Khai thác tận thu mỏ dầu khí: Chính sách đột phá trong Luật Dầu khí (sửa đổi)

Chính trị - Ngày đăng : 21:15, 25/10/2022

(BKTO) – Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã bổ sung quy định về chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu, phân biệt với chính sách ưu đãi đầu tư dầu khí theo hướng thực sự tạo cơ chế đột phá, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).


Chiều 25/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
                
   

Toàn cảnh phiên họp chiều 25/10. Ảnh: VPQH

   

Việc khai thác tận thu chỉ giao cho PVN thực hiện

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thảo luận, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về chính sách khai thác tận thu, tránh lãng phí, nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên của đất nước; đề nghị không quy định áp dụng thuế tài nguyên và thuế xuất khẩu đối với hoạt động khai thác tận thu dầu khí.

Ý kiến khác đề nghị quy định theo hướng nộp vào NSNN khoản thu chêch lệch sau khi đã thực hiện nghĩa vụ thuế tài nguyên theo quy định và thuế xuất khẩu dầu khí.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật bỏ quy định về “Thủ tướng Chính phủ quyết định các điều kiện đặc biệt của hợp đồng dầu khí thuộc thẩm quyền của Chính phủ” tại Điều 47 Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Đồng thời, bổ sung Điều 55 quy định về chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu, phân biệt với chính sách ưu đãi đầu tư dầu khí theo hướng thực sự tạo cơ chế đột phá, mang lại nguồn thu NSNN, kể cả trong trường hợp doanh thu trừ chi phí thấp hơn thuế tài nguyên phải nộp, thay vì kết thúc sớm, không thực hiện dự án khai thác tận thu - ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ.

Theo đó, toàn bộ chênh lệch giữa doanh thu và chi phí thực hiện khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu được nộp vào NSNN mà không phải trích nộp trước thuế tài nguyên và thuế xuất khẩu dầu khí.

Để bảo đảm chặt chẽ, Dự thảo Luật ràng buộc nguyên tắc bảo đảm hiệu quả hoạt động khai thác tận thu (chênh lệch thực dương giữa doanh thu và chi phí) và kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí khi khai thác tận thu.

Đồng thời, Dự thảo Luật quy định việc khai thác tận thu chỉ giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện.

Dự thảo Luật cũng quy định trách nhiệm của Bộ Công Thương nghiên cứu xây dựng, ban hành, hướng dẫn về định mức chi phí, định mức kinh tế, kỹ thuật cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.

Ngoài ra, Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - PVN ban hành kèm theo Nghị định số 36/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ đã quy định PVN có trách nhiệm xây dựng và phê duyệt các định mức kinh tế, kỹ thuật phù hợp với đặc điểm kinh tế, kỹ thuật ngành, nghề kinh doanh, mô hình tổ chức quản lý, trình độ trang bị để làm căn cứ điều hành sản xuất và quản lý chi phí của Công ty mẹ - PVN.

Bên cạnh đó, để bảo đảm thống nhất và có thể áp dụng chính sách này ngay sau khi Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực, Dự thảo Luật bổ sung tại Điều 67 về nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 Luật Thuế tài nguyên.

Để khuyến khích hoạt động khai thác tận thu và phù hợp với tính chất hoạt động khai thác tận thu là thực hiện theo nhiệm vụ được giao, Dự thảo Luật quy định theo hướng PVN được sử dụng thông tin, dữ liệu, tài liệu, mẫu vật, công trình dầu khí và tài sản khác đã được lắp đặt, đầu tư của hợp đồng dầu khí đã kết thúc, mà không phải trả tiền để khai thác tận thu.

Việc đầu tư bổ sung để khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu, thu dọn công trình dầu khí và xử lý sau thu dọn khi kết thúc hoạt động khai thác được thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí và trên cơ sở cân đối nguồn thu từ hoạt động khai thác tận thu.

Cần quy định thật cụ thể

Đánh giá cao việc bổ sung quy định trên, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, hoạt động dầu khí có tính chất đặc thù do tính rủi ro cao, tại thời điểm ký kết hợp đồng chưa thể lường hết được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm, thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí và khai thác dầu khí.

“Do vậy, các quy định điều chỉnh liên quan đến mỏ dầu khí tận thu và các quy định về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí nói chung và mỏ tận thu nói riêng tại Điều 55 là một điểm quan trọng đột phá của Dự thảo Luật lần này” - đại biểu Hùng đánh giá.                
   

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đánh giáquy định về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí nói chung và mỏ tận thu làđiểm quan trọng đột phá của Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Ảnh: VPQH

   

Theo đại biểu, thời điểm hiện nay, một số mỏ dầu khí, các lô dầu khí sản lượng đã giảm, hoặc hết hạn hợp đồng, hoặc nhà thầu chấm dứt hợp đồng sớm dẫn đến việc suy giảm về hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về hoạt động này nên việc triển khai các dự án để tận thu nguồn tài nguyên quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, các cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư không còn thực sự hấp dẫn so với các nước trong khu vực nên đây là rào cản cho các đối tác muốn đầu tư và hoạt động dầu khí tại Việt Nam.

Vì vậy, để có thể tiếp tục hoạt động khai thác tận thu mỏ dầu khí, nâng cao hiệu quả kinh tế và đóng góp vào NSNN đối với việc khai thác các mỏ này cần có quy định thật cụ thể, luật hóa chính sách khai thác tận thu đặc thù, phân biệt với cơ chế phân chia sản phẩm và nguyên tắc thu hồi chi phí của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu quy định chi tiết chính sách này, còn như quy định hiện nay của Dự thảo luật sẽ chưa thực hiện được tận thu mỏ dầu khí.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) cũng ủng hộ phương án về khai thác tận thu lấy doanh thu từ chi phí theo phương án tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đáp ứng với đòi hỏi của thực tiễn trong hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí.

Còn theo đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn Kon Tum), chính sách này không chỉ khuyến khích nhà đầu tư thực hiện khai thác tận thu dầu khí và tăng cường nâng cao hiệu quả của hoạt động này mà còn góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam.

Đ. KHOA