Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh mới
Kinh tế - Ngày đăng : 08:07, 01/12/2022
Theo TS. Đặng Đức Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Hội thảo nhằm nhìn nhận, đánh giá về thành tựu, hạn chế, bất cập… đang ảnh hưởng tới sự phát triển của kinh tế chia sẻ.
Từ đó giúp đề xuất hướng đi, đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, đặc biệt cần xác định những rào cản đó xuất phát từ thị trường hay cơ chế chính sách.
Ông Lưu Đức Khải - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội (Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương) cho biết, tại Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.
Mục tiêu của Đề án nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống.
Đồng thời đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.
Tại Hội thảo, bà Dương Thu Hương - Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cho biết, Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam đã quy định chi tiết về quyền tự do kinh doanh. Hiện nay, thị trường Việt Nam cũng được đánh giá là thị trường tiềm năng để phát triển kinh tế chia sẻ.
Tuy nhiên, theo bà Hương, trong thực tiễn, việc hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh đối với một số loại hình kinh doanh mới trong kinh tế chia sẻ gặp phải một số vướng mắc như giữa “ghi nhận” quyền tự do kinh doanh và “bảo đảm thực thi” quyền này trên thực tế vẫn còn tồn tại khoảng cách.
Hơn nữa, tư duy quản không được hoặc chưa hiểu rõ thì “cấm” gây cản trở việc thực thi quyền tự do kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ; tính cạnh tranh của thể chế pháp luật về quyền tự do kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ chưa cao.
Thêm vào đó, phản ứng chính sách còn chưa nhanh nhạy, chưa bắt kịp với những biến động của kinh tế thị trường, nhất là trong việc ứng dụng các mô hình kinh doanh mới, cũng như việc ứng dụng các thành tựu công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chưa tạo được khung pháp lý tin cậy cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Bà Dương Thu Hương nhấn mạnh, cạnh tranh không bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh truyền thống với các loại hình kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ chủ yếu bởi chi phí tuân thủ của các chủ thể kinh doanh theo hai mô hình này không giống nhau.
Nguyên nhân chủ yếu là môi trường pháp lý về gia nhập thị trường và quản lý hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ chưa rõ ràng, chưa phù hợp hoặc chưa đầy đủ.
Điều này đang gây áp lực lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng, bổ sung hoàn thiện pháp luật về gia nhập thị trường, về tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh, công bằng trên thị trường, về rút lui khỏi thị trường… đối với các loại hình kinh tế chia sẻ trong thời gian tới.
Bà Hoàng Thị Thu Trang - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) nêu rõ, Bộ luật Lao động chưa có quy định cụ thể, chưa có hướng dẫn thực thi và chế tài xử phạt hành vi lách luật trong doanh nghiệp công nghệ.
Đối với người lao động làm việc không có quan hệ lao động, Bộ luật mới chỉ đề cập khái quát, chưa có các hướng dẫn chi tiết.
TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, những ý kiến của các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, các nhà khoa học cung cấp nhiều thông tin giá trị để cùng thúc đẩy nền kinh tế chia sẻ phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế.