Sửa biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi: Đảm bảo thực thi cam kết quốc tế và lợi ích cho doanh nghiệp

Pháp luật - Ngày đăng : 15:28, 17/11/2022

(BKTO) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan (Biểu thuế). Việc xây dựng Biểu thuế mới nhằm đảm bảo thực hiện tốt các cam kết quốc tế, tạo thuận lợi cho cơ quan hải quan, các cơ quan liên quan và người nộp thuế.
14(1).jpg
Việc ban hành Nghị định mới sẽ tạo ra nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Ảnh sưu tầm

Sửa đổi, bổ sung 3 nhóm nội dung lớn

Thực hiện Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, từ năm 2016 đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và 3 Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định này (Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP và Nghị định số 101/2021/NĐ-CP). Việc thực hiện các Nghị định về ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) cơ bản đã đạt mục tiêu, yêu cầu; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường xuất khẩu, hạn chế việc nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được; đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan hải quan và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Tuy nhiên, để thực hiện Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN 2022 (AHTN 2022) đã ban hành tháng 3/2022, tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định mới về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã hoàn thiện Dự thảo Nghị định của Chính phủ để thay thế cho 4 nghị định, gồm: Nghị định số 122/2016/NĐ-CP; Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP và Nghị định số 101/2021/NĐ-CP.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung 3 nhóm nội dung, gồm: Chuyển đổi Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; Danh mục hàng hóa và mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan để đảm bảo phù hợp với Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN 2022. Rà soát, hợp nhất các quy định liên quan đến Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung từ năm 2016 đến nay để thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan hải quan trong tổ chức thực hiện. Điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu, mức thuế suất thuế nhập khẩu của một số mặt hàng để khắc phục các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Đối với nhóm 1, sau khi chuyển đổi theo Danh mục AHTN 2022, số dòng thuế của Biểu thuế xuất khẩu đã tăng từ 1.423 dòng thuế lên 1.540 dòng thuế (tăng 117 dòng thuế so với Biểu thuế xuất khẩu hiện hành). Đối với nhóm 2, để tạo thuận lợi cho cơ quan hải quan cũng như người nộp thuế trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính đã rà soát, hợp nhất các quy định về việc áp dụng mức thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đang được quy định tại 4 văn bản. Đối với nhóm 3, Bộ Tài chính đã rà soát và xây dựng phương án giải quyết những vướng mắc về mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN như: Mặt hàng ống đồng, phân bón, xăng dầu...

Sớm ban hành Biểu thuế để doanh nghiệp được hưởng thuế suất giảm

TS. Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Trưởng Bộ môn Nghiệp vụ Hải quan, Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) - cho rằng, việc Bộ Tài chính liên tục sửa đổi, cập nhật các quy định liên quan đến Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan nhằm bám sát các cam kết quốc tế Việt Nam đã ký kết, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.

Dự thảo Nghị định đưa ra mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cụ thể với từng mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu được chi tiết theo mã HS 08 chữ số và mô tả của hàng hoá sẽ tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ quan hải quan trong việc thống nhất thực hiện khi làm thủ tục hải quan đối với các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa. Qua đó, góp phần gia tăng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu trong thời gian tới, từ đó giúp hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có nhiều cơ hội phát triển.

Ở khía cạnh khác, khi có biểu thuế ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, doanh nghiệp sẽ có thể tính toán được chính xác chi phí thuế với từng mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu cũng như những điều kiện cần đáp ứng để được hưởng mức thuế suất ưu đãi, từ đó giúp doanh nghiệp xây dựng được kế hoạch tài chính, kế hoạch dòng tiền, chiến lược kinh doanh cụ thể, chính xác và hạn chế tối đa rủi ro. Dự thảo Nghị định cũng sẽ góp phần khuyến khích sản xuất, tăng nguồn thu ngoại tệ đối với hàng hóa xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, tạo ra nhiều lợi thế cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu; hạn chế xuất khẩu khoáng sản tài nguyên chưa qua chế biến, giảm xuất khẩu hàng hóa gia công giá trị gia tăng thấp.

Từ góc độ quản lý nhà nước, việc ban hành Nghị định nói trên là thực hiện lộ trình Việt Nam ký kết các FTA cũng như các cam kết quốc tế, tạo ra lợi ích cho doanh nghiệp, bởi vì, theo xu hướng tự do hóa thương mại, các dòng thuế quan ngày càng giảm, nếu việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thay đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi muộn hơn so với lộ trình cắt giảm thuế quan sẽ làm cho doanh nghiệp thiệt thòi, không sớm được hưởng mức thuế suất giảm. Điều quan trọng nhất sau khi Nghị định được ban hành là cần có công cụ phần mềm đi kèm để các bên liên quan có thể dễ dàng tra cứu. Việc tra cứu thông tin dễ dàng, chính xác sẽ giúp các doanh nghiệp hạn chế nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện, đồng thời thực hiện đúng những điều kiện về ưu đãi thuế suất, nhanh chóng được hưởng lợi từ thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi; cơ quan hải quan khi thực hiện thủ tục hải quan cũng sẽ thuận lợi hơn trong công tác kiểm tra đối với những hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định./.

THÙY ANH