Công bố Top 10 Công ty dược uy tín năm 2022
Kinh tế - Ngày đăng : 07:51, 25/11/2022
Theo phân tích của các chuyên gia, thế giới đang dần chuyển sang một chu kỳ kinh tế mới. Trong giai đoạn giao thời với nhiều biến động, cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn chồng chất do ảnh hưởng từ đại dịch cho tới cuộc xung đột Nga - Ukraine, giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh…
Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm diễn ra làn sóng đổi mới mạnh mẽ chưa từng có trong hoạt động của hầu hết các lĩnh vực kinh tế, trong đó có ngành chăm sóc sức khỏe nói chung và ngành dược nói riêng, từ phương thức điều trị mới, máy móc thông minh, cho tới phân tích tiên tiến và kết nối kỹ thuật số.
Các doanh nghiệp trong ngành đã và đang nhanh chóng bắt kịp với xu hướng thị trường, liên tục cải tiến để cung cấp sản phẩm, dịch vụ đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của toàn xã hội, dần tạo dựng được diện mạo mới cho ngành dược trong tương lai.
Thị trường ngành chăm sóc sức khỏe nói chung và ngành dược phẩm Việt Nam nói riêng đang phát triển nhanh chóng. Nỗ lực của Chính phủ nhằm làm cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe dễ tiếp cận hơn với giá cả phải chăng là một trong những động lực mạnh mẽ để phát triển ngành.
Thêm vào đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Nhận thức của người tiêu dùng đối với chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và thu nhập của người dân cao hơn, khiến chi tiêu cho hoạt động chăm sóc sức khỏe nói chung và tiêu thụ dược phẩm bình quân đầu người nói riêng cao hơn.
Thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đạt giá trị 16,2 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 6% GDP. Tổng chi tiêu cho y tế tăng từ 16,1 tỷ USD vào năm 2017 lên hơn 20 tỷ USD năm 2021, dự kiến đạt 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) bình quân giai đoạn 2020-2030 là 7,6%. Chi tiêu cho dược phẩm cũng tăng đến hơn 6,6 tỷ USD trong năm 2021.