Phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền miệng về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Xã hội - Ngày đăng : 09:46, 07/12/2022

(BKTO) - Xuất phát từ đặc điểm tình hình thực tiễn của địa phương, những năm qua, tuyên truyền miệng là một trong những phương thức được Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Trà Vinh áp dụng hiệu quả, góp phần đưa chính sách, pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) vào cuộc sống.
4_20221202040715pm.jpg
Tuyên truyền miệng là phương thức hiệu quả trong tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT tại tỉnh Trà Vinh.
Ảnh: BHXH tỉnh Trà Vinh

Mở rộng vững chắc diện bao phủ

Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương) phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh và BHXH tỉnh Trà Vinh vừa tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng góp phần đưa chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào cuộc sống”.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Út- Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh cho biết, thời gian qua, thông qua các hình thức tuyên truyền, trong đó có tuyên truyền miệng, tỉnh Trà Vinh đã từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, góp phần đảm bảo cuộc sống của người dân trong tỉnh.

Theo số liệu của BHXH tỉnh Trà Vinh, năm 2021, số người tham gia BHXH tự nguyện ở Trà Vinh tăng gần 8,9 lần so với năm 2018; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 97,02% dân số, tăng 1,48% so với năm 2018.

Riêng 10 tháng năm 2022, toàn tỉnh có 85.491 người tham gia BHXH, chiếm 16,45% lực lượng lao động, đạt 104,17% chỉ tiêu được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao. Trong số đó, có 17.786 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 3,42% lực lượng lao động. Dự kiến đến cuối năm 2022, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 3,5% lực lượng lao động - đạt chỉ tiêu Tỉnh ủy Trà Vinh đề ra.

“Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động rất lớn tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, có thể nói đây là những kết quả hết sức quan trọng, thể hiện tính đúng đắn của chính sách, quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW. Đặc biệt, kết quả này đã thể hiện rõ niềm tin của người dân vào chính sách BHXH, BHYT" - ông Bùi Quang Huy - Giám đốc BHXH tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo ông Vinh, trong những lúc khó khăn, bằng nhiều giải pháp sáng tạo, trong đó có tuyên truyền miệng, chính sách BHXH, BHYT đã đến với người dân một cách hiệu quả nhất. Thành công nhất trong tuyên truyền, đó là sự thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị, của đông đảo người lao động, người dân về chính sách BHXH, BHYT. Đây là yếu tố then chốt tạo ra những thành công trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH nói chung, trong đó nổi bật nhất là chính sách BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh.

Chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền

Chia sẻ thêm về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, bà Nguyễn Thị Hồng Anh- Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (BHXH tỉnh Trà Vinh) cho biết: Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, BHXH tỉnh Trà Vinh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo các cấp; cấp ủy, chính quyền các địa phương và các ngành liên quan tổ chức 1.243 cuộc đối thoại cho 79.246 người dân, người lao động về chính sách BHXH, BHYT; 834 cuộc tuyên truyền miệng (tuyên truyền nhóm nhỏ) với 2.761 người dân.

Tỉnh Trà Vinh có khoảng 32% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Nắm bắt đặc thù này, BHXH tỉnh đã phối hợp với các cơ quan truyền thông của địa phương biên dịch, phiên dịch tin, bài, tờ gấp về lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình sang tiếng Khmer và cấp cho các điểm chùa Khmer trong tỉnh, góp phần giới thiệu, tuyên truyền về các chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính sách BHXH, BHYT đến những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Theo ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh, nhận thấy tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT, từ thực tiễn hoạt động của mình, đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở đã tích cực nắm bắt, phản ánh nguyện vọng, dự báo tác động của chính sách đến người lao động và chủ sử dụng lao động với cấp ủy, chính quyền. Qua đó, giúp thực hiện chính sách ngày càng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, người lao động.

Để chính sách BHXH, BHYT đến gần người dân hơn, ông Tuấn cho rằng, trong thời gian tới, ngành Tuyên giáo nói chung và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nói riêng cần tăng cường công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền miệng giúp người dân thay đổi hành vi, không chủ quan, lơ là trong việc bảo vệ bản thân và gia đình thông qua chính sách BHXH, BHYT...

Giám đốc BHXH tỉnh Trà Vinh Bùi Quang Huy kiến nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện về chính sách BHXH, BHYT nhằm nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ làm công tác tuyên truyền. Thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên góp phần đưa chính sách BHXH, BHYT đến với người dân để có nhiều người dân biết, hiểu được ý nghĩa, mục đích nhân văn của chính sách BHXH, BHYT, từ đó tích cực tham gia để được hưởng chính sách an sinh xã hội, tiến tới BHXH, BHYT toàn dân./.

Đ. KHOA