Tôn vinh doanh nghiệp đạt lợi nhuận tốt, doanh nghiệp uy tín ngành thực phẩm, đồ uống, bán lẻ, bao bì
Kinh tế - Ngày đăng : 08:45, 26/10/2022
(BKTO) - Chiều 25/10, tại Hà Nội, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet tổ chức Lễ công bố Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam & Top 10 Công ty uy tín ngành Thực phẩm - Đồ uống - Bán lẻ - Bao bì năm 2022.
Vinh danh các doanh nghiệp đại diện trong Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022. Ảnh: QUỲNH ANH |
Lễ công bố và vinh danh những đại diện doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất và các doanh nghiệp uy tín hàng đầu của các ngành hàng thực phẩm, đồ uống, bán lẻ, bao bì không chỉ thể hiện sự vượt trội về sức mạnh tài chính và truyền thông, mà còn thể hiện tiềm năng tăng trưởng, mức độ phát triển bền vững, chất lượng quản trị và vị thế trên thị trường, góp phần không nhỏ vào sự phát triển và phồn vinh của nền kinh tế nước nhà.
Theo Ban tổ chức, Việt Nam là quốc gia châu Á duy nhất được Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng mức dự báo tăng trưởng GDP đáng kể trong năm 2022 và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu.
Kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ kể từ đợt suy giảm do làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19 vào thời điểm này năm ngoái. Sự phục hồi đạt được chủ yếu nhờ tăng trưởng vững chắc của xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo sang các thị trường xuất khẩu truyền thống; sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường tiêu thụ trong nước; sự hồi sinh của ngành du lịch…
Thị trường bán lẻ đã sôi động trở lại trong nhịp sống bình thường mới, trái ngược với tình trạng ảm đạm khi hàng loạt cửa hàng phải đóng cửa nhằm thực hiện giãn cách xã hội cách đây 01 năm.
Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.170,2 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Vinh danh Top 10 Công ty bán lẻ uy tín năm 2022. Ảnh: QUỲNH ANH |
Về cơ bản, xu hướng phát triển của ngành bán lẻ vẫn dựa trên những thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng và khả năng ứng dụng số hóa trên diện rộng của ngành bán lẻ.
Nổi bật là hoạt động bán hàng trực tuyến trên các kênh truyền thông xã hội sẽ bùng nổ; cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng để tăng tính tương thích giữa sản phẩm và nhu cầu khách hàng; bán hàng đa kênh tiếp tục nở rộ nhờ ưu điểm làm tăng trải nghiệm mua sắm liền mạch không bị gián đoạn.
Với thị trường bao bì cũng có nhiều khởi sắc. Những điều kiện thuận lợi như việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do, sự phát triển của thương mại điện tử và nhu cầu trong nước ngày càng tăng khiến tăng trưởng bình quân của ngành bao bì được dự báo đạt trên 13%/năm.
Trong đó, bao bì đóng gói cho ngành thực phẩm luôn đạt bình quân 15-20%, riêng bao bì nhựa đã đạt mức tăng trưởng 25%.
Thị trường bao bì giấy Việt Nam dự kiến sẽ đạt trên 3,1 tỷ USD vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm bình quân là 7,5% giai đoạn 2021-2027.
Nhìn chung, dù còn nhiều thách thức, song bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn có những thuận lợi nhất định đến từ việc Việt Nam kiểm soát lạm phát tương đối ổn định, các gói hỗ trợ chính sách phù hợp…
Từ phía doanh nghiệp, những chiến lược thích ứng linh hoạt, kịp thời cũng đã phần nào giải tỏa áp lực tăng giá đầu vào, đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đề ra, mở ra con đường tăng trưởng lợi nhuận vượt trội trong tương lai.
Theo thống kê mới đây của Vietnam Report, hơn 75% số doanh nghiệp tham gia khảo sát có doanh thu bằng hoặc vượt mức trước khi đại dịch bùng phát.
Trong khuôn khổ sự kiện, Vietnam Report cũng giới thiệu Báo cáo song ngữ Vietnam Earnings Insight 2022 với chủ đề “Điều hướng chiến lược kinh doanh trong bối cảnh bình thương tiếp theo”.
Bên cạnh những nhận định về thách thức và cơ hội sinh lời của doanh nghiệp, Báo cáo phân tích về xu hướng và triển vọng của một số ngành có khả năng bứt tốc trong giai đoạn bình thường tiếp theo.
Ngoài ra, Báo cáo còn phân tích sự thay đổi về hành vi của người mua hàng để doanh nghiệp tái xây dựng chiến lược về thương hiệu, củng cố chỗ đứng trên thị trường, từ đó đạt được mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận đã đề ra./.
QUỲNH ANH