Thể thao Việt Nam tập trung cao độ cho ASIAD 2018
Xã hội - Ngày đăng : 18:20, 20/04/2018
(BKTO) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) Trần Đức Phấn cho biết, năm 2018, thể thao Việt Nam sẽ tập trung cao độ cho việc chuẩn bị tham dự Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 (ASIAD 18) tại Indonesia với mục tiêu là 3 Huy chương Vàng (HCV). Điều này được đánh giá là khá “tham vọng” đối với ngành thể thao Việt Nam, tuy nhiên không phải là không có cơ sở.
Lô gô chính thức của Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 (ASIAD 18) tại Indonesia
Mục tiêu 3 HCV tại ASISAD 18 sẽ không hề đơn giản đối với thể thao Việt Nam trong năm nay. Nhìn lại bảng thành tích của thể thao Việt Nam tại các kỳ ASISAD gần đây mới thấy việc giành HCV ở đấu trường châu Á không hề đơn giản. Bốn năm trước, tại ASIAD 17 (Incheon, Hàn Quốc) Đoàn thể thao Việt Nam giành được 36 tấm huy chương, với 1 HCV, 10 Huy chương Bạc (HCB), 25 Huy chương Đồng (HCĐ) (xếp thứ 21/37 quốc gia tham dự) - một kết quả khiêm tốn, chưa xứng với kỳ vọng. Còn trước đó, tại kỳ ASIAD 16 năm 2010 (Quảng Châu, Trung Quốc), Đoàn Việt Nam giành 33 huy chương, với 1 HCV, 17 HCB, 15 HCĐ (xếp thứ 24/36 quốc gia).
Tại ASIAD 18 năm 2018, được sự đồng ý của Liên đoàn Thể thao châu Á, nước chủ nhà Indonesia sẽ tổ chức 40 môn với 67 phân môn (462 bộ huy chương). Đây là Đại hội Thể thao mùa hè lớn nhất châu Á, có sự tham dự của các cường quốc về thể thao có thành tích cao như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Kazakhstan, Uzbekistan...
Đoàn thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 18 với200 VĐV chính thức hướng tớimục tiêu giành 3 HCV
Để chuẩn bị cho ASIAD 18, ngành thể thao Việt Nam đã lên một kế hoạch mang tính tổng thể, có chiều sâu và mang nhiều tham vọng. Theo ông Hoàng Xuân Vinh - Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT), Đoàn thể thao Việt Nam sẽ tham gia hơn 23 môn thể thao thế mạnh. Ngay từ năm 2017, khoảng 400 vận động viên (VĐV) xuất sắc nhất đã được tập trung cho chiến dịch ASIAD 18. Sắp tới, Tổng cục TDTT sẽ gút lại còn hơn 200 VĐV chính thức nhằm mục tiêu giành 3 HCV, xóa đi nỗi buồn của 2 kỳ Á vận hội gần nhất…
Theo tính toán của Tổng cục TDTT, sẽ có một số môn được giao nhiệm vụ tranh chấp HCV gồm: điền kinh, bơi lội, cử tạ, bắn súng, thể dục dụng cụ, karatedo, wushu và môn do nước chủ nhà Indonesia chọn là pencak silat. Trong đó, các VĐV được đặt nhiều kỳ vọng nhất là: Nguyễn Thị Ngoan (karatedo), Dương Thúy Vi (wushu - người giành HCV duy nhất của thể thao Việt Nam tại ASIAD 17), Bùi Thị Thu Thảo và Tú Chinh (điền kinh), Thạch Kim Tuấn và Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Ánh Viên (bơi lội), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng)...
Không chỉ tập huấn trong nước, một số VĐV nổi bật ở các môn bơi lội, điền kinh sẽ tập huấn dài ngày tại Mỹ và châu Âu. Nhiều đội tuyển khác như: karatedo, vật, thể dục dụng cụ, bắn súng… cũng được đi tập huấn nước ngoài ngắn hạn và tham dự nhiều giải đấu quốc tế để tích lũy kinh nghiệm.
Theo quan sát gần đây, nhiều VĐV mũi nhọn đang duy trì phong độ rất ổn định. Nữ VĐV điền kinh Bùi Thị Thu Thảo vừa giành được chiếc HCV châu Á môn nhảy xa (tháng 2/2018 tại Iran) với thành tích 6,2 m.
Một nữ VĐV điền kinh triển vọng khác là Lê Tú Chinh cũng đã lên đường tập huấn tại Mỹ, bắt đầu bước vào chu trình tập luyện dài ngày tại Học viện IMG bang Florida (Mỹ).
Nữ VĐV điền kinh Bùi Thị Thu Thảo vừa giành được chiếc HCV châu Á môn nhảy xa (tháng 2/2018 tại Iran) với thành tích 6,2 m.
Tại Giải vô địch thế giới wushu diễn ra tại Kazan (Nga) cuối năm 2017, nữ võ sỹ Thúy Vi xuất sắc đoạt HCV nội dung sở trường thương thuật. Cô chính là người giành chiếc HCV duy nhất của Đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 17 và cũng đang tràn đầy hy vọng bảo vệ thành công chức vô địch tại Á vận hội 18 tới đây...
Quan tâm hơn chế độ cho vận động viên
Ngoài việc cọ xát ở các giải đấu trong nước, một số VĐV trọng điểm sẽ được tăng cường thi đấu ở nước ngoài. Trong công tác huấn luyện, các giải pháp về khoa học công nghệ, y sinh học, tâm lý sẽ được ngành TDTT áp dụng mạnh mẽ cho các VĐV. Trang thiết bị, dụng cụ tập luyện cũng được ngành TDTT đầu tư tối đa nhằm tạo điều kiện tốt nhất để VĐV yên tâm thi đấu giành thành tích cao tại ASIAD 18...
Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng cũng được ngành TDTT quan tâm hơn đối với các VĐV mũi nhọn. Từ nhiều năm nay, thể thao Việt Nam đã chú ý đầu tư cho các VĐV, huấn luyện viên (HLV) trọng điểm - những người có thể chiếm lĩnh những đỉnh cao thể thao châu lục và thế giới trong ngắn hạn hoặc dài hạn. Đặc biệt, chuẩn bị cho “chiến dịch” ASIAD 18 tại Indonesia, Tổng cục TDTT đã lên danh sách 62 VĐV, HLV trọng điểm và trả mức tiền công, tiền ăn 800 nghìn đồng/người/ngày (tiền công: 400 nghìn đồng, tiền ăn 400 nghìn đồng). Qua đó giúp các VĐV, HLV yên tâm cống hiến, không quá bận tâm với nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” và có thêm động lực để đóng góp cho đội tuyển quốc gia.
Lãnh đạo ngành thể thao cho biết, sau 7 năm đi vào thực tiễn, Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với HLV, VĐV đã bộc lộ một số bất cập và lạc hậu so với thực tế. Lãnh đạo ngành thể thao cho biết, hiện ngành TDTT đã đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định “Quy định một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu” với nhiều đãi ngộ lớn về tiền công và tiền thưởng cho các VĐV, HLV. Nếu được ban hành, Nghị định mới này sẽ giúp các VĐV, HLV có được sự đãi ngộ xứng đáng với những nỗ lực, khổ luyện mà họ đã bỏ ra, giúp họ yên tâm, gắn bó và cống hiến hết mình cho thể thao nước nhà.
ASIAD 18 sẽ được tổ chức tại thủ đô Jakarta và TP. Palembang (Indonesia) từ ngày 18/8 đến 02/9/2018. Đây là lần thứ 2 Indonesia đăng cai Á vận hội này, sau lần đầu tiên vào năm 1962. Đại hội có tổng cộng 40 môn thể thao và 462 nội dung thi đấu. Là sự kiện thể thao được tổ chức 4 năm một lần với sự tham gia của các đoàn VĐV các nước châu Á, Đại hội do Ủy ban Olympic châu Á (OCA) tổ chức và dưới sự giám sát của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC). |
HOÀNG NGÂN (tổng hợp)