giá về uy tín, năng lực kinh nghiệm, nguồn lực tài chính, hợp đồng tương tự của nhà thầu chưa phù hợp với quy định; không yêu cầu nhà thầu nộp báo cáo tài chính đã kiểm toán hoặc có dấu của cơ quan thuế. Một số gói thầu thực hiện lựa chọn nhà thầu chậm so với kế hoạch phê duyệt; chưa thực hiện hoàn thiện dự thảo văn bản hợp đồng khi thương thảo với nhà thầu; chưa gửi kết quả lựa chọn nhà thầu cho các nhà thầu tham dự; chậm đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu lên mạng đấu thầu quốc gia… theo quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Bên cạnh đó, một số gói thầu có thời gian hiệu lực của bảo lãnh thực hiện hợp đồng kết thúc trước ngày đơn vị trúng thầu giao hàng đầy đủ là chưa phù hợp quy định tại khoản 4, Điều 66 Luật Đấu thầu; lựa chọn nhà thầu trúng thầu có hồ sơ dự thầu chưa phù hợp với yêu cầu của hồ sơ mời thầu; thực hiện lựa chọn nhà thầu theo hình thức mua sắm trực tiếp, chỉ định thầu mà chưa lựa chọn các hình thức khác cạnh tranh hơn, một số đơn vị áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp chưa phù hợp với quy định. Hơn nữa, công tác chấm thầu của một số đơn vị chưa tuân thủ đúng quy định, trong đó có cả việc nhà thầu bị loại khi chưa được yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu. Liên quan đến việc thực hiện hợp đồng, nghiệm thu, thanh toán, một số gói thầu chưa yêu cầu nhà thầu chứng minh việc tiền tạm ứng được sử dụng đúng mục đích theo quy định của hợp đồng. Việc thực hiện mua sắm chưa căn cứ vào tiến độ dự án, để thiết bị tồn kho 6 tháng dẫn đến rủi ro suy giảm chất lượng, lãng phí thời gian bảo hành thiết bị. Một số gói thầu có thời gian hiệu lực bảo lãnh bảo hành hợp đồng không phù hợp với quy định tại hợp đồng đã ký; hồ sơ nghiệm thu, thanh toán chưa đầy đủ theo quy định của hợp đồng.
Trước những bất cập này, KTNN kiến nghị EVNCPC phải có giải pháp xử lý đối với các vật tư, thiết bị của Ban Quản lý Dự án lưới điện miền Trung, Ban Quản lý Dự án lưới điện nông thôn và Công ty mẹ đã mua từ những năm trước nhưng vẫn tồn kho tại thời điểm 31/12/2019. Đồng thời chấn chỉnh công tác xây dựng kế hoạch mua sắm vật tư, thiết bị; nghiên cứu khắc phục bất cập trong việc ban hành thông báo giá vật tư thiết bị theo từng quý; tuân thủ nghiêm túc Quy chế quản lý mua sắm tập trung đã ban hành. Cùng với đó, EVNCPC phải chỉ đạo các đơn vị khắc phục những sai sót trong công tác mua sắm hàng hóa, thuê ngoài cung cấp dịch vụ; lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng./.