Bài toán kép trong chính sách tiền tệ - tín dụng
Góc nhìn - Ngày đăng : 11:13, 01/12/2022
Theo thống kê, trong 10 tháng năm 2022, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 11,5% (room tín dụng cả năm 2022 là 14%, cao hơn mức tăng 12,17% của năm 2020 và 13,61% của năm 2021), nhưng huy động vốn chỉ tăng 4,8%, khiến thanh khoản của không ít ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, nhiều ngân hàng đang có tỷ lệ cho vay/huy động tại thị trường vượt mức 90%, thậm chí không ít ngân hàng vượt 100%, nghĩa là số tiền ngân hàng cho vay đã vượt quá cả số vốn huy động. Dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau, các ngân hàng đang chạm “lằn ranh đỏ” hoặc vượt ngưỡng về hệ số an toàn vốn. Tình trạng căng thẳng nguồn vốn của hệ thống ngân hàng khiến ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước có nới thêm room tín dụng, thì ngân hàng thương mại cũng khó huy động đủ vốn để cho vay thêm. Cuộc đua tăng lãi suất huy động trên thị trường giữa các ngân hàng thương mại, cũng như việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành và nỗ lực bơm tiền ra như là lời giải trước mắt cho tình trạng đó. Tuy nhiên, cuộc đua lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng để có nguồn vốn cho vay sẽ dẫn đến lãi suất cho vay tăng, nợ xấu tăng theo, đe dọa sự an toàn của cả hệ thống tài chính.
Ngoài ra, cơn khát vốn tín dụng ngân hàng còn bị trầm trọng thêm bởi tình trạng tín dụng giải ngân khá giật cục, theo hướng tăng phi mã trong nửa đầu năm 2022 (có thời điểm tăng 17% so với cùng kỳ do nhu cầu phục hồi kinh tế) rồi đột ngột thu hẹp trong nửa cuối năm do việc nới “room” tín dụng còn chưa linh hoạt, bám sát nhu cầu thị trường, khiến đứt gãy dòng tiền và ách tắc kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp có độ phụ thuộc cao vào tín dụng ngân hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, dư nợ vốn tín dụng ở Việt Nam đang ở mức 124% GDP, thuộc nhóm các nước cao nhất thế giới. Khi doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh sẽ ảnh hưởng ngay tới tính an toàn của hệ thống ngân hàng và sẽ gây hệ lụy tới nền kinh tế. Do đó, việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng vẫn cần thiết và thực hiện theo nguyên tắc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn cho tổ chức tín dụng có các chỉ số an toàn hoạt động lành mạnh hơn, năng lực quản trị, điều hành có chất lượng và có hiệu quả hoạt động cao hơn, mặt bằng lãi suất huy động, cho vay, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn... đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay…
Dòng tiền hỗ trợ kinh tế tăng trưởng cần nhiều nguồn vốn khác nhau, từ vốn tự có của doanh nghiệp, tín dụng ngân hàng, từ thị trường vốn, đầu tư công, vốn đầu tư nước ngoài... Vì thế, các ngân hàng khó có thể kỳ vọng được nới thêm "room" tín dụng trong quý còn lại của năm 2022, sau đợt cấp thêm hạn mức cho vay của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 9 vừa qua.
Trước mắt, không chỉ linh hoạt hơn về tỷ giá, lãi suất và dự trữ bắt buộc, mà còn cần linh hoạt hơn về “room” tín dụng trên cơ sở ưu tiên sức khỏe của từng ngân hàng, cũng như ưu tiên từng lĩnh vực cấp tín dụng để ngân hàng và doanh nghiệp chủ động kế hoạch kinh doanh, khắc phục tình trạng đua tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm và tạo sức ép nới room trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, chỉ nên quy định “room cứng” ở một số nhóm ngành có tính đầu cơ cao, nhất là cho vay đầu tư chứng khoán và các phân khúc bất động sản có tính đầu cơ cao (như cho vay mua đất nền), không nên bó room với phân khúc nhà ở xã hội, bất động sản công nghiệp và hạ tầng logistics (Nghị quyết số 39/2021/QH15 được thông qua về kế hoạch sử dụng đất quốc gia với lộ trình phân bổ tăng quỹ đất khu công nghiệp từ 90.830ha vào năm 2020 lên 152.840ha (+68,3%) vào năm 2025 và 210.930 ha (+132,2%) vào năm 2030. Chính sách này sẽ làm tăng cả nhu cầu vốn đầu tư và nguồn cung bất động sản khu công nghiệp trong vòng 10 năm tới)…
Thực tế cũng cho thấy, việc doanh nghiệp khô cạn dòng vốn còn là do khó khăn từ thị trường trái phiếu bị tê liệt. Do đó, để gỡ nghẽn cho nền kinh tế, phải coi trọng gỡ nghẽn cho thị trường trái phiếu. Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 180.000 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ năm 2021.
Trên thực tế, doanh nghiệp có hồ sơ tín dụng tốt và minh bạch, vẫn có nhiều cơ hội và động lực để thu hút nguồn vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tiêu biểu như Fuji Nutri Food huy động thành công 1.000 tỷ đồng và Nhà Khang Điền (KDH) huy động thành công 800 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 12%/năm.
Đặc biệt, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Điểm mới quan trọng của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP là đề ra các yêu cầu khắt khe hơn về năng lực và hồ sơ phát hành minh bạch, cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp... Đây là một hướng đi đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế về trái phiếu. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp cất bớt gánh nặng lo âu tìm vốn đảo nợ và đầu tư suốt nhiều tháng qua, mà còn tạo lập cơ sở pháp lý và củng cố niềm tin vào sự phục hồi dòng vốn huy động trên thị trường chứng khoán thời gian tới…
Tóm lại, việc giải bài toán kép bảo đảm mục tiêu vừa kiểm soát lạm phát, vừa không để khô cạn dòng tiền cho kinh doanh là yêu cầu cấp thiết, phức tạp; đòi hỏi việc điều hành linh hoạt hơn trong các chính sách tiền tệ - tín dụng và phát triển thị trường vốn.
Thị trường vốn phát triển đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay trung, dài hạn trên thị trường này, thay vì chỉ trông cậy vào dòng tiền tín dụng ngân hàng truyền thống./.