Hải Dương phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050

Địa phương - Ngày đăng : 09:43, 07/12/2022

(BKTO) - Tại hội nghị lần thứ 11 vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo báo cáo Quy hoạch tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu phát triển đến năm 2025, tỉnh Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, có hạ tầng kinh tế - xã hội khá đồng bộ; tiếp tục chuyển dịch kinh tế sang công nghiệp - dịch vụ, chủ trương ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến; tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thực tế bình quân đầu người ở mức cao hơn cả nước, đạt khoảng 114 triệu đồng.

toancanhhnbch11.jpg
Ban Chấp hành Đảng bộ Hải Dương thảo luận dự thảo báo cáo Quy hoạch tỉnh. Ảnh sưu tầm

Đến năm 2030, phấn đấu xây dựng Hải Dương là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước, đứng thứ 4 trong vùng đồng bằng sông Hồng; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; là trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng; tăng GRDP thực tế bình quân đầu người ở mức cao hơn cả nước, đạt khoảng 183 triệu đồng.

Dự thảo Quy hoạch tỉnh Hải Dương xác định tầm nhìn chiến lược tới năm 2050 là phát triển Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp, hiện đại, văn minh, phát triển bền vững và giàu bản sắc văn hóa xứ Đông. Hải Dương phấn đấu đến năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trung tâm công nghiệp, đô thị hiện đại, xanh, thông minh, an ninh, an toàn, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng; là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Hồng; phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị, tạo sự ổn định cho nền kinh tế.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương cũng quyết định lựa chọn phương án tăng trưởng của tỉnh là tăng trưởng cao với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 12,5%; năm 2030, tỷ trọng cơ cấu kinh tế nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ sẽ đạt tương ứng là 4,8% - 63,9% - 31,3%.

Trụ cột chiến lược của tỉnh gồm 4 trục phát triển không gian (trục phát triển Bắc - Nam; trục phát triển Đông - Tây trung tâm tỉnh; trục phát triển theo hướng Đông Tây đi qua khu vực phía Bắc của tỉnh; trục phát triển kinh tế dọc các tuyến sông); 4 trụ cột chiến lược phát triển (công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ - đô thị); 3 nền tảng hỗ trợ (văn hóa và con người xứ Đông; môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch; hạ tầng đồng bộ, kết nối hiện đại)...

Định hướng 5 cực tăng trưởng chính là Hải Dương phát triển với 1 đô thị trung tâm là TP.Hải Dương; 4 đô thị động lực gồm: TP.Chí Linh, thị xã Kinh Môn, Bình Giang, Thanh Miện; 5 đô thị vệ tinh là Gia Lộc, Nam Sách, Cẩm Giàng, Thanh Hà, Tứ Kỳ và 2 đô thị chức năng chuyên biệt Ninh Giang và Kim Thành. 5 phân vùng phát triển được liên kết chặt chẽ với nhau qua 4 trục phát triển bao gồm: phân vùng đô thị dịch vụ tổng hợp trung tâm; phân vùng phát triển trọng điểm công nghiệp - đô thị phía Tây; phân vùng đô thị du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa tâm linh phía Bắc; phân vùng nông nghiệp tập trung, đặc sản, công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến liên kết và công nghiệp hỗ trợ; phân vùng công nghiệp - đô thị - dịch vụ phía Đông Bắc./.

THANH XUYÊN