Khai thác hiệu quả thị trường nội địa để thúc đẩy sự phục hồi du lịch
Xã hội - Ngày đăng : 16:37, 29/11/2022
Giúp giảm bớt khó khăn của ngành du lịch
Trong bối cảnh ngành du lịch đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch, sự tăng trưởng nhanh về lượng khách trong nước thời gian qua tiếp tục chứng minh du lịch nội địa vẫn là điểm tựa chính cho toàn ngành du lịch.
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), khi dịch bệnh được kiểm soát và kinh tế dần mở cửa, trong lúc lượng khách quốc tế đến nước ta vẫn rất thấp, thì sự khởi sắc tích cực của du lịch nội địa đã phần nào khỏa lấp những khó khăn, ảnh hưởng do đại dịch mang lại, thắp lên hi vọng phục hồi du lịch.
10 tháng đầu năm, toàn ngành đã phục vụ 91,8 triệu lượt khách trong nước, vượt xa so với kế hoạch năm 2022 và thậm chí vượt nhiều so với tổng lượng khách nội địa của cả năm 2019 - thời điểm chưa diễn ra đại dịch. Chỉ tính riêng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 10 tháng năm 2022 ước đạt 467.100 tỷ đồng, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, phần lớn nguồn thu này đến từ khách nội địa.
Tổng cục Du lịch
Nhiều chuyên gia cho rằng, đại dịch Covid-19 đã kéo ngành du lịch trở về vạch xuất phát, nhưng cũng mang đến cơ hội để tái cơ cấu thị trường, làm chuyển biến nhận thức về du lịch nội địa, coi đây như bộ phận không tách rời và có vai trò quan trọng ngang bằng với du lịch quốc tế.
Đánh giá chung về thị trường khách du lịch nội địa, ThS. Nguyễn Thị Lan Hương (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch) cho biết, đây là thị trường có khả năng chống chịu và thích ứng, phục hồi nhanh, với mức độ tăng trưởng khá ổn định. Điều này được thể hiện rõ qua từng con số thống kê vừa qua, bất chấp những khó khăn do đại dịch. Theo bà Hương, chỉ tính riêng giai đoạn trước khi đại dịch xảy ra (giai đoạn 2011-2019), lượng khách nội địa tăng từ 30 triệu lượt lên 85 triệu lượt (gấp 2,8 lần), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 15%/năm.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định, hiện nay, trong khi thị trường du lịch quốc tế chưa ổn định sau đại dịch thì các doanh nghiệp cần tận dụng tốt thị trường nội địa để phục hồi. Nêu điều này, ông Bình cũng cho rằng, du lịch cần có sự thay đổi trong cách thức tiếp cận, khi trước đây quá phụ thuộc vào nguồn thu từ khách quốc tế trong khi thị trường khách nội địa khổng lồ vẫn chưa được quan tâm khai thác tương xứng với tiềm năng.
Còn nhiều thách thức
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trong việc phát triển thị trường nội địa, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần thúc đẩy việc chi tiêu của nhóm du khách này, cũng như giải quyết những thách thức đặt ra để phát triển thị trường du lịch nội địa một cách bền vững, có đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế.
Theo đại diện nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, mặc dù đã có sự tăng trưởng về mức chi tiêu, song nhìn chung, khách nội địa chi tiêu cho toàn chuyến vẫn ở mức trung bình. Khi đặt mua sản phẩm du lịch, họ quan tâm nhiều đến chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi trực tiếp vào giá.
Nêu dẫn chứng về vấn đề này, ThS. Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, chi tiêu trung bình của khách du lịch nội địa mới chỉ đạt chưa đầy 1,5 triệu đồng/ngày, mức rất thấp so với du khách quốc tế và thị trường du lịch nội địa trong khu vực. Điều này cho thấy vẫn còn rất nhiều tiềm năng trong thu hút chi tiêu từ du khách nội địa mà các DN cần phải tập trung khai thác hiệu quả hơn nữa.
Bên cạnh vấn đề chi tiêu thấp, du lịch nội địa đang phải đối mặt nhiều thách thức như: ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế, đặc biệt là sự cạnh tranh từ các thị trường du lịch trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, Singapore…
Trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát tốt trên toàn cầu, nhiều thị trường du lịch đưa ra hàng loạt ưu đãi khiến du khách nội địa có xu hướng lựa chọn du lịch ở nước ngoài, với mức phí chênh lệch không quá nhiều so với các điểm du lịch trong nước. Vì thế, để thu hút và níu chân du khách nội địa, nhất là bộ phận khách có mức chi tiêu cao, không cách nào khác phải bằng mọi cách đổi mới sáng tạo để đáp ứng nhu cầu du khách trong nước.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, trước sự phục hồi nhanh chóng của thị trường khách du lịch nội địa, việc định hướng khai thác hiệu quả thị trường khách này chính là yêu cầu quan trọng góp phần khôi phục ngành du lịch Việt Nam sau những ảnh hưởng của đại dịch.
Theo đó, để giải quyết các thách thức của thị trường hiện nay, doanh nghiệp lữ hành cần tập trung xây dựng các nhóm sản phẩm có điểm nhấn, phù hợp từng nhóm đối tượng khách hàng khác nhau.
Bên cạnh đó, cần tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch; tăng cường liên kết giữa các địa phương và với doanh nghiệp nhằm xây dựng sản phẩm mới, phát huy lợi thế của từng địa phương để mở rộng thị trường khách nội địa; nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá, đặc biệt qua các kênh truyền thông số để thích ứng tốt, phù hợp với bối cảnh và tâm lý khách hàng.
Về phía doanh nghiệp, đại diện một doanh nghiệp lữ hành có trụ sở tại Hà Nội cũng cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của thị trường du lịch nội địa vừa là thuận lợi, nhưng cũng đặt ra thách thức đối với doanh nghiệp trong việc đổi mới sản phẩm và nhân lực. Theo đó, doanh nghiệp cần phải thay đổi cách thức quản trị, với việc gia tăng ứng dụng công nghệ vào hoạt động, kết nối điểm đến; tổ chức bán tour theo combo, theo nhóm nhỏ trực tiếp… Để hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ công tác đào tạo nhân lực ngành du lịch cũng như kéo dài các chính sách ưu đãi về thuế, phí…