Hải Dương phát huy tiềm năng phát triển công nghiệp

Chính trị - Ngày đăng : 16:34, 24/11/2022

(BKTO) - Với lợi thế vị trí địa lý chiến lược, trong những năm qua, Hải Dương luôn chú trọng việc phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, thu hút đầu tư, tái cơ cấu và xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; coi đây là các yếu tố đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.
khu-cong-nghiep-dai-an.jpg
Toàn cảnh khu công nghiệp Đại An -  tỉnh Hải Dương      Nguồn: sưu tầm

Điểm sáng phát triển công nghiệp

Hải Dương có vị trí quan trọng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và kề sát vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ. Đây là nơi có lợi thế vô cùng lớn trong việc giao lưu, trao đổi thương mại với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh lân cận như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên.

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương đã tập trung khai thác mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị sản xuất; nỗ lực đẩy mạnh thu hút đầu tư, tái cơ cấu và xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; coi đây là các yếu tố đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

Giai đoạn 2011-2015, kinh tế tỉnh Hải Dương ước tính đạt tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,2%/năm (giá so sánh năm 2010) cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước (5,9%/năm).

Ngành công nghiệp luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao so với các ngành kinh tế khác, góp phần đẩy mạnh tốc độ trưởng kinh tế của tỉnh. Trong giai đoạn 2011 - 2015, ngành công nghiệp tăng 14,1%/năm, cao hơn tăng trưởng ngành thương mại dịch vụ (7%/năm), và cao hơn nhiều ngành nông - lâm - thủy sản (3,6%/năm).  

Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng  công nghiệp về giá trị gia tăng đạt 10,9%/năm và tăng trưởng giá trị sản xuất đạt khoảng 13,1%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (theo giá so sánh năm 2010) năm 2020 ước đạt khoảng 225 nghìn tỷ đồng và đóng góp khoảng 50,5% trong cơ cấu GRDP của tỉnh.

Theo số liệu của Cục Thống kê Hải Dương, trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 11,8%, đứng thứ 2 trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và chiếm vị trí thứ 6 của cả nước. Trong đó, ngành công nghiệp vẫn là điểm sáng khi có tốc độ tăng trưởng lên đến 17,9%, tiếp đến là xây dựng với 16,5%, dịch vụ là 8,1%, còn nông lâm nghiệp và thủy sản là 3,1%. Từ số liệu trên cho thấy, công nghiệp và xây dựng đã đóng góp lớn nhất cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh với 34,4%.

Số liệu mới nhất cũng cho thấy xu hướng đó. Báo cáo kinh tế xã hội 10 tháng đầu năm 2022 của UBND tỉnh Hải Dương cho thấy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là điểm sáng, là đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng công nghiệp của toàn tỉnh. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 ước tính bằng 108,2% so với cùng kỳ năm trước (bằng 100,7% so với tháng trước); trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% (tăng 0,4% so với tháng trước); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng... giảm 2,5% (tăng 4% so với tháng trước). Tính chung 10 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp bằng 112,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng toàn ngành với mức tăng 13,7%.

Mục tiêu lớn trong tương lai

haduongcnht1.jpg
Hải Dương đặt mục tiêu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại     Nguồn: Sưu tầm

Theo báo cáo xúc tiến đầu tư của Công ty Bất động sản toàn cầu - Cushman & Wakefield, Hải Dương được xem là tỉnh có tiềm lực và dư địa phát triển kinh tế lớn.

Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield  nhận định: Với lợi thế vị trí chiến lược, thị trường bất động sản (BĐS) miền Bắc có thể được xem là cánh tay nối dài của “công xưởng thế giới”. Vì thế, không khó để thấy lý do vì sao Cushman & Wakefield ghi nhận rất nhiều yêu cầu từ các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường này. Đáng kể, thời gian gần đây, khi nhu cầu công nghiệp đang tăng trưởng mạnh, các “ông lớn” trong và ngoài nước liên tục tìm kiếm và sẵn sàng rót hàng tỷ USD đầu tư vào phân khúc thị trường công nghiêp nơi đây.

Nằm tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tiếp giáp vành đai kinh tế, với lượng dân số chỉ đứng sau Hà Nội và Hải Phòng, tỉnh Hải Dương được đánh giá là đảm bảo nguồn nhân lực cho các dự án đầu tư đang hoạt động. Năm 2021, tăng trưởng kinh tế Hải Dương vẫn ghi nhận ở mức cao khi vượt lên vị trí thứ 8 cả nước. Thành quả đạt được chính là nhờ tiềm năng sẵn có cùng chủ trương đúng đắn, sáng tạo, môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của tỉnh không ngừng được cải thiện.

Trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp với quy mô đồng bộ, hiện đại đã giúp tỉnh kết nối với những địa phương lân cận, tạo nền tảng để phát triển kinh tế vùng. Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh cũng liên tục tăng bậc, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ và hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Theo thống kê sơ bộ từ Dự thảo Quy hoạch các tỉnh thành thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hưng Yên, Hải Dương và Thái Bình là ba địa phương có tổng diện tích quỹ đất phát triển công nghiệp lớn nhất trong số các tỉnh thành thuộc vùng đồng bằng sông Hồng (không tính Hà Nội) với quy mô từ 11.000 đến hơn 15.000 ha.

Theo quy hoạch của tỉnh, không gian công nghiệp được chia làm ba vùng: Vùng công nghiệp động lực tại các huyện Bình Giang, Thanh Miện; vùng công nghiệp hỗ trợ tại TP Hải Dương, Gia Lộc, Cẩm Giàng và một phần huyện Ninh Giang; vùng công nghiệp nặng, chế biến nông lâm thuỷ sản và năng lượng sạch với công nghiệp công nghệ cao làm trụ cột tại TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ và một phần huyện Ninh Giang.

Trong giai đoạn 2021-2030, Hải Dương tiếp tục triển khai thực hiện 21 KCN, 03 KCN mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phát triển, hình thành thêm 21 KCN, nâng tổng KCN lên thành 45 KCN với tổng quy mô diện tích khoảng 12.000 ha.

Với những ưu thế nổi bật này, không khó hiểu khi Hải Dương đặt ra mục tiêu đầy tham vọng, phấn đấu đến năm 2025, Hải Dương là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, có hạ tầng kinh tế xã hội khá đồng bộ. Đến năm 2030, phát triển tỉnh Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế trong “top 10” của cả nước; đứng thứ tư và là một trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng.

Nam Sơn