Nâng cao chất lượng đô thị hóa hướng đến phát triển bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 13:51, 01/12/2022

(BKTO) - Theo các chuyên gia, mặc dù Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh trong khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên, chất lượng đô thị hóa của Việt Nam chưa cao. Do đó, cần nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng đô thị hóa hướng đến phát triển bền vững, đóng góp
10-1-3-.jpg
Cần nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng đô thị hóa. Ảnh: P. TUÂN

Các đô thị chủ yếu phát triển theo chiều rộng

Theo Bộ Xây dựng, sau 35 năm đổi mới, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến cuối năm 2020, nước ta đã có 862 đô thị các loại, phân bổ tương đối đồng đều trong cả nước; tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% vào năm 2020. Cùng với đó, không gian đô thị được mở rộng, hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn… Đặc biệt, sự phát triển của đô thị đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, theo đó, kinh tế ở khu vực đô thị hiện đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Đồng thời, bước đầu hình thành những cực tăng trưởng kinh tế, trung tâm đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo ở các đô thị lớn, nhất là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, bên cạnh những “điểm sáng”, theo ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, công tác quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ đô thị hóa đạt thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển theo chiều rộng là chủ yếu gây lãng phí đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Đồng thời, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị chưa gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngoài ra, kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực…

Theo ông Chính, những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân, trong đó những nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Biểu hiện là, nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ và chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững. Công tác quy hoạch đô thị tại nhiều địa phương còn chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp, thậm chí còn xảy ra hiện tượng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện; việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế...

Bên cạnh đó, theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, khuôn khổ thể chế chính sách về phát triển đô thị còn thiếu đồng bộ và thiếu ổn định. Công tác quản lý đô thị tại nhiều địa phương chưa chuyên nghiệp, thậm chí nhiều nơi còn lỏng lẻo. Ngoài ra, còn có tình trạng địa phương đầu tư dàn trải, chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực của chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị…

Cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, đô thị

Từ thực tiễn chất lượng đô thị hóa của Việt Nam còn hạn chế, cũng như trước yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh mới, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho biết, ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển đô thị.

Tại Nghị quyết đã đặt ra các chỉ tiêu cụ thể như: Đến năm 2025, số lượng đô thị trên toàn quốc đạt khoảng 950-1.000 đô thị; đến năm 2030 đạt khoảng 1.000-1.200 đô thị. Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp khoảng 75% GDP cả nước vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030. Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ phấn đấu xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia, cấp vùng kết nối quốc tế và 3-5 đô thị có thương hiệu được công nhận ở tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030. Theo ông Hiển, những mục tiêu này có liên quan mật thiết đối với nhiệm vụ đổi mới công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trên toàn hệ thống đô thị của cả nước. Qua đó nhằm tạo sự thay đổi, đột phá toàn diện quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị của Việt Nam.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, đưa khuyến nghị về giải pháp, ông Nguyễn Tố Lăng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội - cho rằng, trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ khuôn khổ hệ thống pháp luật về phát triển đô thị với pháp luật về các lĩnh vực khác liên quan. Trong đó, các nguyên tắc quy hoạch đô thị, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển đô thị cần được đảm bảo đi trước một bước và triển khai công khai, minh bạch.

Cũng theo các chuyên gia, cần nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch đô thị, theo đó, cần có sự tập trung nguồn lực tương xứng về nhân lực, vật lực; gắn kết quy hoạch với nguồn lực thực hiện. Mặt khác, cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền quản lý quy hoạch và phát triển đô thị cho các địa phương. Trên cơ sở đó, tại địa phương, các cấp chính quyền cần tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời vi phạm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trên địa bàn để nâng cao chất lượng quản lý đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển mới.

Đặc biệt, ông Lưu Đức Minh - Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, Bộ Xây dựng - cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, đô thị. Theo ông Minh, cơ sở dữ liệu là nền tảng để giúp các cấp chính quyền nhanh chóng nắm bắt và hiểu các vấn đề của đô thị một cách có hệ thống, khoa học; cũng như cung cấp những thông tin về phát triển đô thị đồng bộ, đầy đủ, chính xác, kịp thời, từ đó phục vụ hiệu quả cho công tác dự báo, lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch đô thị; bảo đảm công khai, minh bạch./.

Nghị quyết số 06-NQ/TW đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, tỷ lệ đô thị của Việt Nam đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao của khu vực Đông Nam Á và châu Á.

DIỆU THIỆN