Quản lý sau cấp phép khai thác khoáng sản vẫn là vấn đề nan giải

Kết quả kiểm toán - Ngày đăng : 10:16, 07/12/2022

(BKTO) - Sau khi Quyết định kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 được ban hành, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã thực hiện kiểm toán tại Bộ Tài nguyên & Môi trường (TNMT) và 11 tỉnh trên cả nước. Qua đó, KTNN đã phát hiện nhiều hạn chế, thiếu sót trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và nhất là công tác quản lý sau cấp phép khai thác khoáng sản cho các đơn vị.
ks.jpg
Nhiều đơn vị đã được cấp phép khai thác khoáng sản. Ảnh minh họa: TTXVN

Quy hoạch và quản lý quy hoạch thiếu đồng bộ

Đánh giá về công tác quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn giai đoạn 2016-2020, KTNN cho biết, tỉnh Bắc Kạn không ban hành Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản theo quy định; các tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Bình Định đã thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chưa phù hợp.

Tại tỉnh Yên Bái quy hoạch thiếu nội dung “Đánh giá môi trường chiến lược theo từng giai đoạn”. Trong khi đó, tỉnh Phú Thọ, Bình Định không thực hiện lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, không làm rõ các ý kiến, đề nghị của Bộ Xây dựng, Bộ TNMT trước khi ban hành Quyết định phê duyệt bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Còn tại tỉnh Bình Định, địa phương này chưa dự báo được nhu cầu đất san lấp phục vụ cho các công trình trọng điểm. Đáng lưu ý, KTNN phát hiện diện tích cấp giấy phép khai thác khoáng sản đến năm 2020 tại tỉnh Thái Nguyên vượt Nghị quyết của Chính phủ. Chưa hết, quy hoạch, cấp phép đất san lấp tại tỉnh còn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo đánh giá của KTNN, việc thực hiện cấp phép thăm dò, khai thác của một số địa phương chưa đảm bảo quy định của Luật Khoáng sản; hồ sơ cấp phép chuyển nhượng chưa đảm bảo quy định; Sở TNMT chưa yêu cầu các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản bổ sung, chỉnh sửa, làm rõ các nội dung trong thiết kế cơ sở dự án khai thác khoáng sản theo yêu cầu tại các Báo cáo thẩm định của Sở Xây dựng trước khi trình phê duyệt đối với 09 dự án khai thác khoáng sản.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, KTNN nêu rõ, trong giai đoạn 2017-2020, Tổng cục Môi trường mới thực hiện xác nhận 23 dự án hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trên tổng số 160 báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tại 4 địa phương có tình trạng dự án đã đi vào khai thác nhưng chưa có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Vì vậy, kiến nghị được KTNN nhấn mạnh là Bộ TNMT cần chỉ đạo Tổng cục Môi trường thường xuyên rà soát, đôn đốc các dự án khai thác khoáng sản thuộc trường hợp cấp giấy phép môi trường hoàn thiện các thủ tục để cấp phép theo quy định; tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý các dự án không có giấy phép môi trường.

Thực tế khai thác không tuân thủ giấy phép được cấp

Đánh giá về công tác quản lý sau cấp phép, đối với giấy phép do Bộ TNMT cấp, KTNN nêu rõ, còn đơn vị được cấp phép thăm dò không nộp, chậm nộp báo cáo định kỳ; có 71 giấy phép khai thác khoáng sản chậm nộp và 07 giấy phép khai thác khoáng sản không nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản. Có 24 giấy phép không nộp và 58 giấy phép nộp chậm báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác.

Đồng thời, còn 16 đơn vị với 17 giấy phép có sản lượng khai thác vượt công suất khai thác, trong đó có 13 giấy phép có sản lượng khai thác vượt công suất khai thác trên 15%, cá biệt có 05 giấy phép mà sản lượng khai thác vượt công suất khai thác tới trên 100%.

Trước những bất cập này, KTNN kiến nghị Bộ TNMT chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam khẩn trương thực hiện xử lý theo quy định đối với các đơn vị được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản nhưng không nộp, nộp chậm báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản và báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác, đặc biệt là xử lý các đơn vị khai thác vượt công suất.

Đối với giấy phép của các địa phương cấp, KTNN phát hiện 02 địa phương bổ nhiệm Giám đốc điều hành mỏ không đạt tiêu chuẩn quy định. Có giấy phép khai thác còn hiệu lực nhưng vẫn chưa thực hiện xây dựng cơ bản; mỏ chưa tiến hành khai thác nhưng chậm xây dựng cơ bản.

Tại một số địa phương có tình trạng đơn vị không làm thủ tục thuê đất nhưng vẫn thực hiện khai thác nhiều năm; chưa hoàn chỉnh thủ tục đất đai nhưng đã thực hiện khai thác; được cấp phép khai thác nhưng chưa hoàn thiện thủ tục giao đất, thuê đất. Thậm chí có tỉnh đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nhưng chưa tính tiền thuê đất…

Nhiều doanh nghiệp giấy phép đã hết hạn hoặc tạm dừng nhưng vẫn khai thác; khai thác khi chưa có thiết kế mỏ; khai thác các loại khoáng sản khác không có trong giấy phép. Có doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ khai thác nhưng không có sản lượng báo cáo định kỳ và kê khai thuế; nhưng lại có doanh nghiệp không sử dụng vật liệu nổ hoặc sử dụng rất ít nhưng vẫn có sản lượng khai thác lớn.

KTNN còn phát hiện tình trạng địa phương ban hành quyết định đóng cửa mỏ nhưng đơn vị chưa nộp đủ tiền ký quỹ bảo vệ môi trường; có địa phương ban hành quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ nhưng các đơn vị không thực hiện.

Có đơn vị bị thu hồi giấy phép thuộc trường hợp phải đóng cửa mỏ nhưng đơn vị chưa lập đề án và tổ chức thực hiện đóng cửa mỏ, tuy nhiên, UBND tỉnh cũng chưa xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Đáng chú ý, KTNN dẫn ra con số 145 mỏ đã hết hạn giấy phép nhưng đơn vị chưa hoàn thành các thủ tục thực hiện đóng cửa mỏ…

PHÚC KHANG