“Đánh thức” Tây Nguyên bằng cao tốc kết nối

Chính trị - Ngày đăng : 23:12, 23/11/2022

(BKTO) - Tây Nguyên hiện mới chỉ có 19 km đường cao tốc, chưa có tuyến cao tốc kết nối nhanh với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay. Bởi vậy, việc đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên sẽ góp phần từng bước tạo lập cơ cấu vận tải hợp lý, hiệu quả, tạo tiền đề đánh thức tiềm năng và lợi thế vốn có của vùng.

gt-tay-nguyen.jpg
Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên
khoảng 156.000 tỷ đồng. Ảnh sưu tầm

Tây Nguyên mới chỉ có 19 km đường cao tốc

Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 23) và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề "Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững" ở Lâm Đồng mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn cho biết: Do đặc điểm về địa hình nên hệ thống giao thông kết nối vùng Tây Nguyên với các vùng lân cận, như: Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ... không thể phát triển giao thông đường thủy, hạn chế trong việc phát triển đường sắt, chỉ có hàng không và đường bộ là phương thức vận tải phù hợp.

Hiện nay, về giao thông đường bộ, Tây Nguyên có hệ thống đường giao thông liên vùng tương đối phát triển với hơn 3.100 km đường quốc lộ (QL) nối liền với các tỉnh duyên hải miền Trung, các cảng biển, Đông Nam Bộ thông các trục dọc: QL14, QL14C, đường Trường Sơn Đông, các trục ngang: QL19, QL20, QL24, QL25, QL26, QL27, QL28, QL28B, QL29 và thông thương với Đông Bắc Campuchia và Nam Lào qua tuyến QL18B, QL78.

Giai đoạn vừa qua, được Đảng và Chính phủ quan tâm đầu tư với khoảng 95.655 tỷ đồng, hệ thống giao thông vùng Tây Nguyên đã được cải thiện đáng kể, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại. 

Đơn cử, việc nâng cấp, khai thác tốt các tuyến đường trục và đường ngang xuống các tỉnh ven biển miền Trung, các tuyến đường sang Lào và Campuchia. Về quy hoạch, hệ thống kết nối nội vùng và kết nối liên vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ đã được hoạch định.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, mặc dù đã được quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp nhưng do tốc độ khai thác thấp (từ 40-50 km/h), hệ thống giao thông mới chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải thông thường, chưa có tuyến cao tốc kết nối nhanh với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay.

“Duy nhất chỉ có tuyến cao tốc nội vùng Liên Khương - Prenn khai thác từ năm 2008 với chiều dài 19 km. Do vậy, vùng chưa có hệ thống giao thông kết nối đóng vai trò tiền đề, động lực để khai thác đặc điểm, tiềm năng, lợi thế vốn có nhằm nâng cao đời sống người dân” - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đầu tư nhiều tuyến cao tốc kết nối vùng

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên khoảng 156.000 tỷ đồng và kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng chia làm 2 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, tổng vốn bố trí để triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc có tính chất liên vùng (cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương,..) với kinh phí khoảng 28.038 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước (NSNN); kêu gọi vốn ngoài NSNN khoảng 9.220 tỷ đồng.

Giai đoạn 2026-2030, nguồn vốn NSNN bố trí để triển khai các dự án cao tốc đã hoạch định trong quy hoạch có tính liên kết vùng (cao tốc Bắc Nam phía Tây các đoạn: Gia Nghĩa - Chơn Thành, Chơn Thành - Đức Hòa...) với tổng nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu khoảng 89.165 tỷ đồng.

Bộ GTVT xác định, việc triển khai các tuyến đường bộ cao tốc theo quy hoạch nhằm kết nối vùng Tây Nguyên gắn với các vùng lân cận và cảng biển sân bay, đáp ứng mục tiêu Nghị quyết 23 là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Để hiện thực hóa kế hoạch này, theo lãnh đạo Bộ GTVT, phải đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng.

Đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng trong quản lý, đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, tăng năng lực cạnh tranh. Đồng thời, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, phải huy động, phân bổ nguồn vốn NSNN đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các công trình động lực, có tính lan tỏa, kết nối giữa các phương thức, đặc biệt là các tuyến cao tốc trong quy hoạch.

Cùng với đó, cần khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng được đầu tư bằng nguồn vốn NSNN thông qua hình thức nhượng quyền khai thác. Các dự án đường bộ cao tốc do có tổng mức đầu tư lớn khó hấp dẫn để kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP, do vậy, cần ưu tiên nguồn lực đầu tư công cho các dự án này.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược, đặc biệt quan trọng; có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, song chưa phát triển tương xứng. Vì vậy, phải phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, để kết nối vùng, tạo không gian phát triển mới và phát triển hạ tầng y tế, giáo dục.

“Giao thông phải kết nối, góp phần phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây, hành lang kinh tế Bắc - Nam, dựa vào các trục giao thông chính: Đường sắt, đường bộ, cao tốc Bắc - Nam. Đến năm 2030, phấn đấu nâng cấp, hoàn thành một số hạ tầng giao thông quan trọng, như: Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương; các cảng hàng không: Liên Khương, Pleiku, Buôn Ma Thuột…” - Thủ tướng nhấn mạnh./.

Ngày 15/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị. Theo đó, Chương trình hành động đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Tây Nguyên có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7-7,5%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 37,2-40,7%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt khoảng 6,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1-1,5%/năm...

LÊ HÒA