Tuân thủ nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp: Yêu cầu quan trọng đối với Kiểm toán viên nhà nước
Xã hội - Ngày đăng : 09:10, 11/04/2018
(BKTO) - Việc đối phó với các nguy cơ, cạm bẫy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán đòi hỏi Kiểm toán viên nhà nước (KTV) phải tuân thủ nghiêm các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp. Đây cũng chính là nội dung được thảo luận, làm rõ tại Tọa đàm “Nâng cao đạo đức KTV và kỹ năng đối phó với hành vi tiêu cực” do Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán phối hợp với Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (CĐ&KSCLKT) tổ chức cuối tháng 3 vừa qua.
Đạo đức nghề nghiệp cần được coi trọng hàng đầu
Thời gian qua, nhằm đề cao yếu tố đạo đức của KTV, KTNN đã ban hành Chuẩn mực kiểm toán nhà nước số 30 Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp; Quy định về Quy tắc ứng xử của KTV… Đây được coi là cơ sở để KTV rèn luyện ý thức cũng như nâng cao trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định về đạo đức công vụ gắn với đạo đức nghề nghiệp.
Vấn đề nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tác phong công vụ cũng được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đặc biệt coi trọng và nhiều lần quán triệt tới toàn Ngành: “Coi đạo đức là sống còn và đạo đức nghề nghiệp là số một”!
Theo Phó Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT Bùi Thanh Lâm, KTV phải chấp nhận và có nghĩa vụ tuân thủ triệt để các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp, gồm: liêm chính, độc lập và khách quan; trình độ, năng lực và kỹ năng chuyên môn; thận trọng nghề nghiệp và bảo mật thông tin. Bởi, việc tuân thủ và áp dụng những quy định về đạo đức đối với các KTV sẽ làm tăng uy tín và độ tin cậy của KTV và KTNN, quyết định đến sự phát triển của KTNN.
Để ứng phó với rủi ro, KTV cần phải có bản lĩnh và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. Ảnh: Thanh Tùng
Mặt khác, việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp sẽ giúp cho KTV tránh được những rủi ro trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán; trong đó, nổi lên là nguy cơ: tư lợi, nguy cơ về quan hệ ruột thịt, nguy cơ từ việc bị đe dọa, bị mua chuộc… Điều này sẽ dẫn đến các hành vi sai trái của KTV như: không đưa ra kết luận đầy đủ về sai phạm của đơn vị, cố tình che giấu bớt sai phạm lớn - đại diện KTNN khu vực I chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều tham luận còn chỉ rõ các nguy cơ KTV phải đối diện trong các lĩnh vực thực hiện kiểm toán, như: ngân sách địa phương và quản lý đất đai gắn với phát triển nhà, đô thị; đầu tư xây dựng; ngân sách Bộ, ngành… Các ý kiến cũng cho rằng, hoạt động kiểm toán mang tính nhạy cảm, KTV thường xuyên phải đối mặt với cám dỗ nên vấn đề đạo đức nghề nghiệp cũng như kỹ năng đối phó với hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm toán cần phải được coi trọng hàng đầu.
Tuân thủ nghiêm các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp
Tại Tọa đàm, các ý kiến đều thống nhất cho rằng, để nâng cao đạo đức nghề nghiệp KTV và đối phó với hành vi tiêu cực nảy sinh trong quá trình kiểm toán, KTNN cần hoàn thiện và áp dụng chính sách, văn bản hướng dẫn chuẩn mực và nghiệp vụ kiểm toán; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, ý thức cho KTV; đề cao vai trò gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị, Trưởng đoàn, Tổ trưởng Tổ kiểm toán trong việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức…
Từ cách làm của đơn vị, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Lê Minh Nam chia sẻ, để nâng cao việc tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của KTV và đối phó với hành vi tiêu cực, gian lận trong hoạt động kiểm toán, cần sự quyết tâm cao của toàn Ngành. Trong đó, công tác xây dựng văn hóa tổ chức, chấp hành quy định về đạo đức phải được coi trọng.
Trong khi đó, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ia Đào Văn Dũng đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm công khai, minh bạch các quy trình thực hiện kiểm toán và coi đây là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng nhằm hạn chế tiêu cực nảy sinh. Cùng với đó, vai trò tiên phong, gương mẫu của lãnh đạo đơn vị phải được đặt lên hàng đầu.
Với kinh nghiệm thực tiễn đúc rút từ hoạt động kiểm toán, TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III, khuyến nghị: Các KTV trẻ cần phải tự ý thức, cân nhắc và chịu trách nhiệm đối với các hành vi của bản thân. Chỉ khi đó, KTV mới có thể tuân thủ một cách tự thân và có hiệu quả nhất.
Còn theo Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT Ngô Minh Kiểm, một trong những giải pháp nhằm ngăn ngừa tiêu cực trong quá trình thực hiện kiểm toán mà Tổng Kiểm toán Nhà nước giao cho Vụ CĐ&KSCLKT là tăng cường các cuộc kiểm tra, đánh giá mang tính đột xuất việc tuân thủ chuẩn mực, quy trình, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ của các đơn vị kiểm toán, Đoàn, Tổ kiểm toán và các thành viên.
NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 14 ra ngày 05-4-2018