Thúc đẩy giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước
Chính trị - Ngày đăng : 20:40, 25/10/2022
(BKTO) – Sáng 25/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm thúc đẩy hoạt động giao dịch điện tử trong các cơ quan nhà nước, hướng đến chuyển toàn bộ hoạt động lên môi trường số.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Tờ trình Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Ảnh: VPQH |
Gỡ vướng trong thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử (GDDT) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 17 năm thi hành của Luật GDĐT năm 2005, bảo đảm thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo đó, Dự thảo Luật GDĐT (sửa đổi) mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội. Luật sẽ quy định theo hướng không loại trừ phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử, tạo một khung pháp luật thống nhất về hoạt động giao dịch điện tử trong các lĩnh vực để thực hiện chuyển đổi các giao dịch từ môi trường thực sang môi trường số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Đáng chú ý, Dự thảo Luật dành Chương V quy định về GDĐT của cơ quan nhà nước.
Theo đó, Dự thảo Luật bổ sung các quy định về quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu, dữ liệu mở, các quy định đối với cơ quan nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động giao dịch điện tử, hướng đến việc chuyển toàn bộ hoạt động lên môi trường số, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Các nội dung bổ sung trong Dự thảo Luật GDĐT (sửa đổi) sẽ thay thế nội dung tương ứng tại Điều 58 về Cơ sở dữ liệu quốc gia và Điều 59 về Cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương của Luật Công nghệ thông tin.
“Các nội dung của Chương này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ giao dịch điện tử của các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân, tháo gỡ các vướng mắc về các cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường mạng với giải pháp khả thi để thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.
Cơ quan nhà nước không được từ chối GDĐT của người dân
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, để đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, các cơ quan nhà nước đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho doanh nghiệp và người dân như: đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội, các thủ tục về hộ tịch, lý lịch tư pháp… Một số Bộ, ngành đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng.
Tại một số địa phương, hệ thống thông tin một cửa điện tử được đưa vào vận hành dần nâng cao tính minh bạch trong thực thi công vụ.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Ảnh: VPQH |
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp và người dân bị từ chối tiếp nhận văn bản bằng điện tử hoặc tiếp nhận xong vẫn yêu cầu nộp thêm bản giấy.
Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để bổ sung nguyên tắc buộc các cơ quan phải tiếp nhận và xử lý GDĐT từ người dân và doanh nghiệp gửi, không được từ chối hoặc yêu cầu bổ sung bản giấy hoặc nghiên cứu bổ sung hành vi bị nghiêm cấm trong GDĐT.
Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu, dữ liệu mở, các quy định đối với cơ quan nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động GDĐT... Tuy nhiên, cần bảo đảm đồng bộ và lộ trình phù hợp để có tính khả thi.
Đồng thời, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát Dự thảo Luật để thể hiện rõ ràng các quy định về nền tảng chung kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, tăng khả năng liên kết, đồng bộ giữa các hệ thống thông tin, thống nhất trong lưu trữ tài liệu điện tử; quản lý dữ liệu, quy định rõ biện pháp thúc đẩy GDĐT giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, cơ chế chia sẻ dữ liệu dùng chung về dân cư, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho GDĐT.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển và sử dụng các nền tảng số và được xem xét hưởng các ưu đãi về thuế, phí khi thực hiện chuyển đổi số; bổ sung quy định cụ thể về tạo lập, xác thực tài khoản giao dịch và giá trị pháp lý của kết quả thực hiện GDĐT trong cơ quan nhà nước; quy định người dùng chỉ cung cấp một lần dữ liệu cá nhân nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục, thúc đẩy GDĐT.
Đồng thời nghiên cứu, bổ sung cách thức thực hiện từng loại hình GDĐT của cơ quan nhà nước; quy định rõ hơn quyền, nghĩa vụ của công dân trong việc thu thập, quản lý, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu; làm rõ cơ chế thực hiện chia sẻ dữ liệu dùng chung về dân cư, doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ định danh điện tử làm cơ sở xác thực, đối chiếu.
Cùng với đó, quy định rõ ràng hơn về các tiêu chuẩn, cơ chế kết nối, chia sẻ của các nền tảng số, cổng thông tin, phần mềm về khả năng, tích hợp và thừa nhận lẫn nhau của các giải pháp để thực hiện GDĐT như chữ ký số, hoá đơn, biên lai điện tử... để người dân, doanh nghiệp thuận tiện khi sử dụng và phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin.
Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, quy định về chính sách hỗ trợ GDĐT của cơ quan nhà nước, nhất là về dự kiến nguồn lực bảo đảm thi hành cần làm rõ cơ sở, tiêu chí áp dụng quy định hỗ trợ này để vừa sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong cơ quan nhà nước, vừa tiết kiệm các khoản chi từ ngân sách nhà nước.
Đ. KHOA