Lấy ý kiến về Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 11:06, 18/11/2022
Tham dự Hội thảo có đại diện Văn phòng Quốc hội; các Ủy ban: Tài chính - Ngân sách, Pháp luật, Tư pháp của Quốc hội; đại diện các Bộ, ngành, cơ quan trung ương: Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; đại diện các địa phương: TP. Hải Phòng, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Vĩnh Phúc và đại diện Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam.
Về phía KTNN, tham dự Hội thảo có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh; các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Pháp lệnh; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN cùng các nhà khoa học...
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, trải qua hơn 28 năm xây dựng và phát triển, KTNN đã có những đóng góp nhất định với sự phát triển đất nước. Để định hướng phát triển KTNN trong thời gian tới, năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số số 999/NQ-UBTVQH14 về Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh ba trụ cột phát triển của KTNN trong thời gian tới là: khuôn khổ pháp lý, xây dựng đội ngũ và ứng dụng công nghệ thông tin.
Chiến lược đã khẳng định, khuôn khổ pháp lý của KTNN cần được tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu phát triển, xứng đáng với vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của KTNN, là công cụ hữu hiệu giúp nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công.
Nhấn mạnh căn cứ pháp lý để xây dựng Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước nêu rõ, khoản 1 Điều 10 Luật Xử phạt vi phạm hành chính đã quy định về mức phạt tối đa, trong đó có thẩm quyền của KTNN; khoản 24 Điều 1 cũng quy định mức phạt, khung phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Về căn cứ thực tiễn, Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ rõ, trong thực tiễn hoạt động kiểm toán, do chưa có chế tài đối với các đối tượng được kiểm toán, đặc biệt trong việc phối hợp cung cấp thông tin, cung cấp báo cáo cũng như chấp hành kết luận, kiến nghị kiểm toán nên đã ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo kiểm toán.
Ngoài ra, về kinh nghiệm quốc tế, các cơ quan kiểm toán tối cao đều ghi nhận 8 nguyên tắc cốt lõi trong Tuyên bố chung Lima và các quyết định tại Đại hội các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) lần thứ XVII tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc). Trong đó, tại Nguyên tắc thứ 3 có quy định về tính độc lập của cơ quan kiểm toán tối cao và khẳng định, để đảm bảo tính độc lập thì cơ quan kiểm toán tối cao có quyền được áp dụng các hình phạt để đảm bảo các kiến nghị, kết luận của mình được thực thi.
Từ những căn cứ trên, tại Nghị quyết số 443/NQ-UBTVQH15 về Chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho KTNN phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.
Trong khuôn khổ Hội thảo, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị các đại biểu, các chuyên gia đóng góp trực tiếp vào các nội dung của Dự án Pháp lệnh. Trong đó, tham gia ý kiến cụ thể về việc xác định hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; xác định nghĩa vụ pháp lý của các đối tượng, đơn vị, cá nhân được kiểm toán; các hành vi vi phạm điều cấm trong Luật Kiểm toán nhà nước, vi phạm trách nhiệm của các đối tượng được kiểm toán; quy trình xử phạt, mức phạt, hành vi và các nội dung khác…
“Ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để KTNN sớm hoàn thiện Dự án Pháp lệnh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua” - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.
Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục cập nhật tới độc giả những thông tin về Hội thảo…