Chỉ số công khai ngân sách: Trông đợi việc cải thiện để tăng uy tín với nhà đầu tư
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 10:05, 16/04/2018
(BKTO) - Theo kết quả khảo sát công khai ngân sách 2017 do tổ chức Đối tác Ngân sách Quốc tế (IBP) thực hiện và công bố, dù được đánh giá là có chuyển biến nhưng mức độ công khai, minh bạch ngân sách của Việt Nam vẫn thấp. TS. Ngô Minh Hương - Nghiên cứu viên cao cấp của IBP - đã trao đổi với Báo Kiểm toán để làm rõ thêm về kết quả này.
Thưa bà! Qua kết quả khảo sát chỉ số công khai minh bạch NSNN (OBI) và chỉ số công khai minh bạch ngân sách địa phương (POBI), bà đánh giá như thế nào về mức độ công khai ngân sách của Việt Nam thời gian qua?
- Chỉ số OBI và POBI được thực hiện và công bố trong hơn chục năm qua. Các kết quả khảo sát cho thấy, nhìn chung, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm tăng cường công khai, minh bạch trong việc quản lý, sử dụng NSNN. Cụ thể, Việt Nam đã xây dựng quy trình ngân sách cũng như hệ thống định mức phân bổ ngân sách và các định mức chi tiêu công khai, minh bạch, rõ ràng; các tài liệu ngân sách cơ bản đã được công bố với công chúng… Điều này được ghi nhận ngay từ lần đầu tiên IBP thực hiện khảo sát đối với Việt Nam vào năm 2006.
Mặc dù vậy, mức độ công khai, minh bạch ngân sách của Việt Nam còn thấp và có dấu hiệu tụt hạng. Nếu năm 2015, chỉ số OBI của Việt Nam đạt 18/100 điểm thì năm 2017, chỉ số này đã giảm còn 15/100 điểm và thuộc nhóm ít công khai nhất.
Tiến sỹ Ngô Minh Hương. Ảnh: Phố Hiến
Tương tự, kết quả xếp hạng POBI 2017 cũng cho thấy, không có tỉnh nào được xếp vào nhóm A - nhóm những tỉnh có mức điểm cao nhất từ 75 đến 100 điểm. Đáng chú ý, TP.HCM và Hà Nội chỉ nằm trong nhóm giữa và thấp với số điểm lần lượt là 56,8 và 27,1 điểm.
Bà có thể cho biết, đâu là nguyên nhân của việc các chỉ số OBI và POBI năm 2017 bị giảm điểm?
Nguyên nhân giảm điểm là do theo tiêu chuẩn của OBI, Việt Nam chưa công bố Dự thảo dự toán ngân sách, Báo cáo ngân sách dành cho công dân đúng thời gian. Mặt khác, Việt Nam mới chỉ công khai dự toán và quyết toán ngân sách sau khi được Quốc hội (QH), HĐND phê duyệt. Nội dung công khai quá phức tạp, ít thuyết minh, chưa phù hợp để người dân theo dõi…
Một nguyên nhân nữa là do kỳ báo cáo số liệu về ngân sách cho QH được thực hiện vào 2 thời điểm họp QH, không phù hợp với yêu cầu báo cáo 6 tháng và cả năm của OBI.
Mặt khác, khảo sát được tiến hành trước khi Luật NSNN 2015 có hiệu lực. Do đó, chỉ số OBI và POBI bị đánh giá thấp một phần là do Báo cáo của IBP chưa kịp cập nhật những tiến bộ của Việt Nam trong việc thực thi các quy định pháp luật về công khai ngân sách.
Theo bà, điều gì sẽ mang lại cho Việt Nam nếu IBP ghi nhận những đổi mới của quá trình triển khai Luật NSNN 2015 ở kỳ khảo sát năm 2019?
Luật NSNN 2015 có nhiều điều khoản thúc đẩy mạnh mẽ việc công khai, minh bạch ngân sách. Một trong những điểm mới quan trọng là Chính phủ và UBND các cấp phải công khai Dự thảo dự toán NSNN trước khi QH, HĐND phê duyệt. Do vậy, tới kỳ khảo sát năm 2019 của IBP, Việt Nam có thể tăng điểm ở các chỉ số để nâng cao uy tín với các đối tác và nhà đầu tư quốc tế.
Việc thực hiện đúng tinh thần của Luật NSNN 2015, nhất là quy định trên sẽ là bước tiến rất lớn để Việt Nam tiệm cận gần hơn với những tiêu chuẩn, tiêu chí quốc tế của các tổ chức lớn trên thế giới như: Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI)…
Báo cáo của IBP cũng đánh giá tác động của cơ quan KTNN đối với việc công khai, minh bạch ngân sách. Bà có thể nói rõ thêm về điều này?
Theo ghi nhận của chúng tôi, tác động của KTNN đối với quá trình minh bạch ngân sách được thể hiện rõ nhất trên 2 bình diện. Thứ nhất, KTNN với chức năng được luật định đang tham gia vào quá trình lập dự toán NSNN, qua đó, tư vấn cho Quốc hội quyết định dự toán NSNN. Điều này cũng phù hợp với thông lệ chung của quốc tế và chỉ dẫn của INTOSAI.
Thông qua hoạt động kiểm toán dự toán NSNN, KTNN đã phát hiện những bất cập và đưa ra kiến nghị đối với cơ quan có thẩm quyền xây dựng dự toán NSNN. Từ các kiến nghị kiểm toán, những bất cập trong cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực này cũng được khắc phục.
Thứ hai, sự vào cuộc mạnh mẽ của KTNN cũng tạo ra áp lực, buộc các cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách phải lưu ý hơn để tránh gặp phải phiền phức.
Để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình công khai, minh bạch ngân sách, KTNN cũng cần đảm bảo công bố Báo cáo kiểm toán được rộng rãi, kịp thời hơn…
Việc công khai, minh bạch ngân sách còn cần phải tuân thủ theo quy định của Luật KTNN. Đồng thời, kết quả công khai ngân sách sẽ được cải thiện hơn nếu công chúng được tham gia vào quá trình lập dự toán, phân bổ, quản lý NSNN cũng như tham gia với cơ quan lập pháp, KTNN trong giám sát việc sử dụng, quản lý ngân sách.
Xin trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!
NGUYỄN LỘC (thực hiện)
Theo Báo Kiểm toán số 15 ra ngày 12-4-2018
Theo Báo Kiểm toán số 15 ra ngày 12-4-2018