Chung tay bảo vệ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi số an toàn

Kinh tế - Ngày đăng : 07:48, 25/11/2022

(BKTO) - Ngày 24/11, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đã tổ chức Hội thảo và Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022” với chủ đề “Chung tay bảo vệ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi số an toàn”.
ttdung24.jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Bộ TT&TT.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Thành Hưng - Chủ tịch VNISA - cho biết, kết quả từ khảo sát 135 tổ chức và doanh nghiệp (DN) Việt Nam về công tác đảm bảo an toàn thông tin do VNISA trong năm 2022 cho thấy, cứ 4 tổ chức, DN thì 1 đã từng gặp tình trạng bị gián đoạn hệ thống, dịch vụ bị tấn công mạng.

Cũng theo kết quả khảo sát, 76% tổ chức, DN chưa đủ nhân lực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu hiện tại. 87% tổ chức, DN lo ngại về yếu tố con người, 58% đơn vị lo ngại về yếu tố công nghệ và 47% lo sợ về lỗ hổng quy trình. Đặc biệt, 68% tổ chức, DN chưa đủ kinh phí đầu tư cho an toàn thông tin để đáp ứng yêu cầu hằng năm.

Để thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chủ tịch VNISA nhấn mạnh: "Vấn đề đảm bảo an toàn thông tin là điều kiện tiên quyết, không thể tách rời, đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan, DN và đòi hỏi cộng đồng an toàn thông tin phải cùng chung tay đề ra các giải pháp thực hiện".

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, chuyển đổi số là đưa các hoạt động lên môi trường số, đồng nghĩa với việc phải bảo vệ hơn 3.000 hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước, hoạt động trên không gian mạng của 100 triệu người dân, gần 1 triệu DN, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 26 triệu hộ gia đình, 14.000 cơ sở y tế, 44.000 trường học...

Vì vậy, việc bảo đảm an toàn không gian mạng và an toàn cho các tổ chức, người dân trên không gian mạng là trách nhiệm của tất cả bộ, ngành, địa phương theo nguyên tắc là "thực sao - ảo vậy" - nghĩa là cơ quan quản lý lĩnh vực nào trong đời thực thì cũng có trách nhiệm quản lý nội dung đó trên không gian mạng.

Số liệu thống kê của Bộ TT&TT cho thấy, trung bình năm 2021, mỗi người dân Việt Nam dành khoảng 7 tiếng mỗi ngày để trực tuyến trên internet. Tuy nhiên, nhận thức và kỹ năng an toàn thông tin của người dân còn hạn chế. Vì vậy, tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân và người dân bị lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng thời gian qua là vấn đề nhức nhối.

Trong 2 năm (2019 và 2020), việc mua bán trái phép trên thị trường chợ đen lên tới gần 1.300 GB dữ liệu, chứa hàng tỷ thông tin về các cá nhân của nhiều tổ chức, DN, người dân trên cả nước.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết thêm, 10 tháng đầu năm 2022, các đơn vị của Bộ TT&TT đã chặn 2.063 website vi phạm, trong đó có 1.255 website lừa đảo. Bảo vệ 3,8 triệu người dân (gần 6% người dùng internet) trước các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Bộ TT&TT sẽ xây dựng Cơ sở dữ liệu chống lừa đảo lực tuyến quốc gia để các tổ chức, cá nhân có thể truy vấn, khai thác, đóng góp dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến kịp thời; cung cấp các công cụ tự kiểm tra và bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng.

Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ ưu tiên thúc đẩy phát triển các ý tưởng, giải pháp an toàn thông tin mạng sáng tạo xuất sắc, phục vụ lợi ích quốc gia và bảo vệ người dân trên không gian mạng.

ky-24m.jpg
Các đơn vị tham gia Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng. Ảnh: TTXVN

Trong khuôn khổ sự kiện, Lễ ký kết thành lập Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng đã diễn ra. 8 DN công nghệ Việt tham gia sáng lập Liên minh, gồm: Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, BKAV, VNG, Tiktok và Cốc Cốc.

Bên lề các phiên Hội thảo chính còn có hoạt động Triển lãm An toàn thông tin, trao Bằng khen cho sinh viên đạt giải trong Cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2022, các hội thảo chuyên đề về Xây dựng môi trường mạng an toàn cho tổ chức, DN; Bảo vệ dữ liệu - yếu tố quan trọng tạo dựng niềm tin cho quá trình chuyển đổi số; Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng./.

THÙY ANH