Dự án Đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông: Kỳ I - Nhiều thiết sót trong thẩm định và phê duyệt Dự án

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:15, 16/04/2018

(BKTO) - Qua kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Dự án Đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông đi qua các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương và TP.HCM, KTNN xác nhận tầm quan trọng của Dự án trong việc tăng cường phụ tải, đảm bảo an ninh năng lượng điện cho khu vực miền Nam, nhưng cũng chỉ ra rằng công tác thẩm định, phê duyệt Dự án còn nhiều thiếu sót.


Phải bổ sung Dự án vàoTổng sơ đồ điện VI

Trong khuôn khổ cuộc kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Dự án Đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, KTNN đã tiến hành kiểm toán tại Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia - đơn vị được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao làm Chủ đầu tư Dự án và Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Trung - đại diện Chủ đầu tư. Giá trị chi phí đầu tư thực hiện của Dự án được kiểm toán gần 4.042 tỷ đồng - đạt tỷ lệ 84% so với giá trị chi phí đầu tư thực hiện (xấp xỉ 4.838 tỷ đồng).

Qua kiểm toán, KTNN xác nhận giá trị đầu tư thực hiện Dự án là 3.548,2 tỷ đồng. Nguyên nhân bởi Báo cáo nguồn vốn và chi phí đầu tư thực hiện Dự án đến 31/12/2014 do Ban Quản lý Dự án lập còn một số thiếu sót nên KTNN đã đề nghị quyết toán giảm gần 493,7 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng giảm 233,3 tỷ đồng; chi phí thiết bị giảm 253,1 tỷ đồng; chi phí khác giảm 7,2 tỷ đồng.
Dự án Đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông được phê duyệt theo chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1363/VPCP-KTN ngày 07/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu tăng trưởng phụ tải khu vực miền Nam giai đoạn 2014-2015. Ngoài ra, Dự án còn tạo tiền đề cho việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam và liên kết lưới điện 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, đồng thời, góp phần tăng cường liên kết lưới điện truyền tải cấp 500kV, đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn trong trường hợp cần có sự trao đổi điện năng ở mức độ cao giữa các vùng, miền trên cả nước.

Tuy nhiên, khi đánh giá về sự phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống truyền tải điện đã được Chính phủ phê duyệt, KTNN thấy rằng, Dự án không có trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025 (Tổng sơ đồ điện VI) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007. Do vậy, EVN đã phải chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và Ban Quản lý Dự án lập báo cáo về sự cần thiết đầu tư để bổ sung Dự án vào Quy hoạch. Theo đó, ngày 30/01/2011, Bộ Công Thương đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung danh mục Dự án vào Tổng sơ đồ điện VI, cập nhật vào Tổng sơ đồ điện VII và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Dự án lớn nhưng không có trong quy hoạch ban đầu

Từ thực tế trên, KTNN cho rằng, việc lập Quy hoạch điện VI của ngành điện trình lên Chính phủ phê duyệt là chưa chính xác và đầy đủ. Do vậy, khi có những yêu cầu cấp bách đặt ra (như tăng cường an toàn cấp điện cho miền Nam giai đoạn sau năm 2013, tăng cường nhập khẩu điện từ Lào và Campuchia về Việt Nam, giảm sức ép về bố trí vốn đầu tư các nguồn điện và than nhập cho các nhà máy nhiệt điện miền Trung, miền Nam) EVN đã phải xin phép bổ sung Dự án. Đó là chưa kể tới những chi phí phát sinh khi Dự án không có trong quy hoạch điện VI.

Khái quát về tình hình Dự án, Đoàn kiểm toán của KTNN cho biết, quy mô Dự án là công trình năng lượng cấp đặc biệt thuộc nhóm A. Hạng mục quan trọng nhất của Dự án là xây dựng mới đường dây 500kV mạch kép dài khoảng 437,5km từ trạm biến áp 500kV Pleiku đến trạm biến áp 500kV Cầu Bông. Bên cạnh đó là hạng mục xây dựng đoạn đường dây 500kV mạch kép dài 7,51km thay thế đường dây 500kV Tân Định - Phú Lâm hiện có. Ngoài ra, Dự án còn thực hiện mở rộng diện tích các trạm Pleiku và Cầu Bông, lắp thiết bị cho một ngăn xuất tuyến 500kV tại mỗi trạm và có dự phòng vị trí để lắp thiết bị cho ngăn xuất tuyến 500kV tiếp theo; xây dựng mới 2 trạm lặp quang đồng bộ với tuyến cáp quang trên đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông và hơn 1.000m đường dây 22kV, cùng 2 trạm biến áp cấp cho 2 trạm lặp quang Buôn Đôn và Bù Đăng.

Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định và phê duyệt Dự án, Chủ đầu tư đã không đánh giá cụ thể tiến độ hoàn thành việc xây dựng các dự án nguồn điện ở Lào để xác định rõ thời gian cần thiết nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam và liên kết lưới điện ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, chỉ xác định chung chung là sau năm 2015. Chủ đầu tư cũng không xác định thời gian lắp đặt các tụ bù và sử dụng cả 2 mạch đã đầu tư dẫn đến tình trạng không đầu tư 2 tụ bù (trị giá 351 tỷ đồng) và 1 mạch đã thi công nhưng chưa được đưa vào sử dụng (tính đến thời điểm kiểm toán cuối tháng 5/2015). Thực tế này dẫn đến việc Chủ đầu tư phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, làm thay đổi giá trị lớn giữa tổng mức đầu tư và tổng dự toán của Dự án.

KTNN cũng nhấn mạnh rằng, lãi vay của Dự án trong thời gian xây dựng được tính toán chưa hợp lý. Lãi vay dự kiến trong Dự án được xác định trên cơ sở cơ cấu vay 85% vốn trong nước với lãi suất 16% và 15% vốn tự có, nhưng thực tế Dự án có sử dụng cả nguồn vay nước ngoài. Đơn vị tư vấn chưa xây dựng được cơ cấu, tỷ lệ nguồn vốn đầu tư để có phương án tính lãi vay cho phù hợp với quy mô đầu tư của Dự án. Tại thời điểm lập tổng mức đầu tư, Chủ đầu tư cũng chưa thỏa thuận được nguồn vốn vay cho Dự án.
         
Gần 82 tỷ đồng là chi phí phát sinh khi ban đầu Dự án Đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông không có trong Tổng sơ đồ điện VI, nhưng sau được bổ sung vào Quy hoạch nên phải lập Báo cáo về sự cần thiết phải đầu tư Dự án (chi phí 815,7 triệu đồng) và chi phí tháo dỡ các đoạn đường dây hiện có, mở rộng các trạm 500kV, xây dựng mới các trạm lặp quang (gần 81 tỷ đồng).

QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 15 ra ngày 12-4-2018