Nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm tra, đối chiếu thuế trong kiểm toán ngân sách địa phương
Kết quả kiểm toán - Ngày đăng : 15:24, 17/11/2022
Khó khăn trong thực hiện đối chiếu thuế
Trong kiểm toán NSĐP, đối chiếu thuế là nội dung không thể thiếu, khi các đối tượng có liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng thuế rất lớn. Những năm qua, qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã phát hiện hành vi vi phạm chính sách thuế diễn ra ở hầu hết các địa phương, từ đó kiến nghị tăng thu nhiều tỷ đồng và nhiều kiến nghị điều chỉnh cơ chế, chính sách quan trọng khác. Các kiến nghị kiểm toán đã góp phần giúp địa phương, cơ quan thuế tăng cường quản lý thu, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của công tác tổ chức thu thuế.
Đánh giá về công tác kiểm tra, đối chiếu thuế, đại diện Vụ Tổng hợp cho biết, mục tiêu chung của hoạt động này nhằm thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để giúp KTV đưa ra ý kiến, đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán phù hợp. “Thời gian qua, công tác này được các đoàn kiểm toán, KTV thực hiện nghiêm túc, từ đó giúp đảm bảo tính thận trọng, khách quan, độ tin cậy trước khi đưa ra ý kiến kiểm toán” - lãnh đạo Vụ Tổng hợp cho biết và thêm rằng lĩnh vực thuế có phạm vi rất rộng, nhiều rủi ro, do vậy, yêu cầu đối chiếu thuế ngày càng trở nên cần thiết, đảm bảo không bỏ lọt các dấu hiệu rủi ro, từ đó giúp nâng cao chất lượng kiểm toán, cũng như hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thuế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra, đối chiếu thuế cũng gặp phải một số vướng mắc nhất định. Theo KTNN khu vực II, khó khăn đầu tiên phải kể đến là còn thiếu quy định cụ thể về đối tượng, nội dung kiểm tra đối chiếu số liệu báo cáo, cũng như chưa có quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người nộp thuế trong việc kiểm tra đối chiếu số liệu báo cáo kê khai thuế. Trong khi đó, nhận thức của đối tượng nộp thuế về công tác kiểm tra còn hạn chế, dẫn đến việc phối hợp cùng đoàn kiểm toán chưa cao; còn tình trạng doanh nghiệp được đối chiếu không hợp tác, không cung cấp hồ sơ tài liệu, gây ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực của hoạt động kiểm tra, đối chiếu thuế…
Ngoài ra, đoàn kiểm toán còn gặp khó khăn do thời gian thực hiện đối chiếu thuế ít, trong khi số lượng hồ sơ, tài liệu liên quan rất nhiều, gây áp lực lớn cho KTV. Mặt khác, do không thể kiểm toán toàn bộ chứng từ kế toán nên KTV không thể biết các khoản này có thực sự phát sinh, đã kê khai, hạch toán kế toán chính xác, đầy đủ hay chưa. Điều này dẫn đến rủi ro nhất định cho KTV... Dẫn chứng về gian lận trong hoàn thuế, lãnh đạo KTNN khu vực V cho biết, đối với gian lận như hóa đơn mua bán khống, hóa đơn không hợp lệ, hóa đơn giả thì KTV khó có thể phát hiện do: Hóa đơn, chứng từ lưu tại doanh nghiệp nên KTV khó có thể xem xét, kiểm tra chứng từ hoàn thuế với đủ số lượng mẫu cần thiết; thời gian và khối lượng chứng từ không cho phép thực hiện kiểm tra, đối chiếu tại trụ sở cơ quan thuế…
Thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả kiểm tra, đối chiếu thuế
Trên cơ sở nhận diện rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kiểm tra, đối chiếu thuế, việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ các giải pháp từ bên trong cũng như bên ngoài KTNN sẽ góp phần giảm bớt các khó khăn, từ đó giúp nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán nói chung, công tác kiểm tra, đối chiếu thuế nói riêng.
Theo đó, một trong những yêu cầu đầu tiên đoàn kiểm toán, KTV cần thực hiện khi kiểm toán NSĐP, có hoạt động kiểm tra, đối chiếu thuế, đó là đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định về hoạt động kiểm toán, chỉ đạo của lãnh đạo KTNN và các quy định có liên quan. Trong đó, cần lưu ý đến quy định về việc kiểm tra, đối chiếu tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán (ban hành theo Quyết định số 155/QĐ-KTNN ngày 18/02/2021).
Đặc biệt, trong bối cảnh KTNN đẩy mạnh hình thành dữ liệu số phục vụ hoạt động kiểm toán, KTNN cần hướng dẫn cách thức phối hợp với đơn vị được kiểm toán trong việc truy cập cơ sở dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu. Trong quy chế phối hợp với các địa phương, cơ quan thuế, cần quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan trong việc thông báo, yêu cầu và đôn đốc người nộp thuế chấp hành thông báo đối chiếu thuế.
Xác định việc áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu đóng vai trò quan trọng đối với nội dung đối chiếu thuế, các đơn vị kiểm toán cho rằng, ngay từ khâu chuẩn bị, đơn vị kiểm toán cần chú trọng vào việc khảo sát, thu thập thông tin dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu. Từ kết quả thu được giúp KTV có thể rà soát, phân tích thông tin, từ đó lựa chọn chính xác những hồ sơ kê khai, hồ sơ thanh tra, kiểm toán thuế có rủi ro cao để đưa vào kế khoạch kiểm tra, đối chiếu thuế.
Khẳng định hoạt động kiểm tra, đối chiếu thuế không mới, song luôn phức tạp, đòi hỏi KTV cần phải nắm vững quy định, đảm bảo yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, các đơn vị tham mưu cho rằng, cần tăng cường tổ chức tập huấn để trao đổi kinh nghiệm cũng như giúp KTV cập nhật, nắm bắt kịp thời các văn bản, chế độ mới... Trong đó, cần đào tạo để KTV am hiểu hệ thống dữ liệu báo cáo về quản lý thuế, nâng cao năng lực trong việc khai thác cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế; bồi dưỡng kỹ năng phân tích thông tin của người nộp thuế. Bên cạnh đó, KTNN cần đẩy mạnh khai thác công nghệ thông tin, đưa vào ứng dụng các phần mềm để hỗ trợ hoạt động kiểm toán thuế, kiểm tra, đối chiếu thuế, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng kiểm toán./.