“Xây” lại niềm tin cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Pháp luật - Ngày đăng : 15:28, 17/11/2022
9 tháng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm gần 68%
Thời gian qua, thông tin tiêu cực liên quan đến loạt thương vụ phát hành TPDN riêng lẻ đang tác động lớn đến tâm lý của nhà đầu tư. Số liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho thấy, tổng khối lượng TPDN phát hành trong quý III/2022 chỉ đạt 61.374 tỷ đồng, giảm đến 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam cũng chỉ rõ, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh (2020-2021), quy mô thị trường TPDN đang chững lại khá nhanh. 9 tháng năm 2022, chỉ có 411 đợt phát hành TPDN trong nước với tổng giá trị 244.191 tỷ đồng, giảm gần 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Không những thế, làn sóng rút trước hạn trái phiếu bất chấp doanh nghiệp (DN) tốt hay xấu đang lan sang cả các quỹ đầu tư, quỹ mở trái phiếu. Việc nhạy cảm quá với các thông tin sẽ khiến nhà đầu tư càng lún sâu vào vòng xoáy rủi ro, thậm chí mất đi thành quả đầu tư dài hạn.
Theo quan niệm của nhiều chuyên gia tài chính, thị trường chứng khoán là vấn đề của dòng tiền, còn thị trường trái phiếu là vấn đề của niềm tin. Thời gian qua, thị trường TPDN có một cuộc khủng hoảng về niềm tin. Một trong những nguyên nhân rất lớn của việc thiếu niềm tin là do nhà đầu tư rất thiếu thông tin, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. Hiện Việt Nam chưa có vụ vỡ trái phiếu nào nhưng nỗi sợ vô hình rất lớn. Thị trường vẫn có trái phiếu tốt, trái phiếu xấu, nhưng nỗi sợ của thị trường là nỗi sợ chung. Sau quá trình phân tích, cũng có nhà đầu tư phản ứng tích cực, nhưng cũng có nhà đầu tư phản ứng tiêu cực. Điều này là do nhà đầu tư khá mù mờ về mặt thông tin còn thị trường thì đang thiếu đi một tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín.
Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng - TS. Nguyễn Đức Kiên - bình luận, nếu giai đoạn 2018-2021 khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ vì thiếu thông tin mà ồ ạt mua TPDN và tạo ra sự phát triển bùng nổ của thị trường, thì hiện nay, sự tháo chạy ồ ạt của trái chủ cũng xuất phát từ lý do tương tự. Giám đốc Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC - ông Bùi Văn Huy - nhấn mạnh, nếu chúng ta biết chúng ta sợ gì thì sẽ bớt sợ, nhưng nỗi sợ rất lớn với thị trường lúc này là chúng ta bị mờ thông tin, đặc biệt với nhà đầu tư cá nhân.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận, niềm tin đóng vai trò rất quan trọng trên thị trường TPDN. Dù không đại diện cho toàn thị trường nhưng những sai phạm trên thị trường riêng lẻ thời gian qua đúng là “con sâu làm rầu nồi canh”, làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào kênh TPDN. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh khẳng định, vấn đề của giai đoạn hiện nay là giải quyết bài toán niềm tin dành cho thị trường. Tâm lý là yếu tố rất quan trọng trên thị trường tài chính. Mặc dù muốn nâng cao trình độ nhà đầu tư nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng đủ tỉnh táo để phân biệt đâu là tin thật, đâu là tin giả.
Sử dụng “bàn tay Nhà nước”
Để vực dậy niềm tin cho thị trường TPDN, giới chuyên gia khuyến nghị, các cơ quan quản lý và tổ chức có liên quan cần đưa ra thông điệp và hành động mạnh mẽ hơn để ổn định tâm lý nhà đầu tư, đồng thời có cơ chế bảo vệ các DN hoạt động lành mạnh và làm ăn chân chính.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, các diễn biến tiêu cực trên thị trường tài chính không phải là tình trạng riêng của Việt Nam mà đã xuất hiện tại nhiều quốc gia có thị trường tài chính phát triển như: Anh, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong bối cảnh đó, Chính phủ các nước đều có những cam kết mạnh mẽ và sử dụng “bàn tay Nhà nước” để tạm thời điều tiết và bình ổn thị trường. Gần đây nhất, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch mở rộng tài trợ cho các chương trình hỗ trợ thanh khoản lên ít nhất 35 tỷ USD để giảm bớt căng thẳng thanh khoản trên thị trường TPDN.
Đặt trong bối cảnh Việt Nam, ông Kiên cho rằng, chúng ta có thể sử dụng các định chế tài chính Nhà nước như: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua trái phiếu của các DN tạm thời bị hạn chế năng lực tài chính từ các nhà đầu tư hiện hữu là cá nhân. Trước mắt, việc Nhà nước tuyên bố sử dụng nguồn lực để can thiệp sẽ phát đi thông điệp mạnh mẽ để nhà đầu tư trái phiếu yên tâm và có thể lựa chọn có tiếp tục đầu tư trái phiếu hay không. Về lâu dài, Nhà nước có thể đạt được 2 mục tiêu: Tham gia tái cấu trúc để hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN hồi phục; kiểm soát được tài sản bảo đảm của DN.
TS. Vũ Đình Ánh đề xuất tạo quỹ để xử lý các vấn đề trước mắt liên quan đến thị trường trái phiếu để giữ vững ổn định thị trường trước các biến cố. Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ mối quan hệ phát hành giữa các công ty mẹ, công ty con. Nghị định số 65/2022/NĐ-CP tuy có ý nghĩa nhiều trong trung và dài hạn nhưng sẽ gây khó khăn cho thị trường trong việc giải quyết các vấn đề ngắn hạn như đáo hạn trái phiếu hay rút trái phiếu trước hạn. Do đó, các giải pháp cấp thiết là vô cùng quan trọng. Với làn sóng rút trái phiếu trước hạn, ông Ánh cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải có các cơ quan tương tự như khu vực ngân hàng để xử lý việc xếp hàng rút trái phiếu trước hạn. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống pháp lý chặt chẽ, tạo cơ sở củng cố niềm tin và ứng phó với những rủi ro do hiệu ứng tâm lý đám đông mà các nhà đầu tư phải đối mặt trong quá trình đầu tư.
Trong cuộc phỏng vấn báo chí mới đây, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát lại các cơ chế, chính sách liên quan thị trường chứng khoán nói chung và thị trường TPDN nói riêng, hướng tới sự phát triển lành mạnh công khai, minh bạch cho các thị trường này. “Thị trường TPDN vẫn rất tiềm năng và cần tạo điều kiện để phát triển an toàn, minh bạch, bền vững. Do vậy, việc lấy lại niềm tin cho thị trường cũng là trách nhiệm của nhiều cơ quan quản lý và các chủ thể tham gia thị trường” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh./.
Hiện dư nợ toàn thị trường TPDN chỉ khoảng 15% GDP; trong đó, riêng TPDN riêng lẻ là 1.204 triệu tỷ đồng, tương đương 12,8% GDP. Trong khi đó, theo Chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, dư nợ thị trường TPDN tối thiểu đạt 20% GDP và đến năm 2030 tối thiểu đạt 25% GDP.