Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi): Cần khắc phục việc chậm ban hành kết luận thanh tra
Chính trị - Ngày đăng : 22:25, 25/10/2022
(BKTO) - Phối hợp xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; trách nhiệm trong ban hành kết luận thanh tra; xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra… là những vấn đề tiếp tục được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận, góp ý hoàn thiện Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm trong Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: VPQH |
Mỗi Bộ, ngành, địa phương chỉ có 1 kế hoạch thanh tra
Tại phiên thảo luận sáng 25/10, đa số ý kiến đại biểu khẳng định, việc quy định về xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra giữa các cấp thanh tra và giữa cơ quan thanh tra với Kiểm toán nhà nước (KTNN) là rất cần thiết, nhằm tránh tạo áp lực cho cơ quan, đơn vị, nhất là các đơn vị sản xuất, kinh doanh.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn TP. Đà Nẵng), trong Dự thảo Luật, cụm từ “không chồng chéo, trùng lặp” được lặp lại nhiều lần, nhưng thực tế cho thấy, tuy không trùng về nội dung, không trùng về thời điểm thanh tra nhưng có quá nhiều cuộc thanh tra.
“Cứ đoàn này đi, đoàn khác tới nên thời gian chuẩn bị nội dung, tài liệu phục vụ các đoàn quá nhiều, ảnh hưởng đến điều hành, hoạt động của địa phương” - đại biểu nói và đề nghị nên quy định số lượng không quá bao nhiêu cuộc thanh tra trong 1 năm đối với Bộ, ngành, địa phương.
Quan tâm đến sự phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ và KTNN tại Dự thảo Luật, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông) nêu rõ, theo quy định tại khoản 1 Điều 64a của Luật KTNN thì khi xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, KTNN có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ để xử lý trùng lặp, chồng chéo.
Tại Điều 107 của Dự thảo Luật quy định, trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán hàng năm phải có sự trao đổi, thống nhất giữa Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước.
“Tôi đề nghị chỉnh lý lại quy định tại Điều 107 của Dự thảo Luật để thể hiện rõ cơ quan nào là cơ quan chủ trì, cơ quan nào là cơ quan phối hợp, đảm bảo thống nhất với quy định của Luật KTNN, tránh các vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện” - đại biểu phát biểu.
Giải trình làm rõ hơn vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Dự thảo luật đã chỉnh lý, quy định cụ thể việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra.
Theo đó, Dự thảo Luật quy định rõ mỗi Bộ, ngành, địa phương chỉ có 1 kế hoạch thanh tra hàng năm do Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành. Kế hoạch thanh tra của Bộ, ngành, địa phương xây dựng trên cơ sở định hướng chương trình thanh tra đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Theo Luật hiện hành, ở cấp tỉnh thì Thanh tra tỉnh và Thanh tra sở có những kế hoạch khác nhau và chưa thống nhất được, bây giờ quy định Chủ tịch UBND ký 1 quyết định thanh tra của một tỉnh, đó là sự khác biệt để tránh chồng chéo”- Tổng Thanh tra Chính phủ làm rõ thêm.
Đồng thời, Dự thảo Luật quy định cụ thể trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và KTNN hàng năm phải đánh giá, tổng kết công tác thanh tra, kiểm toán để làm căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán hàng năm có sự phối hợp, trao đổi, thống nhất, tránh chồng chéo giữa Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước. Kể cả các trường hợp có phát sinh chồng chéo theo phản ánh của các địa phương và các Bộ, ngành thì Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước sẽ trao đổi để thống nhất theo các quy định hiện hành.
Quy định rõ việc chậm ban hành kết luận thanh tra
Góp ý vào Dự thảo Luật, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn khi Dự thảo Luật chưa quy định rõ về việc chậm ban hành kết luận thanh tra.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy chỉ rõ, thực tế cho thấy còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra Trung ương đối với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có kết luận. Thời gian chậm ban hành từ 1 năm đến hơn 6 năm theo Luật Thanh tra hiện hành nhưng chưa rõ nguyên nhân, trách nhiệm và thời điểm ban hành kết luận thanh tra.
Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định rõ vấn đề chậm ban hành kết luận thanh tra trong Dự thảo Luật.
Đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị làm rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục việc chậm ban hành kết luận thanh tra. Ảnh: VPQH |
Đồng quan điểm, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cũng cho rằng, có những cuộc thanh tra có quyết định thanh tra và thực hiện thanh tra từ năm 2015, 2016 nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận thanh tra. “Giải quyết việc chậm ban hành kết luận thanh tra ra sao, nguyên nhân ở đâu, giải pháp khắc phục thế nào và chế tài ra sao? Đây là vấn đề phải xem xét” - đại biểu nói.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) cho biết, Dự thảo Luật quy định "trước khi công khai kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra đã ban hành nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan, khả thi". Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét quy định khoảng thời gian tối đa được phép để thực hiện công việc này là bao nhiêu ngày để đảm bảo kết luận thanh tra. Ngoài việc ban hành chính xác, khách quan, khả thi thì cũng phải đảm bảo công bố kịp thời, tránh kéo dài.
Trong khi đó, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị, cần quy định thời gian công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra và công khai theo hình thức niêm yết tại cơ quan của đối tượng thanh tra.
“Cần công khai như vậy thì người dân sẽ biết để giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra, nhất là việc xử lý sau thanh tra”- đại biểu nêu quan điểm.
Đ. KHOA