Xây dựng tiêu chí đánh giá trọng yếu, rủi ro khi kiểm toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 22:13, 05/12/2022
Đề tài do ThS. Trương Tuấn Ngọc - Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực VI và ThS. Nông Thị Lịch - KTNN chuyên ngành II đồng chủ nhiệm.
GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học KTNN - làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Ban Đề tài cho biết, kiểm toán theo phương pháp đánh giá trọng yếu, rủi ro đã được triển khai đồng bộ trong hoạt động kiểm toán của KTNN nói chung và trong kiểm toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương nói riêng.
Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp đánh giá trọng yếu, rủi ro trong kiểm toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương đã bộc lộ một số hạn chế: Áp dụng tiêu chí đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu không phản ánh bản chất hoạt động của đối tượng được kiểm toán. Các tiêu chí đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu áp dụng thiếu đồng nhất. Mức trọng yếu xác định chưa phù hợp với quy mô hoạt động của đối tượng được kiểm toán.
Ngoài ra, sự thay đổi của môi trường kiểm toán, các quy định pháp lý ảnh hưởng đáng kể tới việc trình bày và công bố thông tin của các đơn vị, tổ chức là đối tượng của kiểm toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương. Rủi ro gian lận trong trình bày, công bố thông tin tăng lên, đặc biệt là trong những lĩnh vực hoạt động có rủi ro cao.
Do đó, việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá trọng yếu, rủi ro trong kiểm toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương là yêu cầu cấp thiết.
Mục tiêu của Đề tài là xây dựng bộ tiêu chí đánh giá trọng yếu, rủi ro khi kiểm toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương do KTNN thực hiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của KTNN.
Ban Đề tài đã hệ thống hóa và xác định cụ thể các tiêu chí đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu khi kiểm toán ngân sách bộ ngành, các cơ quan trung ương, các tiêu chí vừa mang tính tổng quan, bao quát các nội dung kiểm toán trong hoạt động kiểm toán ngân sách bộ ngành, các cơ quan trung ương, vừa mang tính ứng dụng cụ thể để có thể đi vào thực tiễn trong hoạt động kiểm toán của KTNN.
Từ đó, Ban Đề tài đề xuất 3 bộ tiêu chí, đó là: Bộ tiêu chí (4 tiêu chí) trong lĩnh vực quản lý thu chi phí, lệ phí, thu chi sự nghiệp, thu chi hoạt động sản xuất kinh doanh; bộ tiêu chí (4 tiêu chí) trong lĩnh vực quản lý chi thường xuyên và bộ tiêu chí (10 tiêu chí) trong lĩnh vực quản lý chi đầu tư.
Cụ thể, 4 tiêu chí trong lĩnh vực quản lý thu chi phí, lệ phí, thu chi sự nghiệp, thu chi hoạt động sản xuất kinh doanh gồm: Trọng yếu được xác định là: Đánh giá việc thu phí, lệ phí của đơn vị có đúng đối tượng, có kịp thời, đúng quy định;
Đánh giá công tác quản lý, sử dụng nguồn thu từ phí, lệ phí được để lại có đảm bảo đúng quy định;
Đánh giá công tác ban hành các khoản thu phí, lệ phí không đúng trình tự, thẩm quyền;
Đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ của các đơn vị có tuân thủ theo đúng quy định.
4 tiêu chí trong lĩnh vực quản lý chi thường xuyên, gồm: Trọng yếu được xác định là: Đánh giá công tác lập dự toán đúng quy định, sát thực tế và có đủ cơ sở;
Đánh giá công tác phân bổ, giao dự toán có đúng quy định, đúng yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể không;
Đánh giá việc tổ chức thực hiện dự toán giao có đúng quy định, đúng mục đích, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy chế chi tiêu nội bộ;
Đánh giá công tác tổng hợp, thẩm tra, xét duyệt báo cáo quyết toán ngân sách có được lập và trình bày theo đúng quy định.
10 tiêu chí trong lĩnh vực quản lý chi đầu tư: Trọng yếu được xác định là: Đánh giá lập kế hoạch, phân bổ và giao vốn đầu tư có đúng quy định;
Đánh giá việc thực hiện kế hoạch vốn đầu tư, theo dõi, hạch toán kế toán, quyết toán nguồn vốn đầu tư hằng năm có đúng quy định, đúng mục đích;
Đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của bộ, cơ quan trung ương về đầu tư xây dựng có đảm bảo đúng quy định;
Đánh giá công tác lập, thẩm định phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch có đảm bảo đúng quy định;
Đánh giá công tác giám sát, đánh giá đầu tư có đảm bảo đúng quy định;
Đánh giá công tác lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư có đảm bảo đúng quy định;
Đánh giá công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán hoặc thiết kế bản vẽ thi công - dự toán có đảm bảo đúng quy định;
Đánh giá công tác lựa chọn nhà thầu, quản lý tiến độ, bàn giao công trình đưa vào sử dụng có đảm bảo đúng quy định;
Đánh giá công tác quản lý chất lượng có đảm bảo đúng quy định;
Đánh giá quản lý chi phí đầu tư, công tác lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành có đảm bảo đúng quy định.
Trên cơ sở đó, Ban Đề tài đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức kiểm toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương.
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá, Đề tài có ý nghĩa thực tiễn, khoa học và lý luận cao. Đề tài đã hệ thống được những vấn đề lý luận cơ bản về tiêu chí đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương; tổng hợp, phân tích và đánh giá thực trạng áp dụng các tiêu chí đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán ngân sách trung ương…
Định hướng và các giải pháp được đề xuất sát thực, có tính khả thi về việc xây dựng tiêu chí đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương.
Kết luận buổi nghiệm thu, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên ghi nhận những nỗ lực và tinh thần cầu thị của Ban Đề tài trong quá trình nghiên cứu.
Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài tiếp thu các ý kiến của Hội đồng để hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng của Đề tài, như: Làm rõ hơn vấn đề lý luận về tiêu chí; biên tập lại một số cụm từ cho sát với chuẩn mực KTNN; bổ sung, mở rộng đối tượng nghiên cứu sang một số bộ, ngành; làm rõ bộ tiêu chí để đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu đối với nội dung kiểm toán trọng tâm cho phù hợp, riêng tiêu chí đánh giá trọng yếu cần xây dựng tiêu chí định tính và định lượng; bổ sung kinh nghiệm quốc tế về đánh giá trọng yếu, rủi ro khi kiểm toán ngân sách bộ, ngành.
Hội đồng nghiệm thu thống nhất Đề tài xếp loại Khá./.