Nhu cầu tuyển dụng tăng cao dịp cuối năm

Kinh tế - Ngày đăng : 15:15, 25/10/2022

(BKTO) - Theo dự báo, từ nay đến hết năm 2022, nhu cầu tuyển dụng lao động trong các lĩnh vực, ngành nghề sẽ tiếp tục tăng lên. Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn chịu sức ép trong việc tuyển dụng, giữ chân người lao động.


                
   

Theo dự báo, thị trường lao động dịp cuối năm sẽ sôi động. Nguồn: Internet

   

Doanh nghiệp gấp rút tìm nhân lực

Đề cập về nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực, bà Cao Thùy Như – Trưởng Phòng nhân sự của Công ty TNHH Maxcore (Ứng Hòa, Hà Nội) - cho biết, để có thể tuyển đủ nguồn lao động, Công ty đã đăng thông tin tìm lao động trên nhiều kênh khác nhau như mạng xã hội Facebook, chuyên trang tuyển dụng, qua trung tâm dịch vụ việc làm…

“Yêu cầu công việc không quá cao, nếu lao động không có kỹ thuật may, chúng tôi sẵn sàng đào tạo ngắn hạn. Trong khi đó, mức đãi ngộ hấp dẫn cho người lao động. Cụ thể 6 tháng đầu, Công ty sẽ hỗ trợ để họ có thể đạt được 6,5 triệu đồng/tháng; lao động có tay nghề đang làm việc có mức lương từ 8-10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, việc tuyển dụng không hề dễ dàng” - bà Như cho biết.

Thực tế, nắm bắt được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội liên tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến và lưu động. Khảo sát cho thấy, nhu cầu tuyển dụng khá dồi dào và đa dạng ngành nghề như: Thương mại - dịch vụ; sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo; điện tử; dệt may - da giày; xây dựng; công nghệ thông tin; chăm sóc sức khỏe...

Vị trí khá hấp dẫn từ quản lý cấp trung đến lao động phổ thông với mức lương thấp nhất là 7 triệu đồng đối với vị trí phổ thông và 20-30 triệu đồng/tháng với vị trí kỹ sư, trưởng phòng… Đơn cử, Công ty cổ phần Vinhome cần tuyển 10.000 lao động phổ thông làm việc tại các dự án, công trình xây dựng của Công ty này tại phía Bắc.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh cho biết, thị trường lao động từ nay đến cuối năm 2022 sẽ sôi động.

Trong đó, nhu cầu tuyển dụng tập trung ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ (chiếm 66%), công nghiệp, xây dựng (chiếm 33%). Nhu cầu nhân lực ở 9 ngành dịch vụ chiếm 56% và 4 ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố chiếm 19%. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động bán thời gian để phục vụ đợt cao điểm Tết, chiếm 15%.

Thị trường lao động có sự dịch chuyển lớn

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh mới đây có báo cáo thị trường lao động quý III/2022 dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu nhân lực của hơn 23.500 lượt doanh nghiệp và hơn 65.000 người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm.

Theo đó, nhu cầu nhân lực phân theo các mức lương từ dưới 5 triệu đồng đến trên 20 triệu đồng/tháng. Cụ thể, doanh nghiệp có nhu cầu nhân lực ở mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng (chiếm 6,8% tổng nhu cầu) với các vị trí việc làm như nhân viên phục vụ, bán hàng, thực tập sinh, nhân viên kinh doanh.

Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đa số nằm ở mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/tháng (chiếm 44,33%) ở các vị trí như nhân viên thu mua, văn phòng, hành chính nhân sự, kỹ thuật viên điện, điện tử.

Rất ít người lao động có nhu cầu tìm việc với mức lương 5 triệu đồng/tháng (0,68%). Mức lương này chủ yếu là ở các vị trí lao động phổ thông như phục vụ, bảo vệ, thực tập sinh. Song theo khảo sát, nhu cầu tìm việc của người lao động ở mức lương từ 5 - 10 triệu rất thấp, chỉ chiếm 13,14%.

Điều này cho thấy, thị trường lao động đã có sự chuyển dịch lớn. Theo đó, lao động bán thời gian, phổ thông không còn hút người lao động, thay vào đó là nhu cầu tìm kiếm công việc có chuyên môn, thâm niên với mức thu nhập ổn định.

Mặc dù nhu cầu tuyển dụng tăng cao nhưng khảo sát các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng Top 500 nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam năm 2022 (VBE500-năm 2022) cho thấy, các nhà tuyển dụng hàng đầu ở Việt Nam đang chịu nhiều sức ép đến từ bối cảnh nền kinh tế thế giới trước nguy cơ lạm phát cao, mối lo suy thoái kinh tế trong khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới.

Do đó, các doanh nghiệp VBE500 đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong việc tuyển dụng, giữ chân nhân tài và khuyến khích, động viên người lao động. Vì vậy, doanh nghiệp cần chú trọng tạo dựng môi trường làm việc tốt, trong đó đặc biệt quan tâm tới tầm quan trọng của mức lương đối với người lao động.

Gợi mở những giải pháp để giữ chân lao động, ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê - cho rằng, các doanh nghiệp phải thay đổi, không thể mãi thâm dụng lao động, phát triển dựa vào nguồn lao động có tay nghề thấp.

Doanh nghiệp phải tìm hướng đi mới như ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, từ đó tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho doanh nghiệp và thu nhập tốt hơn cho người lao động. “Giải pháp tối ưu để giữ chân lao động vẫn là phúc lợi và chính sách tốt” - ông Nam nhấn mạnh.

Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, thị trường lao động hiện nay đang vừa thừa, vừa thiếu, thừa lao động giản đơn nhưng thiếu các lao động có tay nghề, chất lượng cao. Để khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp cần nhanh chóng liên kết với các cơ sở đào tạo.

Đồng thời, “cải thiện tốt môi trường lao động sẽ thu hút được nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Khi đó, cung - cầu thị trường lao động sẽ được giữ vững và ổn định” - TS. Lê Đăng Doanh nhận định./.

THÀNH ĐỨC - MINH LONG