Đổi mới truyền thông, chú trọng cải cách để “níu chân” người dân trong hệ thống an sinh

Xã hội - Ngày đăng : 10:02, 07/12/2022

Được coi là “thủ phủ” của vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng để phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, số lượng người tham gia BHXH, BHYT tại đây vẫn còn khoảng cách khá xa so với các địa phương khác. Thực trạng này đòi hỏi cơ quan BHXH tỉnh phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được xem là khâu đột phá… nhằm thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, BHXH cho người dân.
be0ad87e69799827c1682_20201126075252am.jpg
Bộ phận một cửa BHXH tỉnh Đắk Lắk tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch. Ảnh: BHXH tỉnh Đắk Lắk

Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính

Theo BHXH tỉnh, công tác cải cách hành chính luôn được BHXH tỉnh quan tâm, được xác định là khâu đột phá. Ngay từ đầu năm, Ban Giám đốc BHXH tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt. BHXH tỉnh ban hành Bộ quy trình giải quyết TTHC trong lĩnh vực chi trả các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và thực hiện tốt các nội dung cải cách TTHC; tiếp nhận và giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cũng cơ bản được thực hiện đảm bảo theo quy định.

Cụ thể, về lĩnh vực hiện đại hóa, cơ quan BHXH tỉnh đã thực hiện tốt các nhiệm vụ của UBND tỉnh đề ra như: Ban hành đầy đủ, kịp thời Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin 5 năm và hằng năm. Việc cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử BHXH tỉnh thực hiện thường xuyên.

Tỷ lệ văn bản điện tử có ký số được thực hiện đầy đủ. 100% cán bộ được cấp hộp thư điện tử công vụ và thường xuyên sử dụng; triển khai và sử dụng có hiệu quả Phần mềm quản lý văn bản và điều hành – Eoffice. Hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2015 được áp dụng có hiệu lực, hiệu quả tại đơn vị.

Bên cạnh đó, việc tiếp nhận, giải quyết và trả hồ sơ hành chính qua Hệ thống Dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp Một cửa điện tử liên thông được thực hiện hiệu quả. Từ ngày 15/12/2020 đến 15/9/2022, tổng số hồ sơ tiếp nhận là 476.752 hồ sơ; đã giải quyết 476.975 hồ sơ (năm 2021 số hồ sơ giải quyết đạt tỷ lệ 99,78%; 9 tháng đầu năm 2022 đạt tỷ lệ 100%).

Tính đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh có 105.031 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 96,3% kế hoạch BHXH giao năm 2022, tăng 2.954 người so với cuối năm 2021. Người tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ 87,62% dân số với hơn 1,6 triệu người, đạt 96% kế hoạch. Số tiền thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp 9 tháng đầu năm 2022 là 2.469 tỷ đồng, đạt 70,18% kế hoạch. 

Đặc biệt, BHXH tỉnh luôn xác định quan điểm xuyên suốt là lấy người dân, đơn vị là trung tâm để phục vụ tốt; theo đó, những năm qua, cả hệ thống BHXH tỉnh đã đổi mới mạnh mẽ quy trình nghiệp vụ, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân; nỗ lực trong việc thực hiện cải cách TTHC và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các hoạt động nghiệp vụ; xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, góp phần đem đến sự hài lòng cho người dân.

Từ những nỗ lực ấy, kết thúc năm 2021, BHXH tỉnh được đánh giá là đơn vị đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh khối sở, ban, ngành của tỉnh.

Bám sát định hướng cải cách, đổi mới công tác truyền thông

Bên cạnh những kết quả đạt được, BHXH tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận các mặt tồn tại, hạn chế: Các TTHC thuộc lĩnh vực BHXH chưa đưa ra tiếp nhận tại 14 Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cấp huyện theo Quyết định số 1291/QĐ-TTg, ngày 7/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động giao dịch còn chưa được linh hoạt,…

Trên cơ sở đó, BHXH tỉnh xác định thực hiện theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1291/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 8392/UBND-KSTTHC ngày 14/10/2019 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc đưa một số TTHC thuộc lĩnh vực BHXH thực hiện tiếp nhận tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cấp huyện.

“BHXH tỉnh sẽ nhanh chóng triển khai, thực hiện về ban hành mô hình khung hệ thống quản lý chất lượng của ngành khi có văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam” - Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Khắc Tuấn cho biết thêm.

Về định hướng trong thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, áp dụng phần mềm nghiệp vụ ngành, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

bh-4.jpg
Chú trọng đổi mới công tác truyền thông chính sách để thu hút người dân tham gia. Ảnh: BHXH tỉnh Đắk Lắk

Đặc biệt, để thu hút đối tượng tham gia chính sách BHXH, BHYT, BHXH tỉnh sẽ đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông chính sách; tiếp tục đổi mới công tác này theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt, phù hợp; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể; các cơ quan thông tấn, báo chí triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh truyền thông trên phạm vi toàn quốc; qua đó tạo ra sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội trong suốt quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách.

“Đây là giải pháp rất quan trọng, giúp người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT. Chỉ khi nhận thức của người dân thông suốt thì chính sách mới bền vững” – lãnh đạo BHXH tỉnh cho biết.

Trong thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách TTHC và chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC; Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu, bảo đảm thông suốt, chính xác, nhanh chóng, an ninh an toàn, tạo thuận lợi cho việc giải quyết TTHC trên môi trường mạng. Bởi, theo lãnh đạo BHXH tỉnh, khi người dân tin tưởng tham gia, thì việc đảm bảo thực thi đầy đủ, kịp thời chính sách, cũng như sự tiện lợi, thông thoáng trong giao dịch sẽ “níu chân” người dân ở lại hệ thống, từ đó tạo sự bền vững cho hệ thống an sinh xã hội./.

N.LỘC