Nan giải “cuộc chiến” chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại

Kinh tế - Ngày đăng : 15:38, 30/11/2022

(BKTO) - Theo các chuyên gia, hiện nay, tình trạng hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại đang có xu hướng diễn ra phức tạp cả về quy mô lẫn tính chất, cho thấy đây là “cuộc chiến” còn rất nan giải và vẫn chưa có “hồi kết”.

Vấn nạn hàng lậu, hàng giả gây nhiều hệ lụy tiêu cực

Chia sẻ tại Tọa đàm “Chống buôn lậu và gian lận thương mại: Công tác phối hợp và chế tài xử phạt”, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, những năm gần đây, với sự phát triển nhanh của nền kinh tế, các ngành sản xuất trong nước liên tục phát triển, hàng hóa đa đạng, chất lượng sản phẩm ngày một nâng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đồng thời, với xu thế hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã, đang trở thành điểm đến, thị trường hấp dẫn của nhiều thương hiệu, sản phẩm trên thế giới.

20221129_143748.jpg
Tọa đàm “Chống buôn lậu và gian lận thương mại: Công tác phối hợp và chế tài xử phạt”, do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, VCCI tổ chức vào chiều 29/11. Ảnh: D.THIỆN

Tuy nhiên, theo ông Vinh, bên cạnh sự phát triển đa dạng của thị trường sản phẩm, hàng hóa, Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại diễn ra hết sức phức tạp với quy mô của các vụ việc ngày càng lớn và hình thức, phương pháp ngày một tinh vi. Thực trạng này đang ảnh hưởng không nhỏ đến các ngành sản xuất trong nước, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính; đồng thời gây thất thu ngân sách và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, thậm chí còn có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

Chia sẻ thêm về vấn nạn này, ông Nguyễn Văn Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính - cho biết, trong 10 tháng năm 2022, Cục Điều tra chống buôn lậu đã bắt và xử lý khoảng 14.700 vụ vi phạm, với tổng trị giá hơn 5.100 tỷ đồng, xử phạt và nộp ngân sách nhà nước 334 tỷ đồng, khởi tố 36 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 112 vụ. Những con số trên cho thấy tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng giả ở trong nước vẫn diễn ra rất phức tạp.

Về phương thức, theo ông Hoàn, thời gian gần đây, nhiều đối tượng đã lợi dụng các chính sách ưu đãi, thông thoáng của Chính phủ, nhất là trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19 để đưa hàng lậu đi sâu, len lỏi vào thị trường trong nước với nhiều thủ đoạn mới.

Bên cạnh đó, cũng có tình trạng các đối tượng thực hiện nhập hàng gia công, thay thế nhãn mác, làm giả xuất xứ rồi tiêu thụ tại nội địa, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, thương hiệu sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đồng thời, gây thiệt hại lớn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản do bị hàng giả, hàng lậu chiếm mất thị phần trên thị trường.

Chia sẻ thực tế từ góc độ doanh nghiệp, ông Dương Đức Duy - Trưởng Ban quản lý dự án Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông - cho biết, công ty có 2 dòng sản phẩm chủ lực là bóng đèn và phích nước, trong đó, các sản phẩm bóng đèn LED của công ty hiện nay đang bị làm giả, làm nhái tràn lan trên thị trường.

Theo ông Duy, hàng giả các sản phẩm của doanh nghiệp được chào bán với giá thấp, chế độ chiết khấu hấp dẫn, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của đơn vị. Đối với người tiêu dùng, khách hàng phải bỏ ra số tiền lớn để mua các sản phẩm, nhưng không được sử dụng sản phẩm có giá trị, chất lượng tương đương.

Cần gia tăng chế tài xử lý vi phạm để đủ sức răn đe

Bình luận về nguyên nhân dẫn đến vấn nạn hàng lậu, hàng giả vẫn diễn ra phức tạp, theo ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, trước hết là do lợi nhuận của hành vi sản xuất, buôn bán hàng lậu, hàng giả rất lớn. Trong khi đó, ý thức của một bộ phận người tiêu dùng chưa cao, thậm chí vẫn còn hiện tượng người tiêu dùng do tâm lý ham rẻ nên mua, sử dụng hàng lậu, hàng giả mà chưa nhận thức hết những tác hại.

Bên cạnh đó, hiện nay, nền tảng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ dẫn đến các đối tượng lợi dụng những thuận lợi của việc kinh doanh, trao đổi trực tuyến để đẩy mạnh việc buôn bán hàng giả, hàng lậu.

Mặt khác, một số quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại còn bất cập, chưa đồng bộ, thậm chí còn có những quy định chồng chéo, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng. Đồng thời, chế tài xử lý vi phạm cũng chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Quang Vinh, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng có lúc, có nơi chưa thật sự quyết liệt, xuyên suốt; công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan đôi lúc còn có sự thiếu đồng bộ, hiệu quả… ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Mặt khác, sự chung sức của các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong công cuộc phòng, chống hàng giả, hàng nhái còn hạn chế khiến vấn nạn này vẫn còn nhiều “đất sống”…

Trước thực trạng trên, đưa ra khuyến nghị giải pháp để hạn chế vấn nạn này, các chuyên gia cho rằng, về mặt khuôn khổ pháp luật, cần gia tăng chế tài xử phạt một cách nặng hơn đối với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Đồng thời, bổ sung các quy định để tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử.

Chia sẻ về giải pháp tại các quốc gia trên thế giới trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, ông Adrian Clarke - Quản lý Đối ngoại Công ty JTI Việt Nam - cho biết, nhiều quốc gia thực hiện đẩy mạnh hoạt động truyền thông để người tiêu dùng nhận thức đầy đủ về hệ lụy của việc tiêu dùng hàng giả, hàng nhái, qua đó, người tiêu dùng sẽ cẩn trọng hơn trong quá trình lựa chọn sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, từ đó, hàng giả, hàng nhái không còn nhiều “đất sống”. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có những phương thức hiệu quả để tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng trong việc cung cấp thông tin, tố giác khi có nghi ngờ về những hành vi, vụ việc buôn bán hàng lậu, hàng giả trên thị trường.

Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Văn Hoàn chia sẻ, thời gian qua, việc đấu tranh phòng, chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại dù được triển khai quyết liệt song vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội để ngăn chặn, giải quyết triệt để vấn nạn này.

Về phía Cục Điều tra chống buôn lậu, trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để thực hiện tốt hơn công tác quản lý xuất, nhập khẩu, ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu và vi phạm sở hữu trí tuệ trên thị trường để người dân được tiêu dùng những sản phẩm tốt, chất lượng./.

DIỆU THIỆN