Việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Chấn chỉnh công tác quản lý công nợ, đất đai; tăng cường đầu tư trang thiết bị đào tạo
Kết quả kiểm toán - Ngày đăng : 13:18, 13/05/2022
Quản lý công nợ thiếu chặt chẽ
Theo kết quả kiểm toán, năm 2019, công tác theo dõi, quản lý công nợ tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội gồm: Dư nợ phải thu 1 tỷ đồng; dư có phải trả 31,5 triệu đồng; dư nợ tạm ứng 18,4 tỷ đồng. Về cơ bản, các khoản tạm ứng, nợ phải thu, phải trả đơn vị đã thực hiện theo dõi và quản lý chi tiết đến từng đối tượng và có nội dung cụ thể, song cuối năm chưa thực hiện đối chiếu số dư. Đồng thời, số nợ đọng học phí của sinh viên, học viên thôi học, nghỉ học, đình chỉ học còn ở mức cao (hơn 9,7 tỷ đồng).
Đáng chú ý, đối với khoản tạm ứng từ năm 2009 do ông Hoàng Sinh Trường (Giám đốc Công ty TNHH Bách khoa) vay Nhà trường để thực hiện các hợp đồng của Công ty với số tiền 1,3 tỷ đồng, đến năm 2011, Công ty đã ngừng hoạt động nên không có nguồn thu để trả cho Trường và bị Nhà trường thu hồi con dấu song chưa giải thể. Trước đó, tại Báo cáo kiểm toán việc quản lý sử dụng tài chính, tài sản nhà nước năm 2017 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, KTNN đã có kiến nghị, tuy nhiên đến thời điểm kiểm toán (tháng 6/2020), Trường vẫn chưa xử lý dứt điểm đối với khoản tạm ứng này. Qua kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán của Trường cho thấy, năm 2018, Công ty TNHH Bách khoa đã có công văn giải trình do đơn vị gặp khó khăn trong sản xuất nên đơn vị làm công văn để xác nhận khoản nợ trên và sẽ bố trí trả nợ khi có đủ nguồn thu.
Bên cạnh đó, qua kiểm toán chi tiết 6 viện trực thuộc Trường cho thấy, các viện đều chưa thực hiện đối chiếu công nợ cuối năm. Tại Viện Khoa học và Công nghệ nhiệt lạnh, nhiều khoản nợ từ năm 2009, 2010, 2011 đến nay chưa đôn đốc xử lý dứt điểm.
Qua kiểm toán, KTNN tiếp tục kiến nghị Trường xử lý dứt điểm đối với khoản tạm ứng kéo dài chưa thu hồi của ông Hoàng Sinh Trường. Đồng thời, có biện pháp xử lý các khoản nợ đọng học phí của sinh viên, học sinh đã thôi học, nghỉ học, đình chỉ số tiền nợ đọng hơn 9,7 tỷ đồng. Cùng với đó, chỉ đạo Viện Khoa học và Công nghệ nhiệt lạnh xử lý công nợ tồn đọng qua nhiều năm.
Nhiều diện tích đất bị lấn chiếm, trang thiết bị lạc hậu
Trong công tác quản lý nhà đất, trụ sở làm việc, theo Báo cáo kiểm toán, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội quản lý, sử dụng diện tích đất được giao là 256.520,6m2, chia làm 18 ô, trong đó 12 ô đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (81.244,6m2), còn 6 ô chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chiếm 175.276m2). Tuy nhiên, một số khu đất đang xảy ra lấn chiếm với diện tích 4.967,85m2 (ô số 4 và ô số 13) và phường Bách khoa mượn đất làm chợ tạm từ nhiều năm trước. Tính đến tháng 6/2020, các khu đất trên Trường chưa tiến hành các thủ tục cần thiết để đầu tư xây dựng phục vụ nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, tại tầng 2 tòa nhà A17, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho Công ty BK-Holdings mượn diện tích 432m2 và Công ty TNHH MTV Tư vấn và chuyển giao công nghệ Bách khoa mượn làm văn phòng 40m2, không thu tiền thuê. Giá thuê một năm ước tính đối với Công ty BK- Holdings là 596,1 triệu đồng và Công ty TNHH MTV Tư vấn và chuyển giao công nghệ Bách khoa là 55,2 triệu đồng (đơn giá 115.000 đồng/m2/tháng).
Cũng theo kết quả kiểm toán, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thông qua Công ty BK- Holdings góp vốn cho Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội nhưng hai bên chỉ bàn giao tài sản nhà và thiết bị với giá trị gần 38,4 tỷ đồng mà chưa thực hiện chuyển quyền sở hữu, do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội không có quyền chuyển quyền sử dụng đất. Qua kiểm toán cho thấy, hai bên không có quy định rõ là góp vốn hay cho thuê; việc góp vốn, sử dụng tài sản chưa thực hiện theo một quy định cụ thể nào. Năm 2018, 2019, hai bên chưa xác định chi phí hao mòn, khấu hao do sử dụng giá trị tài sản nêu trên hình thành nguồn vốn bảo toàn tài sản.
Trong quản lý tài sản, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra một số bất cập. Theo đó, Trường còn theo dõi vào tài sản một số trang thiết bị không đủ điều kiện ghi nhận là tài sản từ nhiều năm trước, chưa phù hợp quy định. Trang thiết bị tại một số phòng thí nghiệm cũ, lạc hậu, nhiều trang thiết bị đã không còn sử dụng được, chỉ làm giáo cụ trực quan hoặc bỏ lưu kho. Tại Công ty Cổ phần Nghiên cứu kỹ thuật cơ khí chính xác, tài sản duy nhất là 12 thiết bị cũ, lạc hậu từ năm 1956 đến năm 1984 do Liên Xô tài trợ.
Tại các phòng thí nghiệm, phòng thực hành của một số viện (Viện Kỹ thuật hóa học, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, Viện Khoa học công nghệ và Môi trường…) chưa theo dõi chi tiết nhập - xuất - tồn vật tư, linh kiện thí nghiệm, thực hành. Một số tài sản ở các viện chưa cập nhật đầy đủ thông tin về số hiệu tài sản, xuất xứ, năm đưa vào sử dụng cũng như tình trạng hiện tại. Điển hình như tại Viện Kỹ thuật hóa học có đến 858/902 danh mục đã hết hao mòn, nhiều trang thiết bị có trước năm 1970, 1987 vẫn đang sử dụng; Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông nhiều máy tính có từ năm 2007; Viện Khoa học công nghệ và Môi trường nhiều trang thiết bị có từ năm 2000, 2001… vẫn đang sử dụng.
Theo KTNN, việc Trường chưa tập trung đầu tư, mua sắm trang thiết bị thực hành, thí nghiệm phục vụ công tác đào tạo, thực hành, nghiên cứu khoa học; hệ thống các phòng học, phòng thí nghiệm, linh kiện, máy móc, hệ thống thí nghiệm, thực hành nhiều trang thiết bị cũ, lạc hậu làm hạn chế sự tiếp cận về kỹ thuật, công nghệ mới đối với sinh viên, nghiên cứu sinh.
Trước thực tế trên, KTNN kiến nghị Trường Đại học Bách khoa Hà Nội xử lý dứt điểm diện tích đất đang bị lấn chiếm; thực hiện quản lý, sử dụng đất đúng mục đích theo quy định. Đồng thời, có biện pháp quản lý tài sản Trường đã bàn giao cho Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội theo quy định trên nguyên tắc bảo toàn tài sản nhà nước; xem xét, chuyển hình thức từ cho mượn sang cho thuê tại tầng 2 nhà A17 đối với Công ty BK- Holdings và Công ty TNHH MTV Tư vấn và chuyển giao công nghệ Bách khoa theo đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
KTNN cũng kiến nghị Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tăng cường, thay thế trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành để đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học./.