Tăng cường liên kết, đánh thức tiềm năng du lịch Hải Dương

Địa phương - Ngày đăng : 15:10, 08/12/2022

Dù đạt được nhiều kết quả, song để du lịch Hải Dương trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng đồng lòng của người dân. Đặc biệt, bên cạnh sự nỗ lực đổi mới sản phẩm, điểm đến, ngành du lịch Hải Dương cần tăng cường sự liên kết với các địa phương trong vùng, từ đó phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
22-min-1633172912234884028707.png
Hải Dương cần thực hiện tốt các giải pháp để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch.
Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương

Giàu tiềm năng phát triển du lịch

Với sự đa dạng về địa hình, cảnh quan thiên nhiên, Hải Dương là địa bàn giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Theo PGS,TS. Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, tiềm năng du lịch của Hải Dương rất phong phú, đa dạng về văn hóa và tự nhiên.

Hải Dương là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về số lượng các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng. Đặc biệt, Hải Dương có nhiều tiềm năng có thể phát triển du lịch được xem là “độc nhất vô nhị” như Làng tiến sĩ Mộ Trạch ở Bình Giang. Ở đồng bằng sông Hồng, Đảo Cò (Thanh Miện) là nơi duy nhất có hệ sinh thái độc đáo như vậy… Những điểm này có thể khai thác để phát triển thành các sản phẩm du lịch đặc thù, có sức hấp dẫn trong vùng, quốc gia và thậm chí quốc tế.

Bên cạnh hệ thống di tích đồ sộ, Hải Dương được đánh giá là rất giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Các làng nghề truyền thống chủ yếu sử dụng phương pháp sản xuất thủ công tạo sự hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước khi tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm các công đoạn tạo ra sản phẩm như: Làng nghề bánh đa Hội Yên (Ninh Giang), bánh đa Lộ Cương (TP Hải Dương), chiếu cói Tiên Kiều (Thanh Hà), thêu Xuân Nẻo (Tứ Kỳ)… cùng với đó là các làng nghề thủ công mỹ nghệ như: vàng bạc Châu Kê (Bình Giang), gốm Chu Đậu (Nam Sách)… Các làng nghề này cũng tạo thế mạnh để phát triển du lịch nông thôn kết hợp du lịch sinh thái và du lịch làng nghề, du lịch tâm linh.

Tuy nhiên, theo đánh giá, du lịch Hải Dương dù có nhiều tiềm năng nhưng sản phẩm du lịch chưa phong phú, hấp dẫn; còn hạn chế về chất lượng dịch vụ, nhân lực ngành du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, đáp ứng nhu cầu của du khách. Việc quảng bá du lịch và liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước chưa chặt chẽ…

Tăng cường liên kết để phát triển du lịch

Dù có nhiều tiềm năng, song du lịch Hải Dương chưa thể phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh như kỳ vọng. Đến nay, du khách vẫn chỉ xem đây là điểm đến dừng chân trên tuyến du lịch Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Theo đó, cùng với việc chú trọng đầu tư, đổi mới các điểm đến, sản phẩm du lịch, Hải Dương cần tăng cường sự liên kết với các địa phương trong vùng, đặc biệt là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh để tạo ra một “hành lang” du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó đề ra nhiều giải pháp nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch trên địa bàn.

Các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cho rằng, để đưa du lịch của tỉnh phát triển lên tầm cao mới, thời gian tới, Hải Dương cần quan tâm triển khai việc liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước và đa dạng các sản phẩm du lịch theo hướng đặc thù, có tính cạnh tranh cao.

Ngành văn hóa, Hiệp hội Du lịch tỉnh cần tăng cường các tọa đàm, hội thảo để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hợp tác, phát triển. Tỉnh cần tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội tăng cường quảng bá sản phẩm du lịch, liên kết hợp tác với các doanh nghiệp ở những tỉnh, thành phố khác trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch cần phát huy vai trò, tổ chức nhiều hoạt động kết nối chất lượng, khuyến khích thành viên xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn để tăng sức cạnh tranh, thu hút du khách.

Nhìn nhận ngành du lịch của tỉnh chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng hiện có, ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương cho biết, một trong những giải pháp được tỉnh xác định là tăng cường liên kết phát triển du lịch, đẩy mạnh liên kết giữa các huyện, thị xã, thành phố để xây dựng tour, tuyến du lịch nội tỉnh, hợp tác với các tỉnh, thành phố để xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, Hải Dương sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù để nâng cao sức cạnh tranh, tạo thương hiệu cho du lịch của tỉnh.

Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cũng cho biết, Sở sẽ tiếp tục đồng hành với Hiệp hội Du lịch trong ứng dụng chuyển đổi số để phát triển du lịch của tỉnh; hỗ trợ, tạo điều kiện để tăng tính kết nối giữa các doanh nghiệp cùng lĩnh vực; đồng thời mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ, kết nối với các đơn vị cùng ngành, xây dựng các sản phẩm du lịch ấn tượng, hấp dẫn với du khách.

N.LỘC