Chỉ số PAPI 2017: Ghi nhận những nỗ lực cải cách
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 09:30, 16/04/2018
(BKTO) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2017 đều có sự cải thiện đáng kể ở cấp T.Ư và địa phương. Đây là kết quả khảo sát do Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) công bố mới đây. Kết quả này đã phần nào cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế dành cho những nỗ lực cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) cũng như cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam thời gian qua.
Kiểm soát tham nhũng có chuyển biến nhưng vẫn chậm
Theo ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú của UNDP tại Việt Nam, trong 6 lĩnh vực nội dung được chọn khảo sát, chỉ số kiểm soát tham nhũng khu vực công đã có xu thế đảo chiều theo hướng tăng sau một thời gian dài trượt dốc từ năm 2013. Chỉ có 17% người trả lời cho biết họ đã phải đưa hối lộ khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giảm so với con số 23% vào năm 2016. Tỷ lệ người trả lời cho biết, họ đã hối lộ nhân viên y tế tại bệnh viện công tuyến huyện, thành phố giảm từ 17% vào năm 2016 xuống còn 9% năm 2017. Điều này cho thấy, người dân có cảm nhận và trải nghiệm tốt hơn về hiệu quả của công tác PCTN.
Những điểm sáng trong công tác này còn đến từ việc trong năm 2017, Việt Nam đã xét xử nhiều “đại án” liên quan đến tham nhũng. Công tác xử lý các vụ việc vi phạm còn góp phần khẳng định chủ trương và quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước trong PCTN với thông điệp: Không có vùng cấm trong xử lý cán bộ sai phạm!
Theo khảo sát của UNDP, 33 tỉnh có điểm chỉ số nội dung này tăng lên so với năm 2016, trong đó, các tỉnh: Quảng Ninh, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lào Cai và An Giang tăng 20%. Trong 6 tỉnh có điểm chỉ số nội dung này giảm sút nhất, 3 tỉnh Đắk Nông, Hưng Yên và Hải Phòng có mức sụt giảm từ 9% điểm trở lên.
Mặc dù vậy, điểm trung bình toàn quốc của chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công vẫn thấp hơn so với mức điểm của năm 2012. Điều này cho thấy, dù có những thay đổi theo hướng tích cực, các cơ quan hữu quan vẫn còn nhiều việc phải làm để phòng ngừa tham nhũng.
Ngoài ra, bên cạnh vấn đề đáng quan ngại nhất là đói nghèo, người dân cũng quan tâm nhiều tới vấn đề môi trường. “Kết quả phân tích sự lựa chọn giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường cho thấy, đa số người dân không chấp nhận các dự án phát triển kinh tế gây tổn hại tới môi trường” - Báo cáo nêu rõ. Điều này cho thấy Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng, các địa phương cần nỗ lực hơn nữa để bảo vệ môi trường, đảm bảo hài hòa giữa bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển công nghiệp hiện nay.
Cải cách phải hướng đến sự hài lòng của người dân
Kết quả khảo sát PAPI 2017 cũng cho thấy tất cả các tỉnh đều có nhiều cải thiện về chỉ số thủ tục hành chính (TTHC) công, trong đó, 7 tỉnh tăng đáng kể gồm: Bạc Liêu, Quảng Ninh, Trà Vinh, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và An Giang.
Nhìn chung, người dân hài lòng hơn với dịch vụ hành chính tại các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở 3/4 dịch vụ làm TTHC mà PAPI đo lường (gồm: dịch vụ chứng thực, xác nhận; cấp giấy phép xây dựng và TTHC liên quan đến nhân thân được thực hiện ở cấp xã/phường). Tỷ lệ người dân có điều kiện tiếp cận bộ phận “một cửa” cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng tăng lên 86% (so với năm 2016 là 79%).
Đáng chú ý, kết quả khảo sát PAPI 2017 cũng cho thấy xu hướng tích cực trong việc tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định ở cấp địa phương. Các dự án xây mới hoặc tu sửa công trình công cộng ở địa phương được Ban Giám sát đầu tư cộng đồng giám sát đáng kể, từ 21% năm 2016 lên 34% năm 2017.
Tuy nhiên, 2 trung tâm kinh tế của cả nước là TP.HCM và Hà Nội không chỉ tiếp tục vắng bóng ở danh sách dẫn đầu về cải thiện TTHC công mà còn bị chấm điểm ở mức thấp và thấp nhất về kiểm soát tham nhũng, dù cả 2 địa phương này đều có điểm số tăng so với năm ngoái.
Bình luận về Chỉ số PAPI 2017, TS. Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng - cho rằng, kết quả đó không chỉ là các con số thống kê đơn thuần, mà còn là những con số biết nói, phản ánh mức độ hài lòng của người dân đối với các cơ quan công quyền. TS. Giang nhấn mạnh: “Qua đây, các cơ quan chức năng cần nhìn nhận việc cải thiện tình hình như là một giải pháp để làm đẹp môi trường đầu tư, tạo dựng lòng tin của DN, người dân chứ không đơn thuần là làm đẹp con số”.
Đồng quan điểm, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Đinh Duy Hòa cho rằng, chỉ số PAPI có thể là công cụ giúp các cấp chính quyền đánh giá lại mức độ hoàn thành nhiệm vụ, từ đó, tìm giải pháp đổi mới chính sách và cải thiện phương thức thực thi chính sách trong những năm tiếp theo. “Việc cải cách phải đảm bảo thực chất, phù hợp với điều kiện thực tế và hướng đến sự hài lòng của người dân. Đó chính là giá trị cốt lõi của PAPI” - ông Hòa nói.
Chỉ số PAPI 2017 phản ánh ý kiến đánh giá của 14.097 người dân được chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh, thành phố thông qua 6 lĩnh vực nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; TTHC công; cung ứng dịch vụ công. |
NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 15 ra ngày 12-4-2018